Dấu hiệu oan sai trong một vụ “Cố ý làm trái…” (Phần tiếp theo)

Theo cáo trạng số 21/VKSTC-V3 ngày 30/5/2017 của VKSNDTC kết luận Ông Nguyễn Nhật và Nguyễn Công Hoàng đã làm trái với Khoản 3, phần I, Quy định 92/TCT-TGĐ/QĐ ngày 05/02/2009 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà  phê Việt Nam quy định về công tác quản lý tài chính và công tác kế toán đối với các đơn vị hạch toán phụ thuộc, quy định: “Đơn vị sử dụng mọi nguồn vốn và tài sản, vật tư hiện có phục vụ kinh doanh theo kế hoạch của đơn vị được Tổng Công ty phê duyệt trên nguyên tắc phải bảo toàn vốn và kinh doanh có hiệu quả”. Tại phiên tòa, cả hai người bị cáo buộc đều đồng loạt kêu oan với lý do:

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Nhật tại phiên tòa

1) Nỗ lực hoàn thành kế hoạch, đạt hiệu quả trong kinh doanh vẫn bị kết tội.

Tình hình kinh tế trong nước bị ảnh hưởng trầm trọng từ khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, các doanh nghiệp có chức năng xuất, nhập khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có Tổng công ty cà phê Việt Nam, mà cụ thể là Công ty Kinh doanh tổng hợp Vinacafe Quy Nhơn (Vinacafe Quy Nhơn) và Trung tâm xuất nhập khẩu Vinacafe (Trung tâm)  – 2 chi nhánh hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty cà phê Việt Nam, hoạt động theo điều lệ và các quy chế, quy định của Tổng công ty.

Năm 2010, Vinacafe Quy Nhơn được Tổng công ty giao nhập khẩu 80.000 tấn phân bón các loại để bán cho chính các nông trường cà phê trực thuộc Tổng công ty và để hoàn thành kế hoạch, Vinacafe Quy Nhơn cần phải có trên 20,48 triệu USD. Trong khi đó do nền kinh tế trong nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới nên nguồn ngoại tệ vô cùng khan hiếm, các Ngân hàng thương mại không có nguồn ngoại tệ để bán hoặc cho vay. Vinacafe Quy Nhơn đứng trước viễn cảnh không thể hoàn thành được kế hoạch nếu không có ngoại tệ.

Trung tâm XNK cũng không nằm ngoài khó khăn chung đó, mà một trong những khó khăn quan trọng là thiếu vốn kinh doanh, cụ thể tình hình năm 2010 như sau:

Trung tâm được Tổng công ty giao chỉ tiêu xuất khẩu 62.500 tấn cà phê và nông sản các loại. Để hoàn thành kế hoạch đó, Trung tâm cần phải có nguồn tiền tổng cộng 1.609.500.000.000 đồng/4 vòng quay (03 tháng =01 vòng quay) = 402.375.000.000 đồng/ 01 vòng (Theo Kế hoạch kinh doanh năm 2010 của Trung tâm xuất nhập khẩu Vinacafe được Tổng Giám đốc Tổng Công ty cà phê Việt nam phê duyệt).

Bên cạnh chỉ tiêu hàng năm, theo nội dung Quyết định số 481/QĐ-TTg ngày 13/4/2010 của Thủ tướng chính phủ về việc hỗ trợ mua tạm trữ cà phê niên vụ 2009 – 2010 và các Quyết định có liên quan thì Trung tâm được chỉ định thu mua số lượng tối đa là 17.000 tấn cà phê, tương đương khoảng 425.000.000.000 đồng;

Trong khi đó, ngày 26/5/2010, Tổng công ty cà phê Việt Nam ban hành Quyết định số 136/QĐ-TCT-TCCB về việc giải thể Công ty Vinacafe Sài Gòn (cũng là một đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty) và chuyển giao nguyên trạng tài chính, tài sản và công nợ của Vinacafe Sài Gòn cho Trung tâm. Theo đó, Trung tâm XNK phải có nghĩa vụ trả các khoản nợ mà Vinacafe Sài Gòn chuyển giao là: 138.816.352.782 đồng;

