Giải pháp hạn chế mức độ ẩn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tội phạm ẩn không chỉ là vấn đề thống kê tội phạm, mà còn có ảnh hưởng trực tiếp tới công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại to lớn về tài sản cho nhà nước, xã hội và công dân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Gần đây, hàng loạt những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn đã được đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua như: Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều ngân hàng và cá nhân với tổng số tiền hơn 4.900 tỷ đồng; vụ án Lê Xuân Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty liên kết Việt và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng của 60.000 người; vụ Chu Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Cimco cùng đồng bọn lập khống hồ sơ mua bán thép để hợp thức hồ sơ vay vốn lừa đảo chiếm đoạt 1.124 tỷ đồng của 7 ngân hàng; vụ Phan Bá Tòng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 700 tỷ đồng của các ngân hàng và khách hàng; vụ Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo lừa đảo chiếm đoạt 178 tỷ đồng.

Các nhà nghiên cứu tội phạm học cũng đã xác định: “Các tội phạm kinh tế là những tội phạm có độ ẩn cao. Số liệu thống kê về những tội phạm đã được phát hiện, điều tra và xử lý chỉ phản ánh một phần của tội phạm đã xảy ra, còn một phần quan trọng khác mà cơ quan pháp luật chưa nắm bắt được, chưa phát hiện được” (*).

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Nguyên nhân “ẩn” của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tỷ lệ tội phạm ẩn làm sai lệch đánh giá thực trạng tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi nó sẽ làm sai lệch đi những dự báo tội phạm gây khó khăn cho hoạch định chính sách, kế hoạch phòng, chống tội phạm. Không chỉ vậy, việc tính toán thiếu chính xác tỷ lệ tội phạm ẩn còn làm giảm uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Một bộ phận đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng lại chưa bị xử lý hình sự gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm tăng tỷ lệ tái phạm tội. Đặc biệt, tội phạm ẩn làm sai lệch nguyên tắc “không thể tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật đối với các hành vi phạm tội”.

Nghiên cứu về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có thể thấy tội phạm này ẩn bởi một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, không giống với các tội phạm hình sự khác, hành vi mang tính bạo lực thể hiện tương đối rõ thì tội phạm kinh tế nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, sắc thái “trí lực” giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động của tội phạm, đặc biệt với những đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc chức năng đấu tranh của lực lượng Cảnh sát kinh tế. Đây là tội phạm thuộc chức năng đấu tranh của cả lực lượng Cảnh sát hình sự và lực lượng Cảnh sát kinh tế, tuy nhiên, trong phân định phạm vi, thẩm quyền, lực lượng Cảnh sát kinh tế tiến hành đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp đối tượng lợi dụng tư cách pháp nhân, thông qua ký kết hợp đồng kinh tế. Do vậy, phương thức, thủ đoạn của đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc chức năng đấu tranh của lực lượng Cảnh sát kinh tế thường phức tạp, đa dạng, tinh vi và khó phát hiện hơn. Hoạt động của các đối tượng thường sử dụng các nghiệp vụ quản lý kinh tế, thành lập công ty làm “bình phong” cho hoạt động phạm tội. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm gia tăng độ ẩn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, khác với một số tội phạm xâm phạm trực tiếp đến quyền nhân thân, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quyền tài sản. Căn cứ Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Chính vì vậy, hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều trường hợp không được tố giác kịp thời do khó nhận biết hơn, hiểu biết pháp luật của một bộ phận quần chúng nhân dân còn thấp, chưa có thói quen đối chiếu hành vi và quy phạm pháp luật hay quần chúng nhân dân không đánh giá được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ ba, trong một số trường hợp, người bị hại trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng có thể có lợi ích liên quan đến tội phạm hoặc có trách nhiệm liên quan đến việc thất thoát tài sản. Những nguyên nhân này đã làm nảy sinh tâm lý không muốn hoặc ngần ngại khi tố giác hành vi phạm tội đến cơ quan chức năng. Ví dụ như những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng của nhà nước, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những tập đoàn kinh tế nhà nước… Nhóm nguyên nhân này chủ yếu xuất hiện ở những bị hại là các cơ quan nhà nước, tài sản bị chiếm đoạt là những tài sản chung, người có lợi ích hoặc trách nhiệm liên quan là những người có trách nhiệm quản lý, bảo quản tài sản, như: Nhân viên ngân hàng, thủ kho, thủ quỹ… Đối với nhóm bị hại này nếu như cơ quan Công an không tự chủ động thu thập thông tin thì hành vi phạm tội sẽ rất dễ bị ẩn.

Thứ tư, thực tiễn có những trường hợp người bị hại tin rằng cơ quan chức năng không thể thu hồi được tài sản cho mình, do vậy, họ đã tìm đến các phương thức khác “ngoài luật pháp”. Một bộ phận người bị hại thiếu hiểu biết pháp luật hoặc do những nguyên nhân khác làm “nản lòng” họ. Trạng thái tâm lý này cũng là nguyên nhân góp phần làm gia tăng tỷ lệ ẩn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ năm, tình trạng một số văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý kinh tế phức tạp, việc phân biệt giữa tội phạm kinh tế và các tranh chấp kinh tế dân sự khác không phải là điều dễ dàng. Chẳng hạn như việc xác định thủ đoạn gian dối trong tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hành vi lừa dối (được quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015) là vấn đề nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Hay việc xác định thế nào là chiếm đoạt, thời điểm chiếm đoạt tài sản trong một số tình huống cụ thể cũng gây nhiều tranh cãi… Những bất cập này dẫn tới việc nhìn nhận, đánh giá hành vi dễ bị phi hình sự hóa hành vi có dấu hiệu của tội phạm, làm gia tăng tỷ lệ tội phạm ẩn.

Thứ sáu, tỷ lệ ẩn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có nguyên nhân một phần từ việc tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm chưa hợp lý, những người được phân công làm nhiệm vụ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm trình độ yếu. Không phủ nhận, ở một số đơn vị còn xảy ra tình trạng xem nhẹ việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Việc cán bộ tiếp nhận tin báo về tội phạm hình thức, không khai thác triệt để tin báo, tố giác gây khó khăn cho công tác điều tra sau này, thậm chí không còn địa chỉ liên hệ của người báo tin.

Thứ bảy, hoạt động phòng ngừa và điều tra của cơ quan chức năng còn hạn chế, thiếu sót; cụ thể, trong hoạt động phòng ngừa, tình trạng đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nằm ngoài diện quản lý nghiệp vụ còn chiếm tỷ lệ cao; công tác tổ chức nguồn tin chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn nguồn tin của các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay đưa đến từ những người bị hại; các biện pháp ngăn chặn chưa được đầu tư nhiều… Đối với hoạt động điều tra, công tác mở rộng vụ án để phát hiện đường dây phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn yếu; chất lượng điều tra còn hạn chế và tiến độ điều tra còn chậm làm giảm tính răn đe của pháp luật đối với tội phạm…

Giải pháp hạn chế tỷ lệ ẩn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Từ việc nghiên cứu, xác định những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ẩn cao của tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong những năm qua, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần hạn chế tỷ lệ ẩn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thời gian tới như sau:

Một là, tham mưu, hoàn thiện những quy định của hệ thống pháp luật về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như: Phân định rõ hơn hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với những hành vi thuộc về tranh chấp kinh tế, dân sự; hướng dẫn cụ thể về thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt trong tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; quy định còn mơ hồ, trừu tượng trong một số lĩnh vực kinh tế liên quan khác, như: Ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thương mại… Những quy định rõ ràng của hệ thống chính sách pháp luật tạo thuận lợi cho hoạt động của cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm ẩn.

Hai là, tăng cường phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho người dân. Mục đích của hoạt động này là nhằm nâng cao ý thức tự bảo quản tài sản cho quần chúng nhân dân, nhận thức được những thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tránh trở thành bị hại của loại tội phạm này, hơn thế nữa, quần chúng nhân dân còn có thể cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, kéo giảm tỷ lệ tội phạm ẩn. Nội dung hướng tới việc phổ biến kiến thức pháp luật hình sự quy định về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, những quy định về hợp đồng, tài sản… trong Bộ luật Dân sự.

Ba là, tổ chức tốt công tác vận động quần chúng tố giác tội phạm. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu đối với việc làm giảm tỷ lệ tội phạm ẩn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cảnh sát kinh tế có thể thực hiện công tác này bằng nhiều hoạt động khác nhau như: Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, các tổ chức, hội… để vận động. Thông qua công tác này, lực lượng Cảnh sát kinh tế sẽ thu thập được nhiều hơn những thông tin phản ánh về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bổ sung tài liệu hỗ trợ việc phát hiện, quản lý đối tượng cũng như ngăn chặn hoạt động phạm tội của tội phạm.

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận và xử lý tin báo về tội phạm. Xác định đây là một trong những nguồn thông tin phục vụ cho phát hiện, điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lực lượng Cảnh sát kinh tế cần tổ chức cán bộ hợp lý có trình độ năng lực, thực hiện đúng quy trình, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác này. Từ việc tiếp nhận tin báo bài bản sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ ẩn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới.

Năm là, nâng cao chất lượng tiến hành hoạt động phòng ngừa, điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo chức năng của lực lượng Cảnh sát kinh tế. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát kinh tế cần không ngừng học tập kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân, trau dồi kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án tiến hành điều tra, xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đúng tiến độ, nghiêm minh, đúng người, đúng tội cũng có tác dụng hỗ trợ cho mục tiêu làm giảm tỷ lệ tội phạm ẩn của tội phạm này./.

Theo Báo điện tử kiểm sát

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *