Tai nạn giao thông Phổ Yên, Thái Nguyên: Lê Ngọc Hoàng kêu oan

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc ngày 19/11/2016 giữa xe ô tô Innova BKS 99A-14253 do tài xế Ngô Văn Sơn điều khiển va chạm với xa ô tô đầu kéo do Lê Ngọc Hoàng điều khiển xảy ra tại khu vực nút giao Yên Bình trên cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên đã khiến 4 người bị thiệt mạng, 5 người khác bị thương.

Ròng rã gần 2 năm qua, bị cáo Lê Ngọc Hoàng kêu oan cho rằng bị cáo không có lỗi, yếu tố lỗi hoàn toàn thuộc về chiếc xe đã lùi trái phép trên cao tốc xâm lấn làn đường xe mà của Hoàng đang chạy, gây ra sự kiện bất ngờ khiến bị cáo này không thể xử lý, là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn…

Vụ tai nạn kinh hoàng 

Khoảng 15h ngày 19/11/2016, Ngô Văn Sơn (có giấy phép lái xe ô tô hạng B2) lái xe Innova BKS 99A – 14253 (loại xe 8 chỗ) chở 10 người không kể lái xe đi trên đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên lên hướng TP Sông Công. Khi xe vừa qua lối ra nút giao Yên Bình thuộc xóm Sử (xã Tân Hương, TX Phổ Yên), phát hiện đi nhầm đường nên Sơn điều khiển xe từ sát lề đường bên phải cho xe lùi về hướng Hà Nội với mục đích đi ra nút giao Yên Bình.

Cùng lúc đó Lê Ngọc Hoàng (có giấy phép lái xe FC) điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS 89C- 07917 kéo theo rơ mooc BKS 89R-00485 với vận tốc khoảng 60-65km/h đi đến nút giao Yên Bình hướng Hà Nội- Thái Nguyên.

Cáo trạng cho rằng, Hoàng phát hiện phía trước cùng chiều có xe ô tô BKS 99A – 14253 cách 70 mét có bật đèn tín hiệu đi lùi nhưng Hoàng không phanh giảm tốc độ, do quan sát thấy phía trái có xe đầu kéo đang đi tới nên Hoàng cũng không di chuyển làn được. Khi xe của Sơn cách khoảng 10m, Hoàng phanh giảm tốc độ và đánh lái ra phía ngoài đường. Nhưng do khoảng cách quá gần nên đầu xe của Hoàng đâm vào đuôi xe do Sơn đang lùi, đẩy đi theo hướng Hà Nội- Thái Nguyên khoảng 38 mét thì dừng lại. Hậu quả vụ tại nạn làm 4 người tử vong tại chỗ, 6 người khác bị thương (trong đó có 1 người sống thực vật); hai xe ô tô bị hư hỏng nặng.

Bản Kết luận khám nghiệm xác định: Đoạn đường xảy ra tai nạn là đường phải đi theo hướng Hà Nội- Thái Nguyên (đường bắt buộc phải đi một chiều). Kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe Sơn là 0,192mg/lít khí thở; nồng độ cồn của lái xe Hoàng là 0,00mg/lít khí thở.

Với hành vi sử dụng bia rượu khi lái xe, lùi xe trong đoạn đường cấm (đường bắt buộc phải đi một chiều), xe chở vượt quá số người quy định (xe 8 chỗ chở 10 người), Ngô Văn Sơn bị khởi tố, điều tra về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ (GTĐB)”. Lê Ngọc Hoàng cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh trên do vi phạm quy định về cự ly tối thiểu giữa hai xe, vi phạm về tốc độ khi gặp chướng ngại vật.

Bị cáo Hoàng kêu oan cho rằng bị cáo không có lỗi trong vụ tai nạn vì bị cáo đi đúng làn đường, phát hiện sự kiện bất ngờ bị cáo đã giảm tốc độ, đã phanh xe. Hoàng cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn là hoàn toàn do lỗi của lái xe Sơn vì đã lái xe chở vượt quá số người quy định, có sử dụng bia rượu, điều khiển xe đi lùi trong làn đường cấm, lùi xiên vào làn đường dành cho xe tải mà xe của Hoàng đang lưu thông khiến bị cáo đã xử lý nhưng không kịp và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra.

Ngày 10/5/2018 của TAND TX Phổ Yên (Thái Nguyên) xét xử sơ thẩm vụ án đã tuyên phạt Ngô Văn Sơn 10 năm tù, Lê Ngọc Hoàng 8 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển các phương tiện GTĐB”. Ngoài ra bản án cũng quyết định các bị cáo phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự cho những người bị hại. Bị cáo Hoàng tiếp tục kêu oan và kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.

