Quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về cấp dưỡng hiện nay đang tồn tại rất nhiều vướng mắc, bất cập. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin phép chỉ đề cập đến vấn đề cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chưa thành niên xuất phát từ một vụ án hôn nhân gia đình “Tranh chấp xác định cha cho con và về cấp dưỡng nuôi con” và đặt ra một số vấn đề liên quan đến quan hệ cấp dưỡng này để bạn đọc cùng có ý kiến trao đổi.
- Nội dung vụ án:
Theo Bản án phúc thẩm số 08/2020/HNGĐ-PT ngày 19/11/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng[2] về vụ án hôn nhân gia đình “Tranh chấp xác định cha cho con và về cấp dưỡng nuôi con” giữa nguyên đơn là chị Lý Thị Minh T với bị đơn là anh Dương Minh T1 thì vụ án có nội dung như sau:
Nguyên đơn chị Lý Thị Minh T trình bày: Vào năm 2016, chị và anh
Dương Minh T1 quen biết và có quan hệ tình cảm với nhau. Sau một thời gian yêu nhau thì chị T mang thai, đến ngày 16/10/2017 thì chị sinh cháu Lý Trần Thảo N, hiện nay cháu N đang sống chung với chị T. Từ khi chị T sinh con đến nay, anh T1 và gia đình không quan tâm đến cháu N. Thời gian đầu sau khi biết chị T mang thai, anh T1 và gia đình có hứa sẽ tổ chức kết hôn cho chị T và anh T1 vì tại thời điểm chị T mang thai thì chị chưa đủ 18 tuổi, nhưng cho đến nay anh T1 và gia đình không thực hiện và hiện nay anh T1 cũng đã kết hôn với người phụ nữ khác. Anh T1 không giữ lời hứa mà còn cho rằng cháu N không phải là con của anh. Gia đình hai bên đã bàn bạc nhưng không đi đến thống nhất, mặt khác cha mẹ anh T1 cho rằng chị T cố tình vu oan và dùng những lời lẽ xúc phạm đến chị và gia đình của chị. Vì lòng tự T2, cũng như giành lại quyền lợi cho con, chị T yêu cầu pháp luật can thiệp để chứng minh cháu Lý Trần Thảo N là con của anh Dương Minh T1. Chị Lý Thị Minh T yêu cầu Tòa án giải quyết: Tuyên bố cháu Lý Trần Thảo N là con ruột của anh Dương Minh T1 và đồng thời yêu cầu anh T1 thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng là 2.000.000đồng (hai triệu đồng) từ ngày 16/10/2017 cho đến khi cháu Lý Trần Thảo N đủ 18 tuổi.
Bị đơn anh Dương Minh T1 trình bày: Anh thống nhất với kết luận giám
định ADN và anh thừa nhận anh là cha đẻ của cháu Lý Trần Thảo N. Tuy nhiên, về mức cấp dưỡng chị T yêu cầu anh không đồng ý. Hiện tại do anh vẫn đang sống chung với cha mẹ, phụ giúp nuôi tôm cho người anh tên Dương Hữu T2, mỗi tháng được 3.000.000 đồng (ba triệu đồng), anh không có công việc gì khác nên nay anh chỉ đồng ý cấp dưỡng mỗi tháng là 1.000.000 đồng (một triệu đồng) và cấp dưỡng từ khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Tại Bản án sơ thẩm số 20/2020/HNGĐ-ST ngày 22 tháng 7 năm 2020, Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã quyết định:
Căn cứ: Khoản 4, 5 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều
39, khoản 2 Điều 161, Điều 271, Điều 273, Điều 280 và điểm a khoản 2 Điều 482
của Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 2, 3 Điều 82, khoản 3 Điều 102, 110, 116 của
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 6 Điều 27
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Quốc Hội
quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa
án. Tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chị Lý Thị Minh T về việc tranh chấp “Xác định cha cho con và về cấp dưỡng nuôi con”.
- Xác định Anh Dương Minh T1 là cha đẻ của cháu Lý Trần Thảo N (Giới
tính: nữ), sinh ngày 16/10/2017. Chị Lý Thị Minh T tiếp tục trông nom, chăm sóc,
nuôi dưỡng, giáo dục cháu Lý Trần Thảo N. Anh Dương Minh T1 T1 có quyền,
nghĩa vụ thăm nom cháu Lý Trần Thảo N mà không ai được cản trở. - Về cấp dưỡng nuôi con: Anh Dương Minh T1 phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng là 1.000.000 đồng (một triệu đồng) đến khi cháu Lý Trần Thảo N thành niên (đủ 18 tuổi), thời gian cấp dưỡng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 22/7/2020).
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm, chi phí giám định ADN và thông báo quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.
Ngày 03/8/2020, nguyên đơn chị Lý Thị Minh T kháng cáo bản án sơ thẩm
nêu trên, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết sửa một phần bản án sơ thẩm tuyên buộc anh Dương Minh T1 phải cấp dưỡng nuôi con với số tiền
2.000.000đồng/tháng, thời gian cấp dưỡng kể từ ngày 16/10/2017 cho đến khi cháu Lý Trần Thảo N đủ 18 tuổi.
Tại Bản án phúc thẩm số 08/2020/HNGĐ-PT ngày 19/11/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng nhận định:
[I] Về tố tụng: Người kháng cáo, nội dung và hình thức đơn kháng cáo, thời hạn kháng cáo của nguyên đơn Lý Thị Minh T là đúng theo quy định tại Điều 271, Điều 272 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, kháng cáo hợp lệ và đúng theo luật định, nên vụ án được xét xử theo trình tự phúc thẩm đối với nội
dung kháng cáo và các vấn đề có liên quan đến việc kháng cáo.
[II] Về nội dung:
[1] Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, trong quá trình giải
quyết vụ án tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa sơ thẩm anh Dương Minh T1 thống nhất với kết luận giám định ADN, thừa nhận anh là cha đẻ của cháu Lý Trần Thảo N và đồng ý cấp dưỡng nuôi con, cấp sơ thẩm xác định anh Dương Minh T1 là cha đẻ của cháu Lý Trần Thảo N và buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con là có căn cứ và đúng pháp luật.
[2] Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn chị Lý Thị Minh T kháng cáo một phần bản án sơ thẩm về mức cấp dưỡng và thời gian bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Theo đó, nguyên đơn yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc bị đơn cấp dưỡng nuôi con với mức 2.000.000đồng/tháng và thời gian bắt đầu cấp dưỡng kể từ ngày cháu Lý Trần Thảo N được sinh ra là từ ngày 16/10/2017 đến đủ 18 tuổi.
[3] Xét thấy, việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con là trách nhiệm của cha mẹ đối với con; cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người con; người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Chị Lý Thị Minh T là người trực tiếp nuôi cháu Lý Trần Thảo N nên có quyền yêu cầu anh Dương Minh T1 cấp dưỡng nuôi cháu N; anh T1 là người không trực tiếp nuôi con nên phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu N theo quy định tại Điều 107 và Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[4] Về mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận hoặc căn cứ vào thu nhập, khả
năng kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng để ấn định cho phù hợp. Theo quy định tại Điều 116 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”, cũng như theo hướng dẫn tại điểm b mục 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 “Tiền cấp dưỡng nuôi con…do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý” và tại mục 2 phần III Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp bổ sung một số vấn đề về áp dụng pháp luật hướng dẫn “mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con”. Do đó, mức cấp dưỡng nuôi con nếu các bên không thỏa thuận được thì căn cứ vào thu nhập, khả năng kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng để ấn định cho phù hợp, nhưng mức tối thiểu không dưới 1/2 mức lương tối thiểu (nay là mức lương cơ sở) do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con.
