Phân biệt giữa tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong Bộ luật Hình sự năm 2015

Trong bộ luật hình sự Việt Nam, các tội trong chương tội phạm xâm phạm sở hữu, có nhiều tội danh có một hoặc một số dấu hiệu pháp lý giống nhau, đặc biệt có những dấu hiệu về hành vi khách quan giống hoặc gần giống nhau. Điều này dễ dẫn đến sai lầm trong nhận thức về các tội phạm tương tự, từ đó dẫn đến sự sai lầm trong việc định tội danh cũng như quyết định hình phạt và mức hình phạt áp dụng với người phạm tội. Trong số đó, thường có sự nhầm lẫn giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì cùng có dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. 

Qua nghiên cứu các bản án, có thể thấy rằng một số Tòa án còn nhầm lẫn trong việc xác định tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi mặt khách quan của cả hai tội đều có hành vi gian dối, nhất là các trường hợp có ký kết hợp đồng dân sự. Để phân biệt hai tội này cần phải dựa vào một số điểm quan trọng sau:

Thứ nhất, thời điểm người phạm tội nảy sinh ý thức mong muốn chiếm đoạt tài sàn

Về phương diện lý luận, nếu người phạm tội ngay từ thời điểm ban đầu đã có ý định chiếm đoạt tài sản nên có những hành vi gian dối dẫn đến việc ký kết hợp đồng giả tạo để từ đó được giao tài sản và như vậy họ chiếm đoạt tài sản thì được coi đây là tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tội Lạm dụng chiếm đoạt tài sản thì ban đầu khi chưa ký kết hợp đồng, người phạm tội chưa có ý thức chiếm đoạt tài sản nên việc ký hợp đồng là hoàn toàn ngay thẳng và trung thực giữa người bị hại với người phạm tội. Hợp đồng này được ký kết trên cơ sở lòng tin giữa các bên và việc giao nhận tài sản dựa trên hợp đồng hợp pháp. Sau khi nhận được tài sản, người phạm tội mới nảy sinh ý định chiếm đoạt và thực hiện ý định chiếm đoạt bằng thủ đoạn bỏ trốn hay thủ đoạn gian dối.

Trong thực tế, người phạm tội luôn mong muốn che giấu ý thức chiếm đoạt, vì vậy việc xác định thời điểm xuất hiện ý định chiếm đoạt trên thực tế là rất khó khăn và phức tạp. Do vậy để xác định thái độ chỉ quan của người phạm tội, cần phải xem xét toàn diện diễn biến của vụ việc, đặc biệt các yếu tố khách quan khi các bên tiến hành giao kết và thực hiện hợp đồng, thể hiện ở một số khía cạnh như: những hành vi ở giai đoạn trước khi chuẩn bị cho việc ký kết hợp đồng; nghĩa vụ mà người ký kết hợp đồng phải thực hiện.

Thứ hai, dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản

Đối với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hành vi dùng thủ đoạn gian dối là hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật bằng những thủ đoạn rất đa dạng như qua lời nói, sử dụng giấy tờ giả, giả danh người khác..để làm người có tài sản tin đó là thật và tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối. Như vậy, hành vi gian dối trong tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối với tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, người phạm tội nhận tài sản của người khác là hoàn toàn ngay thẳng, hợp pháp thông qua những hợp đồng bằng miệng hoặc bằng văn bản. Hành vi gian dối trong tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” chỉ là những hành vi che đậy nhằm không trả lại tài sản hoặc giá trị tài sản theo đúng nghĩa vụ hợp đồng như giả tạo việc mất tài sản, đánh tráo tài sản, rút bớt số lượng tài sản….

Ngoài ra, hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản trong tội lạm dụng tín nhiệm tài sản là hành vi chiếm đoạt (và phải là chiếm đoạt được), nhưng khác với hành vi chiếm đoạt ở các tội phạm khác, hành vi chiếm đoạt ở tội này là sự vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản bằng hành vi chiếm đoạt. Chiếm đoạt là hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ tài sản thành tài sản của mình. Dựa trên cơ sở đó, xem xét đến hành vi của người nhận được tài sản thông qua các hình thức hợp đồng ngay thẳng (vay, mượn, thuê… tài sản) sau đó khi đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Như vậy, hành vi đó là hành vi chiếm đoạt, và mang bản chất của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn bỏ chữ “để” trong cụm từ “dùng thủ đoạn gian dối “để” chiếm đoạt tài sản đó” tại khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999, thành “dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó”, đây cũng là một bước tiến của Bộ luật Hình sự năm 2015, nhằm tránh việc dấu hiệu chiếm đoạt trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị nhầm lẫn thành “mục đích chiếm đoạt” thay vì là “hành vi chiếm đoạt được” như đúng bản chất pháp lý của tội này.

Như vậy, cùng là dấu hiệu “thủ đoạn gian dối” nhưng vai trò, ý nghĩa lại khác nhau giữa hai tội, và vì thế, cách thức thực hiện thủ đoạn gian dối cũng khác nhau.

Thứ ba, việc giao nhận tài sản giữa người có tài sản với người phạm tội

Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do xuất phát từ mục đích chiếm đoạt tài sản nên ngay từ đầu đã có hành vi gian dối tạo được niềm tin giả tạo ở người quản lý tài sản và do sự nhầm lẫn nên hợp đồng mới được lý kết. Do vậy, hợp đồng này dựa trên uy tín, niềm tin giả tạo nên bản chất không phải là “hợp đồng” hợp pháp theo quy định của Bộ Luật dân sự, mà đây là hình thức gian dối để chiếm đoạt tài sản. Người có tài sản đã tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội là do người phạm tội đã có những hành vi, thủ đoạn gian dối để dựng nên những điều không đúng sự thật nhưng người có tài sản tin đó là thật nên tự giác giao tài sản

Nhưng cũng cần phải hiểu rằng không phải mọi trường hợp khi ký kết hợp đồng có sự gian dối thì đều cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vì có những trường hợp gian dối nhằm mục đích giao kết hợp đồng, không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Đây là những trường hợp có cơ sở chứng minh rõ ràng người phạm tội không có ý chiếm đoạt tài sản như sử dụng tài sản đúng mục đích, thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết như do các lý do khách quan như sự cạnh tranh trên thị trường, khủng hoảng tài chính, sự phát triển của khoa học công nghệ, thay đổi chính sách kinh tế…dẫn đến người phạm tội kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán, nếu như người phạm tội không có hành vi bỏ trốn thì không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với người phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì hợp đồng giữa đôi bên là hợp pháp, đúng đắn bởi khi ký kết hợp đồng các bên hoàn toàn trung thực, dựa trên sự tự do ý chí, sự tự nguyện khi giao kết. Hợp đồng ký kết hoàn toàn đáp ứng điều kiện về mặt pháp lý, do vậy, hợp đồng này hợp pháp. Do vậy, người phạm tội được giao tài sản một cách hợp pháp dựa trên cơ sở hợp đồng. Như vậy, về bản chất người phạm tội nhận được tài sản là đều do người có tài sản tự giác giao cho họ.

Thứ tư, thời điểm chiếm đoạt tài sản – thời điểm hoàn thành tội phạm

Cả hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được coi là hoàn thành tội phạm khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản. Ở thời điểm này người phạm tội có đầy đủ điều kiện khách quan và chủ quan để tự định đoạt tài sản đó theo mong muốn của mình.

Như phân tích ở trên, theo quan điểm cá nhân, hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau khi thực hiện hành vi gian dối tạo được uy tín, niềm tin và dẫn đến kí kết hợp đồng và trên cơ sở hợp đồng, người phạm tội nhận được tài sản (hoặc không phải giao tài sản mà đáng lẻ phải giao cho người bị lừa dối) và khi làm chủ được tài sản trên thực tế thì coi như tội phạm đã hoàn thành.

Còn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội sau khi ký kết hợp đồng, được giao tài sản và tại thời điểm này người được chuyển giao tài sản chưa coi là có hành vi chiếm đoạt tài sản. Ở giai đoạn tiếp theo là thực hiện các cam kết trong hợp đồng thì người phạm tội lạm dụng tín nhiệm…mới có hành vi chiếm đoạt tài sản và được biểu hiện như cố ý không giao trả lại tài sản của người khác trái pháp luật…Do vậy, thời điểm này mới coi là tội phạm hoàn thành.

Như vậy: sự khác biệt giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thể hiện ở một số điểm là thời điểm người phạm tội nảy sinh ý định phạm tội; cách thức thực hiện thủ đoạn gian dối; tính chất việc giao nhận tài sản giữa các bên và thời điểm tội phạm hoàn thành.

Văn phòng Luật sư số 5 Hà Nội – Tel: 024 3537 7398

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *