Thiếu niên trộm xe thoát tội do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Người anh họ dù biết là xe trộm cắp vẫn cố tìm cách bán chiếc xe để rồi phải đứng trước tòa về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Sau khi trộm được xe, thiếu niên 15 tuổi điều khiển chiếc xe về cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại TP Huế cầm lấy 10 triệu đồng. Khi cầm cố, hai bên có lập một hợp đồng cầm xe, mỗi bên giữ một bản. Khoảng 1 tuần sau, người anh họ tên Trọng đến nhà lấy lại chiếc quần jean mà trước đó đã cho cậu bé mượn.
Khi về nhà, Trọng phát hiện trong túi chiếc quần jean vừa lấy về có hợp đồng cầm cố tài sản trên. Trọng liền hẹn gặp người mượn quần để hỏi giấy cầm xe của ai và có cầm thêm tiền được nữa không? Cậu bé nói dối là xe máy của bạn nhờ mang đi cầm. Trọng cất hợp đồng rồi đi về, mang hợp đồng xuống tiệm cầm đồ lấy thêm tiền.
Do thủ phạm vụ trộm chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên thoát tội. Nhưng Trọng thì bị truy tố về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Một lần cầm xe, hai lần lấy tiền
Bị cáo Lê Anh Trọng năm nay 21 tuổi (ngụ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), là bị cáo trong vụ án “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” do TAND thành phố Huế xét xử. Sau hơn 5 tháng bị tạm giam, Trọng được gia đình bảo lãnh về. Hôm ra tòa, bị cáo được cha “tháp tùng” “xuống núi”. Hai cha con đến tòa từ rất sớm.
Người cha ăn mặc chỉn chu, nghiêm trang. Người con cũng áo sơ mi quần tây nhưng vẫn phảng phất nét phóng túng, bất cần ẩn chứa dưới đôi mắt. Nước da dù ngăm đen vẫn không thể che khuất được màu tái xanh nhợt nhạt, cùng với đôi môi sậm màu, khiến bị cáo toát ra vẻ mệt mỏi như có bệnh.
Vụ án xảy ra cách đây đã tròn 2 năm. Đó là một buổi trưa tháng 8/2016, Hồ Văn Thanh (15 tuổi, ngụ huyện A Lưới) đã lợi dụng sơ hở, lén lút trộm một chiếc xe máy hiệu Airblade, có giá trị 33 triệu đồng tại thị trấn A Lưới.
Chiều hôm đó, sau khi trộm được xe, thiếu niên 15 tuổi điều khiển chiếc xe về cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại TP Huế cầm lấy 10 triệu đồng. Khi cầm cố, hai bên có lập một hợp đồng cầm xe, mỗi bên giữ một bản.
Khoảng 1 tuần sau, Trọng đến nhà lấy lại chiếc quần jean mà trước đó đã cho cậu bé mượn. Khi về nhà, Trọng phát hiện trong túi chiếc quần jean vừa lấy về có hợp đồng cầm cố tài sản trên. Trọng liền hẹn gặp người mượn quần để hỏi giấy cầm xe của ai và có cầm thêm tiền được nữa không? Cậu bé nói dối là xe máy của bạn nhờ mang đi cầm. Trọng cất hợp đồng rồi đi về.
Hai ngày sau, Trọng chủ động lấy số điện thoại ghi trong hợp đồng rồi trực tiếp liên hệ với tiệm cầm đồ, hỏi chiếc xe kia có cầm thêm tiền được nữa không. Chủ tiệm cầm đồ bảo được. Nghe vậy, Trọng liền mượn một chiếc xe máy, vượt núi chạy về thành phố Huế, đến gặp chủ tiệm cầm đồ, đưa ra hợp đồng cầm xe, rồi cầm thêm 5 triệu đồng. Số tiền có được, Trọng tiêu xài cá nhân hết.
Nguy cơ mất trắng vì mua phải xe gian
Chưa đầy một tuần, tiền đã hết veo. Trọng tiếp tục gọi điện cho chủ tiệm cầm đồ, nhờ bà này bán giúp chiếc xe. Bà chủ tiệm cầm đồ đồng ý. Trọng một lần nữa xuống núi, chạy đến tiệm cầm đồ để gặp bà chủ tiệm. Bà này đã gọi điện thoại cho hai người đàn ông không rõ lai lịch đến để mua xe.
Sau khi xem giấy tờ đăng ký xe và hợp đồng cầm cố, một trong hai người đã điện thoại xác minh nguồn gốc chiếc xe tại công an huyện A Lưới. Lúc này, Trọng đứng bên cạnh nên nghe và biết rõ chiếc xe trên là do cậu bé 15 tuổi trộm cắp mà có, chứ không phải của bạn nhờ mang đi cầm như lời cậu ta nói.
Tuy biết là tài sản trộm cắp, nhưng Trọng vẫn cố ý tiêu thụ tài sản đến cùng. Hai người đàn ông đến mua xe yêu cầu Trọng cho xem giấy chứng minh nhân dân, nhưng Trọng không có, nên họ không đồng ý mua xe.
Chiếc xe Air Blade bị trộm đã được thu hồi về cho nạn nhân |
Trọng tìm đến một người quen khác, cũng là chủ tiệm cầm đồ ở trong nội thành TP Huế để hỏi việc bán xe, nhưng anh này không mua mà hứa sẽ giới thiệu người mua cho Trọng, đồng thời cho Trọng mượn 16 triệu đồng để chuộc xe về. Sau khi chuộc xe về, Trọng tiếp tục thương thảo việc mua bán xe, thì có người nghe thấy nội dung, đã giới thiệu cho Trọng khách hàng.
Người đàn ông mua xe tuổi đã xấp xỉ 60. Biết Trọng bán chiếc Air Blade với giá 27 triệu đồng thì đồng ý mua. Sau khi bán xe, Trọng trả 16 triệu mà anh chủ cầm đồ đã cho mượn. Số tiền còn lại, Trọng dùng hết vào việc tiêu xài cá nhân.
Lại nói đến “khổ chủ”. Hôm ấy chị đi làm về muộn, vừa dựng xe trước cửa nhà. Chân trước vừa bước vào, chân sau đã bước ra, nhưng chiếc xe loáng cái đã biến mất. Bị hại vội vã lên công an trình báo. Sau thời gian điều tra, chiếc xe đã được công an thu hồi, trả về cho khổ chủ. Khi chiếc xe bị đánh cắp, toàn bộ giấy tờ xe cùng giấy chứng minh nhân dân của chủ xe đều để hết trong cốp, đã tạo điều kiện cho kẻ cắp mang xe đi cầm cố một cách thuận lợi.
Trong vụ án này, những người cầm đồ, cho mượn tiền, người mua xe, điều không biết chiếc xe trên là tài sản trộm cắp, vì vậy không bị cơ quan chức năng xem xét xử lý. Riêng người mua xe, bỏ ra 27 triệu để mua một chiếc xe của kẻ trộm, xe đã bị thu hồi, nhưng đến nay tiền vẫn chưa được trả lại. Ông yêu cầu bị cáo phải bồi thường, nhưng đến ngày ra tòa, vẫn chưa nhận lại được đồng nào.
Về đối tượng Hồ Văn Thanh, người đã gây ra vụ trộm cắp chiếc xe trên, do khi thực hiện hành vi trộm cắp, Thanh chỉ mới 15 tuổi 4 tháng, vì vậy không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính.
Phía sau bản án
Thanh và Trọng vốn là anh em bạn dì (mẹ Thanh và mẹ Trọng là hai chị em ruột). Dù mới nhúm tuổi đầu, nhưng cả Thanh và Trọng đều dính vào ma túy và càng ngày nghiện càng nặng. Cũng bởi nghiện ngập, nên cả hai luôn sẵn sàng “thó” tài sản của người khác, bất kể “thượng vàng hạ cám”, miễn có tiền thỏa mãn cơn nghiện.
Đang học tại trường Trung cấp thể dục thể thao tại thành phố Huế, nhưng vì nghiện ngập, nên Trọng đành bỏ ngang. 21 tuổi, người thanh niên ấy không nghề nghiệp, không công việc, và trở thành gánh nặng cho gia đình và nỗi e ngại cho xóm giềng. Bởi chỉ cần lơ là một chút, kẻ nghiện ngập ấy sẽ “thó” tài sản ngay.
Phiên tòa hôm ấy, bố bị cáo Trọng hầu như tránh mặt, không tiếp xúc với ai. Có lẽ ông xấu hổ vì không dạy bảo được đứa con nghiện ngập, vi phạm pháp luật. Bố mẹ Trọng đều là cán bộ nhà nước. Bản thân làm trong ngành giáo dục, ngày ngày đứng trên bục giảng, dạy dỗ con người khác, nhưng chính con mình lại bất lực không giáo dục được, thì còn gì bi ai bằng.
Nhìn con trai càng ngày càng lún sâu vào vực thẳm nghiện ngập không lối thoát, bố mẹ Trọng đau khổ đến bạc tóc. Mỗi lần nghĩ đến đứa con “không ăn muối”, bỏ ngoài tai những lời khuyên răn bảo ban, lòng người cha ấy vừa đau, vừa giận, hơn hết là nỗi bất lực chán chường.
Mẹ bị cáo Trọng từng đau đớn tâm sự với thẩm phán, ở trong nhà, có thứ gì có giá trị, có thể bán ra tiền, con trai bà điều không “tha”. Ngay cả cái máy sấy tóc của mẹ, dù chẳng được mấy đồng, Trọng cũng “cuỗm” đi bán cho bằng được.
Tuổi xuân phơi phới, nhưng đã sớm chôn vùi trong những đau đớn, dày vò khi lên cơn nghiện. Không muốn cuộc đời con trai kết thúc trong những cơn nghiện triền miên, gia đình từng đưa bị cáo đi cai nghiện, nhưng rồi cũng … bất lực, bởi đâu lại vào đấy.
Người mẹ ấy luôn mang trong lòng một nỗi ám ảnh. Bà sợ ma túy sẽ “cướp” mất đứa con trai, càng sợ con sẽ lún sâu hơn vào con đường tội phạm, là “ung” nhọt của xã hội, nếu như bản thân nó không tự tỉnh ngộ, không có ý chí để dứt bỏ chất gây nghiện chết người.
Dù bản thân nghiện ngập, nhưng trước HĐXX, bị cáo vẫn luôn giấu diếm, tòa hỏi tiền bán xe, bị cáo đã dùng vào việc gì? Bị cáo cứ quanh co bảo đã “tiêu xài cá nhân” hết. Tòa hỏi tiêu xài cá nhân, là xài vào việc gì? Bị cáo ấp úng, bảo mua sắm, ăn nhậu.
“Bị cáo có sử dụng ma túy phải không? Có dùng tiền đó mua ma túy không?”.
Bị cáo chối, nói có sử dụng ma túy, nhưng không nghiện, lâu nay không dùng nữa.
“Bị cáo lớn rồi. Không đi học được, thì đi học nghề. Nghề cũng không học thì xông ra đời, làm thuê làm mướn kiếm ăn. Ngoài kia thiếu gì việc để bị cáo làm. Không nghề nghiệp, không tiền bạc, lại muốn có tiền tiêu xài, hỏi sao không phạm pháp cho được? Lần này trở về, bị cáo nên kiếm cái nghề để học hành cho đàng hoàng, tu thân dưỡng tính, tu chí mà làm ăn. Có như vậy, mới thay đổi cuộc đời mình được. Cuộc đời của chính mình, mình không lo, thì ai lo đây?”, vị hội thẩm nhắc nhở.
Tòa tuyên phạt bị cáo 5 tháng 18 ngày tù, bằng số ngày bị cáo bị tạm giam. Miệng bị cáo nhếch lên một nụ cười. Gương mặt người cha vẫn phẳng lặng như cũ, chẳng vui chẳng buồn. Có lẽ, trong lòng người cha ấy hiểu rõ, con ông thoát cảnh “ngồi” tù lần này, nhưng nếu không chịu tỉnh ngộ, thì cái ngày “xộ khám” cũng chẳng mấy xa xôi.