Yêu cầu điều tra là hoạt động tố tụng quan trọng trong việc gắn chặt chức năng công tố với điều tra theo tinh thần nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đây là văn bản pháp lý trong việc điều tra giải quyết vụ án hình sự được quy định trong nhiều văn bản pháp luật.
Hoạt động đề ra yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên có thể bằng lời nói, hoặc yêu cầu điều tra bằng văn bản theo quy định tại mục 15.1 của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/09/2005 của VKSND tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng và Điều 19 quy chế số 07 ngày 02/01/2008 của VKSND tối cao.
Để Yêu cầu điều tra bằng lời nói hay bằng văn bản thực sự có chất lượng và thể hiện được đúng vai trò của kiểm sát, thiết nghĩ Kiểm sát viên cần tránh những sai lầm khi yêu cầu điều tra đối với vụ án:
Thứ nhất, không được đề ra yêu cầu điều tra một cách chung chung, không có nội dung cụ thể, yêu cầu những vấn đề đã quá rõ, bắt buộc Điều tra viên phải làm, ví dụ như:
– Yêu cầu điều tra viên chứng minh hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A (với vai trò đồng phạm trong vụ án N) để tiến hành khởi tố mà cần phải có yêu cầu cụ thể: Tại hồ sơ vụ án có dấu hiệu phạm tội của Nguyễn Văn A, đề nghị Điều tra viên lấy lời khai bị can B, nhân chứng C, người bị hại và triệu tập Nguyễn Văn A để làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A.
– Hoặc cần tránh những yêu cầu như: Yêu cầu lấy lý lịch bị can, lập danh chỉ bản cho bị can hoặc xác định nhân thân của bị can bằng văn bản mà những trường hợp này chỉ cần yêu cầu bằng lời nói nếu như hồ sơ đang còn thiếu hoặc Yêu cầu xác định các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho các bị cáo theo quy định của pháp luật, mà phải tuỳ từng vụ việc cụ thể để đề ra yêu cầu ví dụ như: bị can phạm tội trong thời gian mang thai thì yêu cầu Điều tra viên thu thập những tài liệu chứng minh việc có thai của bị can; hoặc việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì yêu cầu làm rõ sự tác động của bị can đối với việc bồi thường ấy như thế nào.
Ảnh minh họa |
Thứ hai, tuỳ theo từng giai đoạn tố tụng để đề ra yêu cầu điều tra hợp lý và tránh mắc những sai lầm gây ức chế cho Điều tra viên hoặc bản Yêu cầu điều tra không có hiệu quả:
– Bản yêu cầu điều tra khi nghiên cứu phê chuẩn khởi tố bị can: Đây là giai đoạn hồ sơ ban đầu do đó cần phải có 01 bản Yêu cầu điều tra để thể hiện về việc định hướng điều tra cho Điều tra viên đồng thời thể hiện rõ quan điểm Kiểm sát viên đối với vụ án. Do hồ sơ ban đầu nên nội dung hồ sơ còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ. Do đó, nhiều Kiểm sát viên đề ra yêu cầu điều tra rất dài trong giai đoạn này mà chúng ta vô tình mắc phải những sai lầm không phát hiện đó là:
+ Có những nội dung mình yêu cầu đã trùng với kế hoạch điều tra của họ do đó nội dung yêu cầu khi chuyển cho Điều tra viên thì thái độ Điều tra viên cho rằng tôi biết rồi và làm phật ý của Điều tra viên.
+ Yêu cầu những vấn đề mà luật quy định buộc Điều tra viên phải làm trong quá trình điều tra vì họ cần 2, 3 hay 4 tháng để làm những vấn đề đó và họ biết chắc chắn phải làm. Ví dụ: những yêu cầu trích lục bản án đối với bị can có tiền án.
+ Đề ra yêu cầu với những câu từ chỉ đạo, ra lệnh cho Điều tra viên.
+ Đề ra yêu cầu vô nghĩa, không liên quan đến hành vi phạm tội của bị can, không liên quan đến vụ án, ví dụ như: Yêu cầu sớm kết thúc hồ sơ để truy tố chuyển toà.
– Bản Yêu cầu điều tra trong quá trình kiểm sát điều tra vụ án: Đây là giai đoạn thể hiện việc thực hành quyền công tố của VKS được Kiểm sát viên thực hiện. Giai đoạn này thể hiện Kiểm sát viên có hoạt động, bám sát hồ sơ hay không nhất là theo quy định của Bộ luật tố tụng mới việc chuyển giao các chứng cứ thu nhận được cho Kiểm sát viên đòi hỏi quá trình kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên phải phát hiện hồ sơ cần bổ sung vấn đề gì, do đó cần phải đề ra các yêu cầu điều tra trong giai đoạn này. Tuy nhiên cần chú ý để tránh:
+ Đề ra bản Yêu cầu điều tra để làm cho nội dung vụ án càng phức tạp hơn. Ví dụ như những bản yêu cầu làm phức tạp hơn về những vấn đề về định tội danh của bị can, hoặc yêu cầu những vấn đề cần làm rõ nhưng không có hồi kết.
+ Yêu cầu điều tra mà Điều tra viên đã làm, hoặc yêu cầu lấy 1 số lời khai của một số đối tượng nhưng không có nội dung phục vụ vụ án, chẳng hạn như lấy lời khai của bị can A nhưng không yêu cầu làm rõ vấn đề gì? Hoặc yêu cầu lấy lời khai bị hại nhưng không làm rõ thêm vấn đề gì…
+ Yêu cầu làm rõ nội dung vụ án nhưng thực chất nội dung vụ án đã được điều tra làm rõ.
+ Khi phát hiện hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn thì Kiểm sát viên cần phải nêu rõ các mâu thuẫn cụ thể trong hồ sơ vụ án cụ thể như mâu thuẫn giữa lời khai của các bị can về thời gian, về vật chứng vụ án, về các bước thực hiện hành vi phạm tội, mâu thuẫn về ăn chia… để đề ra yêu cầu cụ thể. Hoặc mâu thuẫn giữa lời khai của bị can với lời khai của bị hại về số tiền thiệt hại… Tuy từng trường hợp cụ thể để đề ra yêu cầu điều tra cụ thể phù hợp với từng vụ án chẳng hạn như mâu thuẫn giữa lời khai của bị can và lời khai bị hại về số tiền thì cần đề ra yêu cầu đề nghị điều tra viên làm rõ nguồn gốc số tài sản của bị hại từ nguồn gốc hình thành khối tài sản, các nhân chứng biết về khối tài sản. Chủ yếu yêu cầu chứng minh sự hình thành hợp pháp về tài sản mà tuyệt đối không đề ra yêu cầu Điều tra viên một câu: Đề nghị Điều tra viên triệt tiêu mâu thuẫn nêu trên.
+ Khi vụ án có tính chất phức tạp thì Kiểm sát viên cần thể hiện vai trò của mình trong các vấn đề để đề ra yêu cầu điều tra cần bám sát nội dung vụ án bao nhiêu thì các yêu cầu điều tra càng có giá trị bấy nhiêu. Nhưng các yêu cầu này cần tránh:
* Yêu cầu những vấn đề mà biết rằng Điều tra viên không thể làm được, không thể làm tiếp.
* Yêu cầu điều tra không có lợi cho việc định tội hoặc gỡ tội cho bị can.
* Yêu cầu những vấn đề có tính chất áp đặt ý chí của Kiểm sát viên vào việc nhận thức của vụ án.
– Bản Yêu cầu điều tra trong quá trình kết thúc hồ sơ vụ án. Đây là giai đoạn cần bổ sung các yêu cầu khi nghiên cứu hồ sơ của Kiểm sát viên để thống nhất về việc kết thúc hồ sơ vụ án. Theo quan điểm chúng tôi trước khi kết thúc vụ án Kiểm sát viên buộc phải nghiên cứu hồ sơ còn có ý kiến bằng văn bản về việc cho kết thúc vụ án hoặc cần làm rõ những vấn đề gì nữa hay không. Trong giai đoạn này, chúng tôi thấy yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên hay mắc phải đó là:
+ Yêu cầu những vấn đề mà hồ sơ đã được điều tra làm rõ.
+ Yêu cầu thu thập các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.
+ Yêu cầu triệt tiêu mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án.
+ Yêu cầu sớm kết thúc hồ sơ vụ án để truy tố chuyển Toà.
+ Yêu cầu lập danh chỉ bản đối với bị can.
+ Yêu cầu lấy lời khai tổng hợp đối với bị can…
Việc yêu cầu điều tra đối với vụ án thể hiện vai trò của ngành Kiểm sát, tuy nhiên nó cũng là một trong những yếu tố thể hiện vai trò của Kiểm sát viên khi bản Yêu cầu điều tra có chất lượng.
Theo Tạp chí điện tử kiểm sát