[5] Theo chứng cứ, tài liệu thể hiện đối với hộ gia đình anh T1 tuy có thu
nhập khá ở tại địa phương, anh T1 là lao động chính tạo ra thu nhập trong gia đình
từ việc nuôi tôm cùng với người anh tên Dương Hữu T2, nhưng trên thực tế anh T1 đang sống chung với cha mẹ nên bình quân mức thu nhập của cá nhân anh T1 mỗi tháng khoảng 3.000.000đồng (ba triệu đồng) và không có công việc hay thu nhập gì khác. Xét thấy, anh T1 hiện tại cũng đã có vợ và con nên với mức thu nhập trên cần phải chi phí thiết yếu cho vợ chồng và con, mà còn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đối với cháu N với mức cấp dưỡng mỗi tháng 1.000.000đồng là tương xứng với thu nhập, khả năng kinh tế của anh T1.
[6] Nguyên đơn chị Lý Thị Minh T kháng cáo cho rằng anh Dương Minh T1 có khả năng cấp dưỡng 2.000.000đồng/tháng nhưng chị T không cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới cho Tòa án cấp phúc thẩm để chứng minh mức thu nhập hàng tháng của anh T1 cao hơn mức thu nhập như đã nêu trên. Do vậy, cấp sơ thẩm buộc anh T1 phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1.000.000đồng (một triệu đồng) là phù hợp và có cơ sở, nên kháng cáo của chị Lý Thị Minh T về việc yêu cầu anh T1 phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng là 2.000.000đồng là chưa có căn cứ, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[7] Tuy cháu Lý Trần Thảo N sinh ngày 16/10/2017, nhưng mãi đến ngày 16/10/2019 chị Lý Thị Minh T mới khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng, đến ngày 22/7/2020 Tòa án cấp sơ thẩm mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên án, kháng cáo yêu cầu anh Dương Minh T1 phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tính từ ngày 16/10/2017 (ngày sinh cháu N).
[8] Xét thấy, theo quy định tại khoản 24 Điều 3 và Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền
hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên…” và “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên…”. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 20 và khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi”. Như vậy, theo pháp luật hiện hành chỉ đề cập đến điểm kết thúc việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con (như khi con đã thành niên là đủ 18 tuổi, có khả năng lao động, có thu nhập để tự nuôi sống bản thân) mà không quy định khi nào thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
[9] Tuy nhiên, tại thời điểm sinh cháu N và thời điểm khởi kiện thì chưa xác định cháu Lý Trần Thảo N là con đẻ của anh T1 và cũng chưa xác định giao con cho ai là người trực tiếp nuôi nên chưa phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng. Tại thời
điểm xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án và tuyên án xác định anh T1 là cha đẻ của cháu Lý Trần Thảo N và giao cháu Lý Trần Thảo N cho chị T là người trực tiếp nuôi dưỡng, lúc bấy giờ anh T1 không phải là người trực tiếp nuôi con nên phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đồng thời, cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên tính từ ngày tuyên án sơ thẩm cũng phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 2 của Luật thi hành án dân sự 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) “Những bản án, quyết định về cấp dưỡng của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị”. Mặt khác, tại Công văn số 128/PKTNV-THA ngày 06/8/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn về cách tuyên thời gian cấp dưỡng nuôi con trong vụ án hôn nhân và gia đình “Thời gian cấp dưỡng nuôi con được tính kể từ ngày xét xử sơ thẩm”. Do vậy, cấp sơ thẩm quyết định anh T1 phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là đúng quy định, nên kháng cáo của chị T yêu cầu anh Dương Minh T1 phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tính từ ngày 16/10/2017 là không có cơ sở, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[10] Từ những phân tích và nhận định nêu trên, nhận thấy toàn bộ nội dung kháng cáo của nguyên đơn Lý Thị Minh T là không có căn cứ, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[11] Kiểm sát viên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Lý
Thị Minh T và áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự giữ nguyên bản
án sơ thẩm là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[12] Về án phí dân sự phúc thẩm: Người kháng cáo Lý Thị Minh T được miễn nộp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[13] Các phần khác của quyết định bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét và có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm hết hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 273 và Điều 280 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Vì các lẽ trên, Quyết định: Căn cứ khoản 1 Điều 308 và khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:
- Không chấp nhận toàn bộ nội dụng kháng cáo của nguyên đơn Lý Thị
Minh T. Giữ nguyên Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 20/2020/HNGĐ-ST
ngày 22 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc
Trăng. - Ngoài ra, Tòa án còn quyết định về án phí phúc thẩm.
