Chiêu “văn vở” của đối tượng 7 lần ăn trộm xe máy

Bị cáo khai, hôm đó đi lang thang tìm việc làm, chứ không phải đi tìm ai sơ hở để ăn trộm. Bị cáo định kiếm một công việc gì nhẹ nhàng chút, làm kiếm tiền trả nợ. Sau khi bị cáo ra tù, bị cáo đã bị ốm rất nặng. Xuất huyết dạ dày, phải nằm bệnh viện cấp cứu. Cha mẹ vay mượn tiền bạc. Bị cáo cũng vay mượn của bạn bè. Sau khi xuất viện, bị cáo cố gắng đi làm thuê để kiếm tiền trả nợ.

Nhưng công việc phụ thợ hồ nặng nhọc, không mấy phù hợp với một người mới trải qua cơn ốm đau như bị cáo. Có hôm đang làm ngoài công trình, bị cáo còn ngất xỉu. Vậy là bị cáo phải bỏ ngang. Nhưng nợ người ta phải trả, họ lại đòi réo rắc bên tai mãi. Vậy nên hôm đó, bị cáo loáng thoáng thấy chiếc xe để hớ hênh, nên mới nổi lòng tham.

Cha mẹ bị cáo ngồi bên dưới, nhìn con trai cao lớn đứng nơi vành móng ngựa bằng ánh mắt mông lung. Nghe con trai bảo đi ăn trộm lấy tiền trả nợ, cha bị cáo cười cười, nụ cười méo xệch kèm theo tiếng thở dài nặng nề. Ông bảo làm gì có. Nó đi ăn trộm lấy tiền ăn chơi, hút chích đó. Ông lại thở dài thêm cái nữa rồi ngồi lặng yên.

Bảy lần ăn trộm xe máy

8 giờ sáng, mà trời xám nghét, buồn hiu. Cái se se lạnh của sớm thu khiến không gian như loãng ra sau những ngày nắng gay gắt. Đôi vợ chồng già thật già, dìu nhau bước vào sân tòa. Dưới chân họ, vài ba ngọn lá úa vàng lào xào rớt dưới chân, báo hiệu đêm qua trời đã trở mùa.

Ông lão năm nay đã 75 tuổi, bước đi có vẻ chậm chạp. Bà lão đi kế bên, mặt nhăn nhúm lại, ánh mắt già nua chất đầy buồn lo. Họ đến tham dự phiên tòa, mà con trai ông bà chính là bị cáo trong vụ án. Bị cáo Nguyễn Ngân (ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) năm nay 26 tuổi, đã có vợ và một đứa con. Ngân bị TAND TP Huế đưa ra xét xử về tội “trộm cắp tài sản”. Điều đáng nói, trước ngày gây án, Ngân chỉ vừa ra tù được hai tháng sau khi “ngồi” 18 tháng vì tội trộm cắp.

Khoảng 4 tháng trước, tầm hơn 1h chiều, Ngân đang đi bộ trên đường Phạm Thị Liên thì nhìn thấy một chiếc xe máy đang dựng ngoài cổng một ngôi nhà. Ngân đứng lại, cẩn thận quan sát xung quanh thấy không có ai, liền lén lút lấy chìa khóa treo trên tay phanh phía bên phải của xe máy rồi mở khóa điện khởi động nổ máy, điều khiển xe tẩu thoát.

Ngân đem xe đến đường Nguyễn Phúc Nguyên cất giấu. Sau đó Ngân về nhà hỏi anh trai “Có người muốn cầm xe, anh có cầm không?”. Do không có tiền, nên người anh trai không nhận cầm xe. Ngân liền nhờ anh trai chở đến đường Nguyễn Phúc Nguyên để Ngân lấy xe, sau đó cả hai cùng chạy xe sang chợ Tây Lộc để Ngân vào gửi xe. Sau đó anh trai Ngân chở cậu em về nhà.

Do xe ăn trộm được vẫn còn gửi trong bãi xe ở chợ, nên chiều hôm đó, Ngân mượn xe máy của bố mình chạy sang chợ Tây Lộc, dự định tìm cách “thanh lý” tài sản ăn trộm, lấy tiền tiêu xài. Tuy nhiên, khi bị cáo vào khu giữ xe, vừa dắt chiếc xe máy ra thì bị lực lượng công an phát hiện bắt giữ. Chiếc xe máy mà bị cáo ăn trộm, có giá trị 11 triệu đồng.

Lại nói người mất xe. Khi anh này dựng xe ở trước cổng nhà, sau khi rút chìa khóa cất cẩn thận vào túi, nhưng lại quên cất chiếc chìa khóa “sơ cua” móc trên xe, đã tạo cơ hội thuận lợi để kẻ xấu dễ dàng lấy cắp tài sản.

Bị cáo khai, hôm đó bị cáo đi lang thang tìm việc làm, chứ không phải đi tìm ai sơ hở để ăn trộm. Bị cáo định kiếm một công việc gì nhẹ nhàng chút, làm kiếm tiền trả nợ. Sau khi bị cáo ra tù, bị cáo đã bị ốm rất nặng. Xuất huyết dạ dày, phải nằm bệnh viện cấp cứu. Tiền bạc tốn rất nhiều. Cha mẹ vay mượn tiền bạc. Bị cáo cũng vay mượn của bạn bè.

Sau khi xuất viện, bị cáo cố gắng đi làm thuê để kiếm tiền trả nợ. Nhưng công việc phụ thợ hồ nặng nhọc, không mấy phù hợp với một người mới trải qua cơn ốm đau như bị cáo. Có hôm đang làm ngoài công trình, bị cáo còn ngất xỉu. Vậy là bị cáo phải bỏ ngang. Nhưng nợ người ta phải trả, họ lại đòi réo rắc bên tai mãi. Vậy nên hôm đó, bị cáo loáng thoáng thấy chiếc xe để hớ hênh, nên mới nổi lòng tham.

Tòa hỏi bị cáo, trước đây bị cáo đã từng ăn trộm lần nào chưa? Bị cáo nói đã từng. “Ăn trộm mấy lần?”. Bị cáo nói 6 lần. “Trộm gì?”. “Dạ trộm xe máy”. Thêm lần này nữa, là bị cáo đã bảy lần lấy trộm xe máy. “Bị cáo từng ăn trộm nhiều lần, ăn trộm đến quen tay. Cứ hết tiền lại đi ăn trộm. Làm gì có chuyện trộm xe bán trả tiền nợ thuốc thang ở đây. Bị cáo đừng chống chế. Bị cáo khai thành khẩn vào?”. Bị cáo ngần ngừ rồi bảo, ăn trộm đúng là lấy tiền trả nợ, nhưng là nợ tiêu xài cá nhân.

“Nhìn con hư mà rầu thúi ruột”

Cha mẹ bị cáo ngồi bên dưới, nhìn con trai cao lớn đứng nơi vành móng ngựa bằng ánh mắt mông lung. Nghe con trai bảo đi ăn trộm lấy tiền trả nợ, cha bị cáo cười cười, nụ cười méo xệch kèm theo tiếng thở dài nặng nề. Ông bảo làm gì có. Nó đi ăn trộm lấy tiền ăn chơi, hút chích đó. Ông lại thở dài thêm cái nữa rồi ngồi lặng yên.

Vợ chồng ông có ba đứa con trai. Ngân là con út. Ham chơi, ít học, lại thích theo đám bạn bè lang thang, mới lớp 9, con ông nghỉ học. Sợ con lông bông, ông cho con đi học nghề. Nghề dán keo xe cũng kiếm được tiền, nhưng làm ít, chơi nhiều, nên cứ lông ba lông bông mãi. Đàn đúm với bạn bè, dạt nhà lang thang, ông khuyên không được, đánh cũng không xong, khi ông quyết định buông tay thì biết con nghiện ma túy.

Cả hai vợ chồng hoảng hoảng hốt hốt. Đời này, dính vào ma túy, thì còn gì là người nữa. Nhìn con trai nghiện càng ngày càng nặng, lòng vợ chồng ông cũng càng ngày càng rầu, héo mòn theo từng cơn nghiện của con.

Cho con đi cai nghiện, kiếm việc làm để con tiêu tốn thời gian, chuyển chỗ ở để cách li với đám bạn xấu. Ông dùng đủ mọi cách, nhưng rồi chỉ được đôi ba bữa, đâu lại vào đấy. Khi nghe con trai có người yêu, rồi đòi cưới vợ, vợ chồng ông mừng thầm. Xem như con ông đã lớn, đã nên người, biết bắt đầu làm lại cuộc đời thì chẳng bao giờ là muộn.

Hòn đá đè nặng trong lòng cuối cùng cũng được nhấc lên, tưởng như tuổi già của ông bà từ đây yên ổn. Thấy vợ chồng Ngân chăm chỉ làm ăn, ông bà càng mừng. Chưa kịp mãn nguyện, đùng một cái, Ngân bị bắt, rồi bị tuyên 18 tháng tù về tội trộm cắp.

Một gia đình nhỏ tưởng là êm ấm, lại chẳng mấy chốc mà vỡ tan. Ngân đi tù, vợ dắt con về bên ngoại, rồi chẳng bao giờ quay lại nữa. Biết con ngồi tù, vợ ông đã rầu càng thêm rầu. Cứ nghĩ con hư, nói mãi không chịu nghe, giờ phải cảnh tù tội, ông càng bực. Vợ đi thăm nuôi, ông gạt qua bên, bảo cứ để con chịu cực chịu khổ trong tù cho “biết mặt”, trở về mới nên thân được. Có ai ngờ, mới về được hai tháng, con ông lại “tìm cách” vào lại trong tù.

Sáng nay biết con ra tòa, vợ ông từ sớm đã trở dậy tẩn mẩn nấu mấy món con thích, bới theo tới tòa. Ông nhìn hộp thức ăn, cứ nghĩ, “hắn hư rứa, cho ăn thêm uổng”, nhưng vẫn mặc kệ bà mang theo. Nhưng cuối cùng vẫn không thể gửi theo xe tù về trại cho con được. “Vợ chồng tui già vậy, của cải chẳng có chi, nhưng kiếm được đồng nào, trong nhà có cái chi là hắn phá hết. Nhìn con hư mà rầu thúi ruột. Có đứa con hư hỏng, mình chẳng thể ngẩn đầu nhìn ai được”. Cha bị cáo rầu rầu.

Được nói lới sau cùng, bị cáo nhỏ giọng xin lỗi cha mẹ. Bị cáo nói lần này đi tù về, bị cáo chắc chắn sẽ thay đổi, chắc chắn sẽ làm người tốt, chắc chắn sẽ sống có ích. Bao nhiêu câu bị cáo nói chắc chắn, chắc chắn, nhưng chẳng biết chắc chắn đến được lúc nào. Mà cha bị cáo nghe con hứa hẹn, chỉ lại thở dài. “Hắn hứa mãi, mà có thực hiện được mô”.

Do có nhân thân xấu, có một tiền án chưa được xóa án tích, nên bị cáo phạm vào tình tiết tăng nặng là “tái phạm”. Tòa tuyên phạt bị cáo 1 năm 3 tháng tù.

Theo Báo pháp luật Việt Nam

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *