Gần đây, một số vụ án oan trong lĩnh vực hình sự được phát hiện và các cơ quan tiến hành tố tụng đã khẩn trương tiến hành thực hiện trách nhiệm bồi thường cho những người bị thiệt hại. Có thể nói, “oan” là hiện tượng nảy sinh trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, xâm phạm nguyên trọng đến quyền, tài sản của công dân, tổ chức. Với mục tiêu bảo đảm quyền con người, quyền tự do thân thể và các quyền cơ bản khác của công dân, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 Việt Nam đã quy định tại Điều 29 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, tạo cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nguyên tắc này tiếp tục được ghi nhận trong Bộ Luật hình sự năm 2015 và Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017. Đặc biệt, những quy định trong Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017 (gọi tắt “Luật TNBTCNN năm 2017”) góp phần hoàn thiện khung pháp lý về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Bài viết sau đây sẽ khái quát pháp luật về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trên cơ sở phân tích, đối chiếu các quy định trong các Bộ luật và luật giúp người đọc dễ dàng nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn.
Thứ nhất, phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước.
Phạm vi trách nhiệm bồi thường trong tố tụng hình sự là một trong những vấn đề được thảo luận nhiều trong quá trình soạn thảo và thông qua Luật TNBTCNN năm 2017. Bởi vì, việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự mang tính chất đặc thù nên căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường trong lĩnh vực này khác với căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính, thi hành án…Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho người bị oan trong tố tụng hình sự không tính đến yếu tố có hành vi trái pháp luật và yếu tố lỗi của người thi hành công vụ mà xác định theo thiệt hại thực tế xảy ra.
Phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định cụ thể tại Điều 18 Luật TNBTCNN năm 2017. So với Điều 26 Luật TNBTCNN năm 2009, tại Điều 18 Luật TNBTCNN năm 2017 có 02 trường hợp được bổ sung mới là:
- Trường hợp “Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật” (khoản 1 Điều 18 Luật TNBTCNN năm 2017).
Việc bổ sung trường hợp này để phù hợp với quy định tại Điều 31 BLTTHS năm 2015 “Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra”.
- Trường hợp “Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền tỏng hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được pháp nhân đã thực hiện tội phạm và pháp nhân đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”
Luật TNBTCNN năm 2017 bổ sung trường hợp này để phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó pháp nhân thương mại được bổ sung là chủ thể của tội phạm. Do vậy, nếu pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật thì sẽ được bồi thường như cá nhân.
Thứ hai, chủ thể được bồi thường thiệt hại.
Quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự là một trong những quyền con người cơ bản. Đối tượng được bồi thường bao gồm những người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án trái pháp luật trong các vụ án hình sự. Chủ thể có trách nhiệm bồi thường là Nhà nước được thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, những người thi hành công vụ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm trong tố tụng hình sự và đã gây ra những thiệt hại cho người bị oan.
Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự thì vấn đề quan trọng phải xác định đúng đối tượng được bồi thường. Điều 31 BLTTHS năm 2015 quy định “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.”. Theo đó, người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra bao gồm:
- Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
- Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
- Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
- Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp quy định trên đây mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội (người bị khởi tố nhưng được tại ngoại).
Thứ ba, cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan được áp dụng theo Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 và các văn bản hướng dẫn thi hành nghị quyết này. Theo Điều 10 Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp, cơ quan thi hành án. Việc xác định cơ quan bồi thường thiệt hại dựa trên nguyên tắc cơ quan nào (hoặc người của cơ quan nào) gây thiệt hại thì cơ quan đó có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về cơ quan nào không phải lúc nào cũng dễ xác định. Đôi khi lỗi của cơ quan này là nguyên nhân dẫn đến lỗi của cơ quan khác. Vì thế không thể xác định cơ quan nào gây thiệt hại cuối cùng thì cơ quan đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, hoạt động tố tụng hình sự luôn có sự phối hợp công tác giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, vì vậy trường hợp xảy ra oan trong tố tụng hình sự thì không thể quy trách nhiệm một cách đơn giản như pháp luật hiện hành là căn cứ sai ở giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án thì cơ quan chịu trách nhiệm ở giai đoạn đó chịu trách nhiệm bồi thường. Việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự nên tập trung vào một cơ quan thì sẽ khách quan hơn nhằm giúp các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không phải mất nhiều thời gian giải quyết việc bồi thường.
Hiện nay, theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là cơ quan được quy định tại Điều 34, Điều 35 và Điều 36 của Luật này, cụ thể là: Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát nhân dân; Tòa án nhân dân. Trường hợp cơ quan này đã được chia tách, sát nhập, hợp nhất, giải thể hoặc có sự ủy thác thực hiện công vụ thì việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật TNBTCNN năm 2017 và Điều 32 Nghị định 68/2018/NĐ-CP.
Thứ tư, thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại.
Người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 18 Luật TNBTCNN năm 2017.
Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phải có các căn cứ sau đây:
- Có văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 18 của Luật TNBTCNN năm 2017.
- Có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng gây ra đối với người bị thiệt hại.
Luật TNBTCNN năm 2017, về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng, thi hành án được quy định theo hướng: đối với những thủ tục có tính chất chung như thụ lý, xác minh thiệt hại, thương lượng, ra quyết định giải quyết bồi thường thì viện dẫn đến quy định tương ứng trong lĩnh vực quản lý hành chính; đối với những thủ tục đặc thù như gửi đơn đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường, các tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì quy định cụ thể. Người bị thiệt hại khi nhận được bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 18 của Luật TNBTCNN năm 2017 thì gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo định. Việc thụ lý, xác minh, thương lượng, ra quyết định giải quyết bồi thường và hiệu lực của quyết định giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được áp dụng theo quy định tại các Điều 42, 43, 45, 46 và 47 Luật TNBTCNN năm 2017.
So với Luật TNBTCNN năm 2009 thì luật Luật TNBTCNN năm 2017 bổ sung thêm quy định về Điều 44 về tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại có thể tính toán được ngay, không cần xác minh. Đồng thời bổ sung các quy định về thương lượng việc bồi thường (Điều 46) theo hướng quy định cụ thể về thành phần thương lượng, địa điểm thương lượng, nội dung thương lượng, thủ tục thương lượng và kết quả của việc thương lượng.
Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 là bước ngoặt quan trọng để hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.