Chiếc xe lùi lấn sang làn xe tải không phải là “chướng ngại vật” 

Trong đơn kêu cứu gửi Báo PLVN, Lê Ngọc Hoàng trình bày bị cáo không vi phạm Điều 12 Luật GTĐB về tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe; không vi phạm khoản 1 Điều 5 Thông tư 91 quy định về các trường hợp phải giảm tốc độ, hoàn toàn không có lỗi trong việc để xảy ra vụ tai nạn. Việc Hoàng bị cáo buộc và kết án 8 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển các phương tiện GTĐB” là oan sai.

Đơn của bị cáo Hoàng viện dẫn kết quả khám nghiệm hiện trường thể hiện: khi điều khiển xe qua nút giao Yên Bình bị cáo đã giảm tốc độ còn 60- 65km/h. Khi phát hiện xe Innova phía trước cùng chiều đang lùi chếch lấn sang làn xe tải, Hoàng lập tức phanh xe triệt để. Kết quả khám nghiệm cho thấy tại hiện trường có hai dấu vết trượt lốp kéo dài khoảng 40m, trùng khớp với hai dấu vết phanh của rơ mooc do Hoàng điều khiển tạo ra.

Như vậy việc cáo trạng buộc tội Hoàng nhìn thấy “chướng ngại vật” (tức xe Innova đang lùi) mà không phanh xe giảm tốc độ là không thuyết phục, có dấu hiệu oan sai vì thực tế xe Innova vi phạm Luật GTĐB không thể xác định là chướng ngại vật.

Tại phiên tòa sơ thẩm, lời khai của người làm chứng Phạm Xuân Trung cũng thể hiện, khi phát hiện có sự kiện bất ngờ phía trước, Hoàng đã phanh xe triệt để tránh va chạm nhưng do khoảng cách 2 xe quá gần nên không kịp. Tuy nhiên, những chứng cứ vô tội của Hoàng không được HĐXX xem xét.

Cũng tại phiên tòa sơ thẩm, LS Nguyễn Văn Dũng và LS Võ Văn Tuấn (VPLS số 5, Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Lê Ngọc Hoàng cũng chứng minh việc thân chủ của mình đã bị truy tố, xét xử oan.  Trong lời bào chữa, các LS xin gửi lời chia buồn đến các gia đình có người thân trong vụ tai nạn. Các LS khẳng định việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật nhằm an ủi thân nhân người bị hại là việc làm cấp thiết; nhưng một việc quan trọng không kém là cần phải giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ để không làm oan người vô tội.

LS Nguyễn Văn Dũng phân tích: Thời điểm xảy ra tai nạn Hoàng chạy xe với tốc độ 60-65km là không vi phạm về tốc độ; bị cáo cũng giữ khoảng cách an toàn với xe đi đằng trước. Cần nói rõ, xe Innova do Sơn điều khiển đã đi lùi trên đường cao tốc (vi phạm điều cấm của Luật GTĐB) và xâm lấn vào làn đường của xe Hoàng khiến Hoàng dù đã phanh xe triệt để nhưng vẫn không kịp.

Bản kết luận giám định số 5867/C45-P2 ngày 20/02/2017 khẳng định “tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe Innova đang hoạt động ở trạng thái số lùi” nhưng lại chưa làm rõ lùi trong thời gian bao nhiêu giây, vận tốc xe thế nào? Thực tế, kể từ thời điểm xem xét xác định việc xe rơ mooc giữ khoảng cách an toàn, xe Innova lùi lại nghĩa là làm triệt tiêu khoảng cách an toàn giữa hai xe. Nói cách khác Hoàng bị đẩy vào tình trạng không thể có phương án lựa chọn xử lý để tránh xảy ra đâm va. Bên cạnh đó, lẽ ra trong trường hợp không xác định được khoảng cách xe Innova đã lùi, cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với bị cáo Hoàng.

LS Võ Văn Tuấn phân tích: Sự việc xe rơ mooc do bị cáo Hoàng điều khiển xảy ra va chạm với xe ô tô Innova phải được xác định là do sự kiện bất ngờ. Trong tình huống bất ngờ đó, Hoàng không đủ điều kiện nhận thức cũng không buộc phải nhận thức được rằng hành vi mình đang lưu thông xe đúng các quy định pháp luật có thể gây ra va chạm. Vậy trong trường hợp này bị cáo Hoàng cần được áp dụng Điều 11 Bộ luật Hình sự về Sự kiện bất ngờ: “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Từ các phân tích trên cho thấy vụ tai nạn trên yếu tố lỗi hoàn toàn do lái xe Innova đã sử dụng bia rượu, chở số người vượt quá quy định và đi vào đường cấm gây ra tai nạn; bị cáo Lê Ngọc Hoàng hoàn toàn không có hành vi vi phạm, không có lỗi trong vụ tai nạn. Hy vọng các nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Ngọc Hoàng sẽ được xem xét thấu đáo trong phiên tòa phúc thẩm tới đây.

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *