Gần 1 năm trôi qua, nhưng người dân xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vẫn còn ám ảnh những tiếng súng phát ra tại trụ sở UBND xã. Tiếng súng chát chúa khiến nhiều người hoảng loạn, bỏ chạy. Không ai ngờ người nổ súng hôm đó là Trưởng công an xã Nguyễn Ngọc Thấu (SN 1974). Và nạn nhân là Chủ tịch UBND xã Nghi Quang, ông Nguyễn Đình Thanh.
Vụ án rúng động
Cụ thể, ngày 9/11/2017, xã Nghi Quang tổ chức buổi khám tuyển nghĩa vụ quân sự.Trưa cùng ngày, mọi người tổ chức liên hoan tại một quán nhậu và hát karaoke, cuộc vui có sự góp mặt của Nguyễn Ngọc Thấu. Đến 13h chiều, khi đã có men rượu, Thấu điện thoại cho ông Thanh đề nghị cho đổ đất sửa đường trước khu vực Trạm y tế xã và được lãnh đạo xã đồng ý.
Hai tiếng đồng hồ sau, Thấu đến nhiệm sở làm việc nhưng thấy đoạn đường bùn lầy vẫn chưa được đổ đá nên hỏi Chủ tịch xã. Ông Thanh cho biết vì trời mưa nên chưa tiến hành được. Hai bên xảy ra mâu thuẫn.
Trong lúc cãi vã, Thấu đi lấy một khẩu súng bắn đạn cao su (bên trong có 5 viên đạn) rồi đứng ở sân bắn chỉ thiên 1 phát đạn. Nghe tiếng súng nổ, một cán bộ ủy ban ra can ngăn và tước lấy khẩu súng này giao cho Phó Công an xã cất vào tủ.
Bị tước súng, Thấu tiếp tục vào phòng làm việc của mình lấy thêm 1 khẩu súng bắn đạn cao su khác cùng 1 hộp đạn, sau đó sang phòng làm việc của Ban công an xã để lấy lại khẩu súng của mình vừa bị tước đi rồi về sảnh Uỷ ban xã. Hai tay 2 súng, Thấu đi đến sảnh Uỷ ban xã tìm gặp ông Thanh.
Tại đây, Thấu lớn tiếng chửi bới đe doạ. Thấy thế, ông Thanh liền giằng co để cướp súng nhưng không được. Quá trình giằng co, Thấu đã cầm súng bắn vào người ông Thanh. Sau khi bắn hết 10 viên đạn trong cả 2 súng, Thấu tiếp tục lắp thêm đạn mới vào súng tiếp tục bắn đe doạ người khác.
Chưa dừng lại, Thấu tiếp tục trở về phòng làm việc của mình lấy 1 thanh kiếm ra trước sân rồi đuổi đe doạ nhiều người trong đó có nữ Phó Chủ tịch UBND xã. Sự việc chỉ dừng lại khi có nhiều người ập vào can ngăn, đồng thời gọi điện trình báo lên Công an huyện Nghi Lộc.
Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, khẩu súng mà Nguyễn Ngọc Thấu sử dụng gây ra tiếng nổ khiến Chủ tịch xã bị thương là súng bắn đạn cao su được trang cấp cho lực lượng công an xã. Ông Thanh bị trúng đạn cao su, phải nhập viện. May mắn vết thương không đáng kể nên sau khi lấy được viên đạn ra, ông đã xuất viện, tiếp tục làm việc vào ngày hôm sau.
Riêng với Nguyễn Ngọc Thấu, ngay sau đó đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra. Thấu bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” và bị TAND huyện Nghi Lộc xử phạt 12 tháng tù giam.
Bản án có hiệu lực, đầu năm 2018, Nguyễn Ngọc Thấu thi hành án tại Trại giam Công an tỉnh Nghệ An. Cuộc đời thay đổi khi từ chỗ là Trưởng công an xã, giờ thành phạm nhân.
Được biết, trước khi xảy ra vụ nổ súng, Nguyễn Ngọc Thấu từng bị tòa án địa phương xử tù án treo về tội gây rối trật tự nơi công cộng. Theo Bản án số 43, ngày 20/10/1998, Tòa án nhân dân huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã mở phiên tòa xét xử công khai sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Thấu về tội Gây rối trật tự công cộng.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Ngọc Thấu khai nhận, chiều 12/9/1998, tại hội trường UBND xã Nghi Quang có tổ chức một cuộc họp. Vì đã có men trong người nên Thấu chửi lãnh đạo và ném chai lọ khiến cuộc họp phải dừng lại.Dù được lực lượng an ninh xã can ngăn nhưng Thấu vẫn tiếp tục gây rối.
16h cùng ngày, sau khi được đưa về nhà, Thấu tiếp tục đến xã gây rối, la hét khiến cuộc họp phải tạm hoãn.Cơ quan chức năng đã vào cuộc để điều tra sự việc. Với tội danhGây rối trật tự công cộng, Nguyễn Ngọc Thấu bị Tòa án nhân dân huyện Nghi Lộc xử phạt 12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Hình phạt
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị gia đình phạm nhân do Ban giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An tổ chức, Nguyễn Ngọc Thấu không ít lần nghẹn ngào. Khi đối diện với những bức tường trại giam, nguyên Trưởng công an xã mới thấm thía cái giá phải trả cho hành vi của mình.
Nguyễn Ngọc Thấu nói: “Trước khi bước chân đi thi hành án, nói đến hai chữ “nhà tù”, tôi hết sức hoang mang. Tôi đã từng là cán bộ, một công chức ở địa phương, nhưng do một phút không làm kiềm chế được hành vi, đã vi phạm pháp luật. Nỗi buồn lớn của tôi là từ người thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật, phải ngồi tù, bị người đời bàn tán. Điều đó khiến tôi luôn mặc cảm, chán nản”.
Nhưng với sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của Ban giám thị Trại tạm giam, Thấu dần vượt qua sự lo sợ của bản thân và bình tâm để trả món nợ pháp luật.
Có người nói mâu thuẫn của Thấu và vị Chủ tịch xã không chỉ đơn thuần là việc đổ mấy xe đất san lấp đoạn đường ở trước cổng ủy ban mà còn có nguyên nhân sâu xa hơn. Thấu không muốn nhắc tới nguyên do nữa, chỉ biết rằng, mình đã vi phạm pháp luật thì phải chịu hình phạt. Mười hai tháng tù không phải là thời gian quá dài đối với đời người nhưng đó là quãng thời gian để Nguyễn Ngọc Thấu nhìn nhận lại tội lỗi của bản thân.
Khi đã bước qua được khó khăn về mặt tinh thần, giờ đây cảm giác thường trực của Thấu là chỉ còn là ăn năn hối hận. Thấu tâm sự, vào đây rồi mới có nhiều thời gian để suy nghĩ lại chặng đường mình đã đi qua, nếu được chọn lại sẽ không bao giờ hành động như vậy.
Quyết tâm đó càng có thêm động lực khi nhận được sự động viên của người thân, gia đình, bạn bè. Phạm nhân này phát biểu sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về làm công dân lương thiện.