Tòa án Hình sự quốc tế ra đời năm 2002 để buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm trước tội ác tàn bạo của mình với nhân loại.
Trong động thái nhằm chống lại tội phạm quốc tế, vào năm 1988 nhiều quốc gia đã cùng ký Quy chế Rome 1988. Sau khi được nhiều quốc gia thành viên phê chuẩn, Bản Quy chế Rome chính thức có hiệu lực vào 2002, khai sinh ra Tòa án Hình sự quốc tế, viết tắt là ICC.
Coalitionfortheicc cho hay ICC ra đời để buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm trước tội ác tàn bạo của mình với nhân loại, từ đó giúp ngăn chặn loại tội phạm này được thực hiện trong tương lai. Hiện số quốc gia thành viên của Quy chế Rome là 123, không có Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Singapore và Việt Nam…
Trụ sở của Tòa án Hình sự quốc tế ở The Hague, Hà Lan. Ảnh: Coalitionfortheicc |
Tòa án này đặc biệt ở chỗ được hình thành từ sự kí kết của một hiệp ước mà không phải do Liên Hợp quốc lập.
ICC gồm bốn cơ quan:
– Ban chánh án;
– Ban thẩm phán có 18 vị thẩm phán được chia làm 3 bộ phận: dự thẩm, sơ thẩm và kháng cáo;
– Văn phòng công tố: cơ quan độc lập với tòa án, chuyên tiến hành điều tra và đưa vụ việc ra xét xử trước tòa;
– Hội đồng lục sự, có chức năng hỗ trợ hành chính để đảm bảo tòa vận hành trơn tru.
Phạm vi tài phán
ICC chỉ xét xử cá nhân, không xét xử tổ chức hoặc quốc gia.
ICC có quyền xét xử các tội phạm quốc tế đặc biệt nghiêm trọng, gồm bốn tội danh: diệt chủng, tội phạm chiến tranh, tội phạm chống loài người và tội phạm xâm lược. Tuy nhiên, vì thành lập vào 7/2002 và không có quyền tài phán hồi tố, ICC không thể xét xử những tội phạm được thực hiện trước tháng 7/2002.
ICC có quyền tài phán với những vụ việc sau:
– Xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia thành viên đã chấp nhận quyền tài phán của ICC.
– Người phạm tội mang quốc tịch của quốc gia thành viên hoặc của nước đã chấp nhận quyền tài phán của ICC.
– Do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông báo cho công tố viên của ICC theo thẩm quyền quy định tại Chương VII Hiến chương LHQ.
Mối quan hệ giữa Tòa Hình sự quốc tế và tòa hình sự quốc gia
ICC không thay thế mà chỉ có tác dụng bổ sung cho tòa án quốc gia. ICC sẽ đưa vụ việc ra xét xử khi và chỉ khi một quốc gia không tự nguyện hoặc không thể tiến hành xét xử một cách thực chất.
Dù có thẩm quyền xuyên biên giới, ICC không thể ra lệnh cho các quốc gia thành viên thực hiện theo yêu cầu hoặc phán quyết của mình. ICC chỉ có thể hợp tác và tranh thủ sự trợ giúp của các quốc gia để hoàn thành những công việc như bắt giữ và thuyên chuyển phạm nhân tới trại giam của ICC ở The Hague (Hà Lan), phong tỏa tài sản của nghi phạm và thực thi bản án.
Muammar Gaddafi, lãnh đạo Libya năm 1969-2011. Ảnh: Reuters. |
Một trong những bị cáo nổi tiếng nhất của ICC có lẽ là Muammar Gaddafi – cựu lãnh đạo Libya. Ngày 27/6/2011, ông bị ICC truy tố về tội chống lại loài người với cáo buộc vì gây ra tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia này.
Ngày 20/11/2011, ông Gaddafi bị giết sau khi quân nổi dậy tràn vào thành phố Sirte. ICC buộc phải chấm dứt thủ tục truy tố ông Gaddafi vào hai ngày sau đó.
Ahmad al-Mahdi là một bị cáo khác của ICC với cáo buộc từ ngày 30/6 đến 10/7/2012, trong khi chiếm cứ Timbuktu (Mali) đã chỉ đạo quân đội và tham gia tấn công vào một tòa tu viện và 9 lăng mộ cổ trong thành phố, trong khi những địa điểm trên được xếp hạng là Di sản Văn hóa Thế giới.
Ngày 26/9/2015, chính quyền Niger đã bắt và đặt Ahmad dưới sự kiểm soát của Tòa Hình sự quốc tế theo yêu cầu của tòa. Ngày 22/8/2016, tại phiên toà, Ahmad nhận tội và bị tuyên án 9 năm tù do bị xác định là tội phạm chiến tranh, cố ý tấn công công trình tôn giáo và lịch sử.