Trên thực tế, vì các nhà làm luật không thể dự liệu hết được mọi trường hợp có thể xảy ra theo thời gian, nhất là trong tương lai, vì vậy, có những quy định nhà làm luật quy định có tính chất chung chung, nhiều nghĩa, bên cạnh đó, nhu cầu giải thích pháp luật là rất lớn. Án lệ là một công cụ hữu hiệu trong việc giải thích pháp luật trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
1. Các cơ quan có quyền giải thích pháp luật
Trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đặc biệt trong Nhà nước pháp quyền thì pháp luật luôn có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Giải thích pháp luật với nhiệm vụ làm sáng tỏ hơn các quy phạm pháp luật, có vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm về giải thích pháp luật vẫn chưa có sự thống nhất. Một số khái niệm nhấn mạnh tính mục đích của giải thích pháp luật, đó là “đưa ra nghĩa” hoặc tìm ra “thông điệp” của một văn bản pháp luật; một số khái niệm nhấn mạnh việc tìm nghĩa của văn bản quy phạm pháp luật, nghĩa đó phải đảm bảo ý định của tác giả văn bản; hay giải thích pháp luật chính là việc tìm ra ý định của nhà lập pháp; có khái niệm tập trung xác định các trường hợp và phạm vi của giải thích pháp luật hoặc đưa ra cách hiểu về giải thích pháp luật với một yêu cầu lớn, nhưng trừu tượng, rất khó xác định, đó là nhằm đạt đến “sự hợp lý” của pháp luật.
Thuật ngữ “giải thích pháp luật” ở Việt Nam lần đầu tiên được đề cập trong Hiến pháp 1959, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một quy định pháp lý nào diễn giải, hoặc đưa ra khái niệm về giải thích pháp luật.
Hiến pháp 2013 quy định việc “giải thích pháp luật” tại khoản 2, Điều 74 về cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật chỉ có Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), hình thức sản phẩm giải thích là Nghị quyết. UBTVQH chỉ giải thích về Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Điều ước quốc tế. Đây là mô hình được xây dựng cho chủ thể giải thích pháp luật thuộc hệ thống cơ quan lập pháp. Với mô hình này, UBTVQH giải thích pháp luật trong khuôn khổ lập pháp nên khó thực hiện được thường xuyên và không đáp ứng được kịp thời nhu cầu của giải thích pháp luật.
Tuy nhiên, bằng thực tế hoạt động của mình, các cơ quan pháp luật nhà nước Việt Nam đều tham gia quá trình vào việc giải thích pháp luật, ví dụ như hoạt động ban hành các Nghị định quy định chi tiết các quy định của Luật của Chính phủ, trong đó có thể đưa ra các định nghĩa về một số thuật ngữ mà Luật chưa giải thích chi tiết.
Tương tự, theo quy định của pháp luật Việt Nam, Tòa án không có thẩm quyền giải thích pháp luật. Tuy nhiên, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13 ngày 24/11/2014 đã ngầm trao cho Tòa án quyền giải thích pháp luật thông qua quy định “(Tòa án nhân dân tối cao) tổng kết thực tiễn xét xử của các tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử” và “Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ lựa chọn Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án quyết định pháp luật đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu và áp dụng trong xét xử”. Thực tế, trong thời gian qua, Tòa án đã thực hiện việc giải thích pháp luật thông qua hoạt động diễn giải, làm rõ các quy định của pháp luật bằng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, thể hiện rõ nhất trong các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và 10 án lệ được Chánh án TANDTC ban hành trong Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/04/2016 về việc công bố án lệ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016.
2. Giá trị pháp lý của án lệ trong hoạt động giải thích pháp luật
Trên thực tế, vì các nhà làm luật không thể dự liệu hết được mọi trường hợp có thể xảy ra theo thời gian, nhất là trong tương lai, vì vậy, có những quy định nhà làm luật quy định có tính chất chung chung, nhiều nghĩa, bên cạnh đó, nhu cầu giải thích pháp luật là rất lớn. Án lệ là một công cụ hữu hiệu trong việc giải thích pháp luật trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Theo Từ điển Black’s Law thì, án lệ (precedent) có hai nghĩa:
“Một là sự làm luật bởi toà án trong việc nhận thức và áp dụng những quy định mới trong khi thi hành công lý. Hai là một vụ việc đã được quyết định mà cung cấp cơ sở để quyết định cho những vụ việc sau liên quan đến các sự kiện hoặc vấn đề tương tự.
Trong pháp luật, án lệ là một vụ việc đã được xét xử hoặc quyết định của toà án được xem như sự cung cấp quy định hoặc quyền lực cho quyết định của một vụ việc giống hoặc tương tự xảy ra về sau, hoặc cho một vấn đề tương tự của pháp luật, hoặc khi nếu các sự kiện là khác nhau thì nguyên tắc chi phối vụ việc đầu tiên có thể áp dụng được cho các sự kiện khác nhau chút ít.
Một án lệ là một quyết định của toà án chứa đựng trong nó một nguyên tắc. Nguyên lý cơ bản giống như mẫu mà phần có căn cứ đích xác của nó thường được gọi là nguyên tắc pháp lý cho một phán quyết trong một trường hợp cụ thể. Một quyết định cụ thể là bắt buộc đối với các bên, nhưng nó là bản tóm tắt của nguyên tắc pháp lý cho một phán quyết trong một trường hợp cụ thể mà chỉ có nó có hiệu lực pháp luật.
Cũng có thể nói một cách khái quát là, một vụ việc trở thành án lệ vì quy định chung như vậy là cần thiết đối với quyết định thực tế có thể được đưa ra là sự biến dạng trong những trường hợp phụ.
Thường cũng có thể chấp nhận, tôn trọng một án lệ không phải bởi nó bao quát một logic ổn định mà bởi từ các phần của nó có thể nảy sinh ra ý tưởng về mẫu mới của quyết định”.[i]
Tương tự, pháp luật Việt Nam cũng quy định án lệ phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây:
1. Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể;
Có tính chuẩn mực;
Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.[ii]
Qua đó ta thấy giá trị giải thích pháp luật của án lệ là án lệ đã đề cập đến các vụ việc đã xảy ra trong thực tế, chứ không phải là những giả thuyết có tính lý luận về những tình huống có thể xảy ra trong tương lai, nên đã góp phần giải thích, bổ sung những thiếu sót, những lỗ hổng của pháp luật thành văn và khắc phục tình trạng thiếu pháp luật, tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật dễ dàng, thuận lợi và thống nhất.
Thông thường, án lệ sẽ có ba loại: Án lệ bắt buộc, Án lệ để giải thích và Án lệ gốc. Từ điển Black’s Law định nghĩa:
“Án lệ bắt buộc là án lệ mà toà án bắt buộc phải tuân theo, ví dụ, toà án cấp thấp hơn bị giới hạn bởi một cách áp dụng của một toà án cấp cao hơn trong một vụ xét xử tương tự.
Án lệ để giải thích là án lệ chỉ có thể được áp dụng cho một quy định pháp luật hiện đã có rồi.
Án lệ gốc là án lệ tạo ra và áp dụng một quy định mới của pháp luật. Án lệ có sức thuyết phục là một án lệ mà toà án có thể hoặc là tuân theo hoặc là từ chối, nhưng điều khoản của nó phải được tôn trọng và cân nhắc cẩn thận”.
Do đó, mức độ linh động trong việc áp dụng án lệ là khác nhau, việc này khiến cho pháp luật được giải thích một cách linh hoạt, không bị cứng nhắc.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
3.1. Mở rộng chủ thể có thẩm quyền giải thích pháp luật
Như đề cập ở trên, hiện nay, cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật chỉ có UBTVQH, đây là quy định có tính bất cập và tính vận dụng trên thực tế ít hiệu quả.
Quyền giải thích pháp luật được trao cho Tòa án là xu thế phát triển của hệ thống pháp luật trên thế giới hiện nay. Khi án lệ ở Việt Nam đã được công bố, thì đã đến lúc Việt Nam cần có quy phạm chính thức để ghi nhận quyền giải thích pháp luật của Tòa án, nhằm nâng cao tính hiệu quả và tính pháp lý trong hoạt động giải thích pháp luật.
Để phù hợp với thực tiễn và tạo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, Hiến pháp Việt Nam cần bổ sung, mở rộng các chủ thể có thẩm quyền “giải thích pháp luật”, trong đó có Tòa án với sản phẩm là án lệ.
3.2. Cấu trúc bản án mới cho tất cả các Thẩm phán
Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được tiêu chí “Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể…”.
Cần làm rõ thế nào là án lệ “chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau” bởi trong một bản án của Tòa án có rất nhiều lập luận. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan nhà nước cần cân nhắc một cấu trúc bản án mới cho tất cả các Thẩm phán. Trong đó, bản án này phải chỉ ra các lập luận mà bản thân Thẩm phán thấy mình đã đưa ra phán quyết mới để làm rõ quy định của pháp luật có cách hiểu khác nhau, hoặc chưa có quy định pháp luật. Việc làm này vừa tạo thuận lợi cho các bên liên quan (nguyên đơn, bị đơn, bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, Tòa án, Viện kiểm sát, …) nắm được nội dung phán quyết khi một bản án bị kháng cáo, kháng nghị, đồng thời giúp rút ngắn thời gian cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc hệ thống hóa các bản án để nâng lên thành án lệ.
3.3. Cụ thể hóa thời gian báo cáo đề xuất án lệ
Thực tiễn xét xử cho thấy, khi một vấn đề pháp lý không được giải thích hoặc có thể giải thích theo nhiều cách hiểu khác nhau, thì trong một thời gian ngắn các Tòa án xét xử ở các địa phương khác nhau hoặc các cấp khác nhau đều có thể gặp phải.
Do đó, TANDTC cần quy định cụ thể thời gian hoặc thời điểm để các Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án Tòa án Quân khu và tương đương, Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương báo cáo với Tòa án nhân dân tối cao việc có hay không có đề xuất án lệ liên quan tới hoạt động xét xử của Tòa án các cấp do mình quản lý.
3.4. Bổ sung thêm quyền giải thích pháp luật cho các chủ thể khác
Nếu theo quy định hiện nay, thì tất cả các bản án của Tòa án các cấp đều có thể trở thành Án lệ sau khi được Chánh án TANDTC công bố là án lệ.
Theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017: Từ ngày 01/7/2017, các bản án, quyết định của Tòa án đáp ứng yêu cầu của án lệ sẽ được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Tòa án. Đây là một điểm mới tiến bộ vượt bậc trong hoạt động tư pháp của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này đặt ra một vấn đề là có nên tạo thêm một cơ chế nữa cho các chủ thể khác như các nhà nghiên cứu pháp luật, luật sư…. được quyền gửi văn bản tới Tòa án có thẩm quyền đề nghị cơ quan này xem xét để đề xuất với Tòa án nhân dân tối cao xem xét, nhằm để đưa một vụ án cụ thể trở thành thành án lệ.