- Vấn đề cần trao đổi:
Theo quyết định của Bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên thì anh Dương Minh T1 phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng là 1.000.000 đồng (một triệu đồng) đến khi cháu Lý Trần Thảo N thành niên (đủ 18 tuổi), thời gian cấp dưỡng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 22/7/2020). Tuy nhiên, liên quan đến thời điểm bắt đầu cấp dưỡng nuôi con của anh T1 đối với cháu N thì hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
- Quan điểm thứ nhất: Phải xác định thời điểm bắt đầu cấp dưỡng nuôi con của anh T1 đối với cháu N tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 22/7/2020) như quyết định của Bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên là đúng do từ thời điểm này Tòa án mới xác nhận anh T1 là cha của cháu N, từ đó mới phát sinh quyền làm cha của anh T1 và nghĩa vụ cấp dưỡng của anh T1 với cháu N.
- Quan điểm thứ hai: Phải xác định thời điểm bắt đầu cấp dưỡng nuôi con của anh T1 đối với cháu N tính từ ngày cháu N sinh ra, việc Tòa án tính kể từ ngày xét xử sơ thẩm là không phù hợp với nguyên tắc về xác định cha, mẹ, con và nghĩa vụ về nuôi dưỡng, cấp dưỡng giữa cha,mẹ, con. Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cha đẻ, mẹ đẻ là cha mẹ được xác định “dựa trên sự kiện sinh đẻ hoặc từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình”. Như vậy, việc xác định cha đẻ, mẹ đẻ thông qua bản án, quyết định của Tòa án chỉ là phương thức để thực hiện quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con không phải là căn cứ tính thời điểm xác lập quan hệ cha mẹ và con, cũng như không phải là thời điểm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con. Do đó, quyền, nghĩa vụ về nuôi dưỡng của cha, mẹ đối với con chưa thành niên quy định tại Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 phải tính từ thời điểm con được sinh ra, nguyên tắc này cũng được áp dụng cho cấp dưỡng vì bản chất nghĩa vụ cấp dưỡng là một dạng thức nghĩa vụ nuôi dưỡng áp dụng cho người trực tiếp nuôi con. Ngoài ra, việc xác định thời điểm cấp dưỡng từ ngày xét xử sơ thẩm là không công bằng cho người mẹ vì giai đoạn trước thời điểm xét xử sơ thẩm người mẹ phải gánh vác trách nhiệm nuôi con một mình, việc Tòa xét xử sơ thẩm vào thời điểm nào không lệ thuộc vào ý chí của người mẹ và người cha có thể tìm cách trì hoãn ngày xét xử sơ thẩm để từ đó thoái thác trách nhiệm cấp dưỡng.
Như vậy, vấn đề xác định thời điểm cấp dưỡng từ khi nào trong trường hợp này thì hiện vẫn còn có quan điểm khác nhau. Mỗi quan điểm đều đưa ra lập luận và căn cứ riêng. Ngoài ra, bản án phúc thẩm này hiện nay đang được Tòa án nhân dân tối cao đưa ra để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị, cá nhân trong và ngoài hệ thống Tòa án để phát triển thành án lệ theo hướng “Tòa án phải xác định thời gian cấp dưỡng cho con chưa thành niên được tính kể từ ngày xét xử sơ thẩm” như đường lối của Bản án sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên (Dự thảo án lệ số 11/2022). Do đó, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc trong và ngoài hệ thống Tòa án./.
Nguồn: Tạp chí tòa án nhân dân điện tử.