Như vậy, có những thời điểm trong năm 2010, Trung tâm cần phải có hơn 800 tỷ đồng để cùng lúc thực hiện cả hai nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất và phải thực hiện thêm nghĩa vụ trả nợ thay cho Tổng công ty (do Vinacafe Sài Gòn chuyển giao là gần 139 tỷ đồng). Trong khi đó, từ khi thành lập – ngày 04/12/2009, Trung tâm không có vốn, mà toàn bộ nguồn tiền để thu mua cà phê xuất khẩu đều phải đi vay các Ngân hàng thương mại, thông qua các ủy quyền của Tổng Công ty (Kể cả khoản nợ mà Vinacafe Sài Gòn chuyển giao thì Trung tâm cũng phải cân đối các nguồn tiền để thực hiện đúng các cam kết trả nợ giữa Tổng công ty và Ngân hàng). Tuy nhiên, khi có ủy quyền vay vốn của Tổng công ty, thì Ngân hàng cũng chỉ giải ngân số tiền bằng 70-80% giá trị hàng hóa mua vào, 20-30% giá trị còn lại, Trung tâm phải tự xoay sở để thanh toán 100% cho người bán. Để đảm bảo cho khoản vay, toàn bộ số lượng cà phê Trung tâm thu mua được đều phải thế chấp cho Ngân hàng. Trung tâm muốn giải chấp được cà phê để xuất bán thì phải có tiền để tất toán được toàn bộ khoản vay. Trong hoàn cảnh khó khăn về vốn như trên, Trung tâm sẽ phải tìm nguồn tiền ở đâu? Đây là một thách thức lớn đặt ra với Trung tâm và Tổng công ty lúc bấy giờ. Hơn nữa, theo quy định của các ngân hàng thì hồ sơ vay vốn chỉ được phê duyệt khi khách hàng đề nghị vay vốn không có dư nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Trước tình cảnh của Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm, nhiệm vụ tiên quyết được đặt ra là tìm hướng giải quyết những khó khăn hiện hữu. Để có phương cách giải bài toán này, Tổng công ty, Vinacafe Quy Nhơn, Trung tâm cùng các Công ty con liên quan đã có rất nhiều cuộc họp tìm phương án tối ưu nhằm giải quyết vấn đề tạo nguồn USD ổn định để Vinacafe Quy Nhơn thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu phân bón, đồng thời luôn có nguồn vốn đều đặn để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ thu mua cà phê và xuất khẩu. Và phương án được đưa ra, đó là: Vinacafe Quy Nhơn chuyển trước tiền VND cho Trung tâm để Trung tâm có vốn thực hiện nhiệm vụ thu mua cà phê và xuất khẩu. Sau khi xuất khẩu, nguồn ngoại tệ thu về được Trung tâm chuyển lại về cho Vinacafe Quy Nhơn thông qua Ngân hàng BIDV Bình Định. Trong thời điểm đó, đứng trước những hoàn cảnh khó khăn đó thì đây là giải pháp tối ưu, duy nhất để tháo gỡ khó khăn cho cả Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm. Và thực tế cũng đã chứng minh đây là một giải pháp đúng đắn. Việc Trung tâm sử dụng nguồn tiền luân chuyển từ Vinacafe Quy Nhơn để tất toán các khoản vay đã giúp Tổng công ty cà phê Việt Nam không có dư nợ xấu trong hệ thống Ngân hàng. Đó như một tấm vé thông hành giúp Tổng công ty cũng như các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty không bị ảnh hưởng bởi điều kiện vay vốn kinh doanh từ các tổ chức tín dụng. Năm 2010, cả Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm đều hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trong năm mà Vinacafe Quy Nhơn đạt được là 28.441.568.348 đồng và lợi nhuận Trung tâm đạt được là: 8.583.818.162 đồng. Đạt được những thành tích như vậy, nên năm 2010, ông Nguyễn Công Hoàng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ông Nguyễn Nhật được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3.

Mặc dù trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26 – 27/9 Tổng Công ty đều khẳng định là không biết việc luân chuyển vốn giữa 02 đơn vị hạch toán phụ thuộc, nhưng trong mối quan hệ giữa Tổng công ty và các đơn vị trên (là quan hệ Công ty Mẹ – công ty Con), và với tư cách là một pháp nhân độc lập trong các giao dịch dân sự, cũng như thực tế khách quan thì có thể khẳng định Tổng công ty hoàn toàn biết và đồng ý để 02 đơn vị luân chuyển vốn như trên. Điều này được thể hiện qua các báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, qua các cuộc thanh kiểm tra của Tổng Công ty. Hơn nữa, với tư cách là Công ty Mẹ thì Tổng công ty đương nhiên biết được thực tế khó khăn của kinh tế thế giới, nền kinh tế trong nước và đặc biệt là những khó khăn vì thiếu USD và thiếu vốn của Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm. Và trong quá trình sử dụng nguồn vốn từ Vianacafe Quy Nhơn, có rất nhiều khoản tiền đã được Trung tâm dùng để thực hiện thay nghĩa vụ và trả nợ cho Tổng Công ty. Vậy nên, nếu nói Tổng công ty không biết về việc luân chuyển vốn giữa 02 đơn vị là hoàn toàn không đúng với sự thật khách quan.

Vậy nhưng, việc thực hiện những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn của các đơn vị, đem lại những kết quả đáng kể như đã nêu trên lại bị buộc tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS.

2) Vốn vẫn luân chuyển trong Tổng công ty, sao gọi là thất thoát?

            Theo quy định của pháp luật, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 – BLHS 1999) phải có 02 yếu tố là: hành vi cố ý làm trái và phải có hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Trong vụ án này, hậu quả được VKSNDTC kết luận tại bản Cáo trạng ngày 20/5/2017 là: gây thiệt hại cho Tổng công ty 45.016.620.000 đồng, hiện còn dư nợ số tiền gốc 39.205.246.824 đồng không có khả năng thu hồi.

Tổng công ty có thật sự thiệt hại không? Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra trong các ngày 26-27/9/2017 sự thật đó đã dần sáng tỏ, theo đó:

Thực tế, thời điểm giữa năm 2010, Trung tâm lâm vào tình trạng cà phê bị lưu giữ trong kho trung gian không thể xuất khẩu, vì đang là tài sản thế chấp để nhận nợ một số ngân hàng. Nhu cầu bức thiết của Trung tâm là làm sao để có được dòng tiền để giải chấp cà phê tồn kho phục vụ xuất khẩu. Khi nhận được dòng tiền luân chuyển từ Vinacafe Quy Nhơn, như một cứu cánh để Trung tâm sử dụng nguồn tiền đó trả nợ Ngân hàng Agribank chi nhánh 3 gần 53 tỷ đồng để giải chấp gần 4.000 tấn cà phê để xuất khẩu; Trả nợ Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội 20,2 tỷ đồng để giải chấp trên 1.000 tấn cà phê để xuất khẩu…

Hơn thế nữa, chủ yếu phần tiền Trung tâm chưa trả Vinacafe Quy Nhơn được Trung tâm sử dụng thanh toán cho các Ngân hàng là các đối tác được Tổng công ty ký Ủy quyền vay vốn hoặc phục vụ việc thu mua cà phê, tạo nguồn hàng xuất khẩu. Hoạt động kinh doanh của Trung tâm gặp khó khăn, một phần do các đối tác của Trung tâm cũng là thành viên của Tổng công ty chưa thanh toán toàn bộ công nợ.

Tại phiên tòa hai bị cáo khẳng định khoản tiền Trung tâm chưa hoàn trả cho Vinacafe Quy Nhơn hoàn toàn không bị thất thoát, không có khả năng thu hồi như Cáo trạng quy kết. Các bị cáo chứng minh, thực tế sau khi khởi tố, Trung tâm vẫn tiếp tục trả cho Vinacafe Quy Nhơn thêm gần 9 tỷ đồng; hiện dư nợ chỉ còn 36,2 tỷ đồng. Số nợ sẽ tiếp tục giảm đi theo lộ trình với sự giám sát trực tiếp của Tổng công ty và Vinacafe Quy Nhơn. Vì vậy, không có căn cứ để khẳng định số tiền 39,2 tỷ đồng là không có khả năng thu hồi theo bản Cáo trạng. Đến thời điểm hiện nay, Trung tâm vẫn hoạt động bình thường và kinh doanh có lãi, hoàn toàn có khả năng trả nợ.

Các bị cáo cho rằng, nếu Cáo trạng xác định số tiền Trung tâm còn nợ Vinacafe Quy Nhơn là tiền các bị cáo làm thất thoát của Tổng công ty và buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm thì quá oan sai cho các bị cáo. Vì theo kết quả xác minh của cơ quan điều tra tại Trung tâm đã khẳng định: Số tiền này đã được Trung tâm dùng để trang trải nợ nần – nghĩa là khoản tiền đó dùng để đầu tư, chi phí, duy trì cho hoạt động kinh doanh của Trung tâm, giúp Trung tâm thu về lợi nhuận.

Bên cạnh đó, toàn bộ sự luân chuyển dòng tiền giữa các thành viên trong Tổng công ty nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh chung của Tổng công ty, các bị cáo không hề mưu cầu lợi ích cá nhân. Xét một cách tổng thể, đây là giải pháp đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc Trung tâm sử dụng nguồn tiền luân chuyển từ Vinacafe Quy Nhơn để tất toán các khoản vay đã giúp Tổng công ty cà phê Việt Nam không có dư nợ xấu trong hệ thống Ngân hàng. Giúp Tổng công ty cũng như các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty không bị ảnh hưởng bởi điều kiện vay vốn kinh doanh từ các tổ chức tín dụng. Năm 2010, cả Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm đều hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Từ những phân tích nêu trên, số tiền 36,2 tỷ đồng hoàn toàn không bị thất thoát, các bị cáo không tư lợi. Đặt giả thiết theo quy kết của Cáo trạng các bị cáo gây thiệt hại và họ thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho Tổng công ty, sau đó các “con nợ” của Tổng công ty thanh toán các khoản công nợ. Như vậy, vô hình trung “một khoản nợ được thanh toán hai lần”. Việc chưa thu hồi được toàn bộ công nợ để kiểm soát tài sản của Tổng công ty phản ánh quá trình kinh doanh của Tổng công ty trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Qua đó có thể khẳng định trong vụ án này có việc áp dụng sai pháp luật trong điều tra, truy tố, nghiêm trọng hơn là có dấu hiệu truy tố oan sai các bị cáo.

Nhóm PVĐT

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *