Trong một lần tâm sự chuyện riêng tư với mong muốn được chia sẻ, người phụ nữ đã có chồng không ngờ lại trở thành nạn nhân để bạn thân tống tiền, chiếm đoạt tài sản…
Ngày 13/9, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) cho biết, đơn vị này vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Lương (SN 1989, trú tại tỉnh Nghệ An) về hành vi tống tiền người khác, nạn nhân là người bạn thân từng chia sẻ chuyện riêng tư.
Trước đó, cuối tháng 8/2018, Phòng cảnh sát hình sự Công an Nghệ An nhận được đơn tố cáo của chị Nguyễn Thị Lan (tên nạn nhân đã được thay đổi) về việc liên tục bị đối tượng nam giới không rõ danh tính nhắn tin đe dọa nhằm mục đích cưỡng đoạt tài sản khiến chị hoảng sợ.
Lực lượng cảnh sát hình sự đã xác minh vụ việc, triển khai kế hoạch truy bắt kẻ tống tiền.
Khoảng 10h30 ngày 31/8, tổ công tác Đội 4 đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thị Lương về hành vi cưỡng đoạt tài sản tại một khách sạn trên địa bàn TP.Vinh, thu giữ 15 triệu đồng vừa nhận từ nạn nhân.
Tại Cơ quan điều tra, Lương khai nhận vốn là chỗ bạn bè thân thiết với nạn nhân nên một lần được Lan tâm sự chuyện thầm kín là đang có quan hệ “ngoài luồng” với 1 người đàn ông (chị Lan đã có chồng) và hiện tại cảm thấy bế tắc trong tình cảm. Nạn nhân chỉ tâm sự với Lương, mong được chia sẻ và tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, Lương lại lấy đó làm “tư liệu quý” để đe doạ, tống tiền bạn thân của mình.
Lương mua 2 sim điện thoại và giả là nam giới nhắn tin cho chị Lan với nội dung sẽ tung ảnh “nóng” về mối quan hệ bất chính của chị Lan với tình nhân nếu chị Lan không gửi cho hắn 15 triệu đồng. Vụ việc tiếp tục được Phòng điều tra làm rõ.
Mặt khách quan của tội “cưỡng đoạt tài sản” có các dấu hiệu sau:
– Có hành vi đe doạ dùng vũ lực. Được hiểu là hành vi của người phạm tội đe doạ sẽ thực hiện một hành động (hay đe doạ sẽ sử dụng sức mạnh vật chất) để gây thiệt hại cho người bị hại. Mục đích của việc đe doạ này là làm cho người bị hại sợ và giao tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt (tống tiền trục lợi) theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra gắn liền với hành vi đe doạ nêu trên.
Khác với hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực trong tội cướp tài sản, việc đe doạ này không mang tính mãnh liệt và tức thời, người bị hại (người chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản) hoàn toàn có điều kiện chuẩn bị đối phó và chưa đến mức làm tê liệt chí ý kháng cự của họ, mà chỉ hạn chế ở chỗ làm cho họ lo sợ ở mức độ nhất định, đồng thời họ vẫn có thời gian để lựa chọn giữa việc kháng cự hay chấp nhận giao tài sản (đây là điểm khác biệt cơ bản giữa tội cướp tài sản với tội này). Việc đe doạ được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
+ Đe doạ trực tiếp: Người phạm tội thực hiện việc đe doạ bằng lời nói, cử chỉ, hành động… công khai, trực tiếp với người bị hại.
+ Đe doạ gián tiếp: Người phạm tội thực hiện việc đe doạ thông qua các hình thức như: nhắn tin, điện thoại, thư… mà không gặp người bị hại.
– Các hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác. Được hiểu là dùng các thủ đoạn gây áp lực rất lớn về tinh thần của người bị hại để buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra, kèm với việc dùng thủ đoạn đó.
Các thủ đoạn thường sử dụng là lợi dụng những lỗi lầm, khuyết điểm của người bị hại mà người phạm tội biết được để đe doạ sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ (ví dụ: Doạ tố cáo bí mật đời tư của một người, mà bí mật này sẽ ảnh hưởng đến danh dự của họ) hoặc doạ gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ xã hội khác như các mối quan hệ kinh doanh (Ví dụ: phát hiện nước giải khát đóng chai của một công ty có tạp chất, đã doạ công ty này phải đưa một khoản tiền lớn để người phạm tội không tiết lộ thông tin này…)
Lưu ý:
Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ lúc người phạm tội thực hiện xong hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác kèm theo đòi hỏi về giao tài sản để (với mục đích) chiếm đoạt. Nếu chỉ thuần tuý đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần mà không có hay không gắn liền vối yêu cầu về tài sản để chiếm đoạt thì không cấu thành tội phạm này.
+ Nếu người phạm tội mới có hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện, kế hoạch… để đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa thực hiện được thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.
+ Hành vi phạm tội đối với bị hại được thực hiện công khai. Công khai là công khai về hành vi phạm tội chứ không phải công khai bản thân người phạm tội. Vì thực tiễn cũng có trường hợp người phạm tội không lộ mặt bị hại mà chỉ thông qua điện thoại, .. đe doạ sẽ dùng vũ lực nhằm để chiếm đoạt tài sản.