Theo chuyên gia, việc chủ tọa vội vàng chấp nhận đề nghị không công bố bản án trên cổng thông tin điện tử theo yêu cầu của ông Phan Văn Vĩnh là hiểu sai quy định.
Sáng nay, TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa trong vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ liên quan đến cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh. Điều đáng chú ý là sau khi bị cáo Vĩnh từ chối công bố bản án trên cổng thông tin điện tử, chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương đã khẳng định ngay: “Chỉ cần một người từ chối thì chúng tôi sẽ không công bố”.
Cụ thể: “Theo quy định của TAND Tối cao, đối với những bản án có hiệu lực pháp luật thì được công bố lên trang cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, các bị cáo có quyền được đề nghị từ chối việc công bố đó vì lý do cá nhân” – chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương cho biết và hỏi có bị cáo nào đề nghị từ chối công bố bản án lên cổng thông tin điện tử không.
Nghe vậy ông Vĩnh nói: “Kính thưa chủ tọa phiên tòa, kính thưa đại diện VKS, thưa quý vị, tôi là bị cáo Phan Văn Vĩnh, xin được từ chối quyền công bố bản án lên cổng thông tin”.
Ngay sau khi ông Vĩnh dứt lời, chủ tọa kết luận: “Chỉ cần một người từ chối thì chúng tôi không công bố rồi, nên khỏi hỏi các bị cáo khác để đỡ mất thời gian”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một thẩm phán thuộc TAND TP.HCM cho biết thẩm phán chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương đã hiểu sai về Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Bởi căn cứ theo Điều 4 của nghị quyết thì chỉ có những trường hợp sau đây mới không công bố bản án trên cổng thông tin điện tử của tòa án:
Thứ nhất: Bản án, quyết định về vụ việc được tòa án xét xử kín.
Thứ hai: Bản án, quyết định về vụ việc được tòa án xét xử, giải quyết công khai nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ hoặc chứa đựng những nội dung mà Nhà nước chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Có chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, có thể được sử dụng và tạo lợi thế trong kinh doanh mà trong quá trình tòa án xét xử, giải quyết vụ việc, người tham gia tố tụng đã có yêu cầu được giữ bí mật;
– Có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư;
– Có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;
– Có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa theo hướng dẫn tại Điều 7 của nghị quyết này.
Thứ ba: Bản án, quyết định của tòa án chưa có hiệu lực pháp luật.
Từ những căn cứ trên, vị thẩm phán thuộc TAND TP.HCM cho biết trong phần thủ tục, chủ tọa sẽ hỏi các bị cáo, đương sự… rằng sau khi tòa án đã tuyên thì có ý kiến gì về việc công bố bản án hay không.
Tuy nhiên, việc hỏi này không có nghĩa là tòa án sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của bị cáo. Nếu bị cáo hoặc những người liên quan trong vụ án không đồng ý thì họ phải giải thích rõ lý do cho HĐXX biết vì sao không đồng ý.
Dĩ nhiên những lý do đưa ra phải phù hợp với Điều 4 của nghị quyết, còn nếu lý do của các bị cáo, đương sự đưa ra không rơi vào trường hợp của Điều 4 trên thì tòa vẫn phải công bố bản án khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Do đó chủ tọa Hương vội vàng chấp nhận đề nghị của ông Vĩnh là chưa đúng với tinh thần của nghị quyết. Trên thực tế thường bị cáo (trong vụ án hình sự), người thua kiện (trong vụ án dân sự)… đều không muốn công bố bản án. Nếu chủ tọa chỉ dựa vào việc một trong các bên không đồng ý thì tòa không công bố bản án thì Nghị quyết 03 sẽ trở thành vô nghĩa.