Tranh cãi vụ tòa án huyện tổng hợp án tử hình
(VP5)- Theo Ls Hòa thì thẩm quyền xét xử không đúng.

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tòa huyện tổng hợp án tử hình, chấp nhận một phần kháng nghị của VKS cùng cấp, tuyên hủy phần tổng hợp hình phạt của TAND huyện Bình Chánh. Đồng thời HĐXX kiến nghị chánh án TAND tỉnh Kiên Giang tổng hợp hình phạt đối với bản án của TAND huyện Bình Chánh và TAND Cấp cao tại TP.HCM. Từ vụ án này đã phát sinh những tranh cãi pháp lý về thẩm quyền xét xử và tổng hợp hình phạt.

Chỉ sai phần tổng hợp hình phạt

Như đã phản ánh, ban đầu Phạm Tuất Linh bị TAND tỉnh Kiên Giang xử sơ thẩm tuyên tử hình về các tội giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản. Sau đó TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm và bản án có hiệu lực pháp luật. Nhưng trước đó Linh lấy trộm chiếc máy tính bảng trị giá 3,15 triệu đồng ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Ngày 23-4, TAND huyện Bình Chánh mở phiên tòa xét xử vắng mặt Linh về tội trộm cắp tài sản và tuyên phạt Linh một năm tù. Tòa cũng tổng hợp với bản án tử hình đã có hiệu lực, tòa buộc Linh phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.

Sau đó bản án này bị VKSND TP.HCM kháng nghị vì tuy bị cáo bị truy tố về một tội thuộc thẩm quyền xét xử của TAND huyện nhưng khi tòa này thụ lý vụ án thì bị cáo Linh đã bị phạt tử hình tại một bản án khác đã có hiệu lực. Theo Nghị quyết (NQ) 02/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (bổ sung một số hướng dẫn của NQ 01/2007 và NQ 02/2007) thì trường hợp này thẩm quyền truy tố, xét xử thuộc cấp TP. Lẽ ra TAND huyện phải báo cáo để TAND thành phố Hồ Chí Minh thống nhất với VKSND cùng cấp rút hồ sơ lên để truy tố, xét xử theo thẩm quyền.

Tòa phúc thẩm nhận định cơ quan tố tụng huyện truy tố, xét xử vụ trộm cắp là đúng thẩm quyền. tòa cấp huyện tổng hợp án tử hình, luật sư nguyễn thị hòa, văn phòng luật sư số 5 hà nội, luật sư tranh tụng hình sự, Nghị quyết số  02/2010/NQ-HĐTPTANDTC mà VKSND TP viện dẫn trong kháng nghị đã hết hiệu lực kể từ ngày 1-1-2018 (ngày mà BLHS 1999 và BLTTHS 2003 hết hiệu lực).

Về tổng hợp hình phạt, căn cứ Điều 55, Điều 56 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), Điều 268 BLTTHS 2015 thì TAND huyện đã vượt thẩm quyền. Điều 54 Luật Thi hành án (THA) hình sự quy định chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định THA. Nhưng trong trường hợp này hình phạt tổng hợp là án tử hình. Như vậy việc TAND huyện Bình Chánh tổng hợp hình phạt có mức án tử hình là vượt quá thẩm quyền. Từ đó tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm phần tổng hợp hình phạt của TAND huyện Bình Chánh.

Tranh cãi vụ tòa án huyện tổng hợp án tử hình - ảnh 1
Bị cáo Linh (phải) cùng đồng phạm tại phiên xử bị tuyên án tử hình. Ảnh: Internet

Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh xử sơ thẩm mới đúng?

Theo LS Nguyễn Thị Hòa – Văn phòng Luật sư số 5 Hà Nội, Luật Thi hành án hình sự quy định trường hợp này chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định THA tử hình với bị cáo Linh. Như vậy, sau khi bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM có hiệu lực thì chánh án TAND tỉnh Kiên Giang phải ra quyết định thi hành bản án tử hình.

Bên cạnh đó, khi bị cáo đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án đó thì tòa xử sau quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó tổng hợp hình phạt chung. Theo quy định này thì TAND huyện Bình Chánh xét xử sau phải tổng hợp hình phạt. Nhưng do Linh bị tuyên án tử hình nên tòa án cấp huyện không có quyền tổng hợp.

Vì thế Nghị quyết số  02/2010/NQ-HĐTPTANDTC mới quy định nếu gặp trường hợp này, tòa huyện phải báo cáo TAND TP để rút hồ sơ lên xử sơ thẩm rồi tổng hợp hình phạt. Vụ án này đúng ra từ đầu thẩm quyền xét xử sơ thẩm phải thuộc cơ quan tố tụng TP.HCM chứ không phải huyện Bình Chánh.

Mặt khác, HĐXX phúc thẩm áp dụng các quy định tại BLHS 2015 để nhận định về việc tổng hợp hình phạt là chưa chuẩn. Vì bị cáo Linh phạm tội trước khi BLHS 2015 có hiệu lực nên vẫn áp dụng các quy định về tổng hợp hình phạt của BLHS cũ và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của bộ luật này để xét xử và tổng hợp hình phạt. Chỉ khi nào BLHS 2015 quy định có lợi cho bị cáo thì mới áp dụng các quy định của BLHS 2015. Trong khi quy định về tổng hợp hình phạt tại Điều 56 BLHS 2015 không có thay đổi so với Điều 51 BLHS 1999. Bên cạnh đó, kháng nghị của VKSND thành phố Hồ Chí Minh về thẩm quyền truy tố, xét xử vụ trộm cắp là chính xác. Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng cấp thành phố phải là nơi giải quyết theo thủ tục sơ thẩm theo hướng dẫn tại Nghị quyết số  02/2010/NQ-HĐTPTANDTC.

Việc tòa cấp phúc thẩm nhận định Nghị quyết số  02/2010/NQ-HĐTPTANDTC đã hết hiệu lực là chưa thuyết phục vì khi chưa có hướng dẫn mới thì quy định cũ vẫn được áp dụng. Hơn nữa, phần quyết định của bản án, tòa phúc thẩm đều áp dụng BLHS cũ, không có phần nào áp dụng BLHS 2015 nên không thể lập luận Nghị quyết số  02/2010/NQ-HĐTPTANDTC đã hết hiệu lực.

Khó thi hành án?

Theo Luật sư, quyết định của tòa phúc thẩm của TAND thành phố Hồ Chí Minh vô tình gây khó cho việc ra quyết định THA với bị cáo Linh. Bởi theo Điều 364 BLTTHS 2015 thì bảy ngày kể từ ngày nhận bản án phúc thẩm, chánh án TAND huyện Bình Chánh phải ra quyết định THA với bản án do mình xử sơ thẩm.

Tuy nhiên, tòa phúc thẩm lại đề nghị tổng hợp hình phạt đối với bản án của TAND huyện Bình Chánh và TAND Cấp cao tại TP.HCM thì TAND huyện không thể ra quyết định THA. Còn nếu đề nghị TAND tỉnh Kiên Giang tổng hợp hình phạt trên thì cũng khó vì tòa tỉnh này không xử sơ thẩm vụ trộm nên không có quyền ra quyết định thi hành bản án phúc thẩm mà TAND TP.HCM vừa tuyên.

Ngoài ra, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào thay thế cho Nghị quyết số  02/2010/NQ-HĐTPTANDTC hướng dẫn trong trường hợp một người đang chấp hành bản án chung thân, tử hình mà lại bị xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng thì tòa nào có thẩm quyền xử và tổng hợp hình phạt.

Ls Nguyễn Thị Hòa – Văn phòng Luật sư số 5 Hà Nội