Nguyễn Văn A đã tác động, đề nghị bố mẹ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả gián tiếp do hành vi trộm cắp của mình gây ra là đúng theo tinh thần của tình tiết giảm nhẹ theo điểm đ khoản 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP.
Qua nghiên cứu nội dung bài viết của tác giả Nguyễn Quốc Đoàn – Viện trưởng VKSND TP.Vĩnh Yên đăng trên tạp chí Kiemsat.vn ngày 05/9/2018 với nội dung bài viết “Áp dụng tình tiết giảm nhẹ nào với trường hợp trả lại giá trị tài sản trộm cắp?”, tôi có một số ý kiến trao đổi nhằm làm rõ vấn đề như sau:
Ảnh minh họa |
Thứ nhất, tôi đồng ý với tác giả Nguyễn Quốc Đoàn về việc Tòa án khi quyết định hình phạt đã căn cứ, áp dụng khoản 2, Điều 51 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) dựa trên nhận định việc bố mẹ Nguyễn Văn A hoàn trả số tiền 6.000.000 đồng cho anh B là nghĩa vụ hoàn trả tiền cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án là chưa chính xác.
Cụ thể, việc Tòa án xác định anh B là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đúng theo quy định của BLTTHS 2015. Tuy nhiên, ở đây cần hiểu rõ hơn về quy định “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.
Khoản 1 Điều 65 BLTTHS 2015 đã quy định “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự” do đó, có thể thấy về bản chất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà quyền lợi của các chủ thể này đã gián tiếp bị ảnh hưởng bởi hành vi phạm tội trong một vụ án hình sự (ở trường hợp này chính là việc anh B chấp nhận cầm cố xe máy của A mà không biết đó là tài sản trộm cắp và hậu quả thực tế là anh B đã mất số tiền 6.000.000 đồng bên cạnh đó phải có nghĩa vụ trả lại tài sản là chiếc xe máy cho chủ sở hữu đúng theo quy định của pháp luật). Vì vậy, việc bố mẹ Nguyễn Văn A hoàn trả số tiền trên, về bản chất chính là để bồi thường tổn thất, khắc phục hậu quả về mặt tài sản (tiền) mà A đã gây ra cho anh B một cách gián tiếp thông qua việc cầm cố chiếc xe máy mà mình trộm cắp có được.
Thứ hai, về tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì cần xác định rằng hậu quả ở đây cũng chính là hậu quả gián tiếp của hành vi phạm tội đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chứ không chỉ là hậu quả trực tiếp đối với người bị hại. Do đó, trong trường hợp trên, việc A tuy đã tiêu xài hết số tiền mình cầm cố tài sản trộm cắp mà có, nhưng đã tác động, đề nghị bố mẹ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả gián tiếp do hành vi phạm tội của mình gây ra đối với anh B là đúng theo tinh thần của tình tiết giảm nhẹ trên theo điểm đ khoản 1 NQ 01/2006/NQ-HĐTP (trong tóm tắt nội dung vụ án, tác giả không đề cập độ tuổi A khi thực hiện hành vi nên mặc định A đã thành niên). Vì vậy, việc áp dụng khoản 2, Điều 51 BLHS năm 2015 đối với A là chưa chính xác, mà phải áp dụng điểm b, khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015.
Nguyễn Đức Hà – VKSND thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định