Qua 2 lần xét xử, TAND TP Hồ Chí Minh đều trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì các bị cáo kêu oan và có nhiều tình tiết cần được làm rõ. Sau khi điều tra bổ sung, mặc dù chưa làm rõ được các chứng cứ buộc tội, ngày 02.3.2018, VKSNDTC vẫn ra kết luận với nội dung giữ nguyên quan điểm truy tố đối với Ông Nguyễn Nhật và Ông Nguyễn Công Hoàng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị quy buộc tội “Cố ý làm trái…”
Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng Công ty) là Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, có 16 chi nhánh hạch toán phụ thuộc, trong đó có Công ty Kinh doanh Tổng hợp Vinacafe Quy Nhơn (Vinacafe Quy Nhơn) và Trung tâm xuất nhập khẩu Vinacafe (Trung tâm XNK). Các chi nhánh này do Nhà nước sở hữu 100% vốn, hoạt động theo quy chế quản lý tài chính, kinh doanh và ủy quyền của Tổng Công ty.
Nội dung bản Cáo trạng số 21/VKSTC-V3 ngày 30.5.2017 của VKSNDTC cho rằng: Ngày 3.8.2010, Nguyễn Nhật (Giám đốc Vinacafe Quy Nhơn) và Nguyễn Công Hoàng (khi đó là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, kiêm Giám đốc Trung tâm XNK) đã ký Hợp đồng vay vốn số 01/10 TTXNK –VNQN (HĐ 01) với nội dung: Trung tâm XNK (bên A) vay của Vinacafe Quy Nhơn (bên B) vay số tiền 50 tỷ đồng, mục đích để thu mua cà phê, lãi suất vay 13%/ năm, sẽ được trả sau khi thanh lý HĐ; thời hạn vay theo kế hoạch thu mua và xuất khẩu cà phê của bên A. Thực hiện HĐ này, trong thời gian từ 03.8.2010 đến 12.11.2010 Trung tâm XNK Vinacafe đã gửi cho Vinacafe Quy Nhơn 9 giấy đề nghị chuyển tiền tổng giá trị 124 tỷ đồng và Vinacafe Quy Nhơn đã ký 21 ủy nhiệm chi chuyển cho Trung tâm tổng số tiền 116,8 tỷ đồng từ ngày 4.8.2010 đến 15.11.2010. Trung tâm đã chuyển trả nợ cho Vinacafe Quy Nhơn tổng cộng 19 lần với tổng số tiền 71,7 tỷ đồng tiền gốc, chưa trả lãi; còn nợ Vinacafe Quy Nhơn tiền gốc là 45 tỷ đồng. Tính đến thời điểm xét xử còn dư nợ gốc là 36.105.246.824 đồng, không có khả năng thu hồi. Việc 2 bị cáo Nguyễn Nhật và Nguyễn Công Hoàng ký HĐ 01 khi không có phương án vay vốn, không có văn bản báo cáo xin ý kiến TCT và không được TCT phê duyệt là trái với các quy định pháp luật, đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, qua quá trình giải quyết vụ án thể hiện hoạt động điều tra, truy tố của các Cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều bất cập, không phản ánh đúng sự thật khách quan, không xem xét đầy đủ các tình tiết và đặc biệt là quy chụp có sự thất thoát để để cố tình buộc tội các bị cáo.
…nhưng là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty!
Theo các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, quá trình thẩm vấn công khai tại các phiên tòa, cũng như thực tế khách quan thể hiện: Năm 2010, Tổng Công ty lâm vào hoàn cảnh thiếu vốn để kinh doanh trầm trọng, rất nhiều khoản nợ đang trong tình trạng nợ xấu Nhóm 3 và Nhóm 5, hiển hiện nguy cơ toàn bộ hệ thống Vinacafe sẽ không được các Ngân hàng cấp tín dụng. Hậu quả của tình trạng trên là mọi hoạt động kinh doanh của Tổng công ty sẽ bị ngưng trệ, thậm chí dừng hẳn vì không có vốn.
Trong khi đó, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được giao năm 2010, cụ thể là nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, Vinacafe Quy Nhơn cần phải có nguồn cung ngoại tệ trên 20,48 triệu USD. Trước tình hình khan hiếm ngoại tệ, các Ngân hàng thương mại không có nguồn ngoại tệ để bán hoặc cho vay, Vinacafe Quy Nhơn đứng trước viễn cảnh không thể hoàn thành được kế hoạch kinh doanh được giao, mặc dù đang sẵn có tiền đồng Việt Nam.
Với Trung tâm XNK, tình cảnh còn bi đát hơn khi không có vốn kinh doanh. Năm 2010, Trung tâm XNK chỉ được Tổng Công ty cấp số vốn tương đương khoảng 1,63% so với nhu cầu, nhiệm vụ được giao, trong khi Trung tâm XNK phải đảm nhận nhiệm vụ thu mua sản lượng lớn Cà phê để phục vụ xuất khẩu.
Nhiệm vụ trước mắt đặt ra là tìm biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết những khó khăn trong toàn hệ thống Vinacafe. Để có phương cách giải bài toán này, Tổng công ty, Vinacafe Quy Nhơn, Trung tâm XNK cùng các Công ty con liên quan đã có rất nhiều cuộc họp tìm phương án tối ưu nhằm giải quyết vấn đề tạo nguồn cung ngoại tệ ổn định để Vinacafe Quy Nhơn thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu phân bón, đồng thời đảm bảo nguồn vốn thường xuyên để Trung tâm XNK thực hiện nhiệm vụ thu mua cà phê và xuất khẩu. Và phương án được lựa chọn, đó là: Vinacafe Quy Nhơn ứng trước tiền VND cho Trung tâm XNK để đảm bảo có nguồn ngoại tệ; Trung tâm sử dụng tiền ứng trước để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Tổng Công ty đối với các khoản nợ quá hạn, đồng thời Trung tâm XNK có tiền thực hiện nhiệm vụ thu mua cà phê và xuất khẩu. Sau khi xuất khẩu, nguồn ngoại tệ thu được Trung tâm chuyển lại về cho Vinacafe Quy Nhơn thông qua Ngân hàng BIDV Bình Định.
Trong thời điểm đó thì đây là giải pháp tối ưu, duy nhất, phát huy được sức mạnh nội bộ để tháo gỡ khó khăn cho cả Tổng Công ty, Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm XNK. Và thực tế cũng đã chứng minh đây là một giải pháp đúng đắn. Trong năm 2010, Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm XNK đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trong năm mà Vinacafe Quy Nhơn đạt được là 28.441.568.348 đồng và lợi nhuận Trung tâm XNK đạt được là: 8.583.818.162 đồng. Cá nhân Ông Nguyễn Công Hoàng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ông Nguyễn Nhật được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3.
Trong toàn bộ quá trình tố tụng, các bị cáo đều cho rằng họ không tự ý thực hiện việc luân chuyển vốn, mà thực tế có sự chỉ đạo và đồng ý của Tổng Công ty. Và số tiền trên 36 tỷ đồng Trung tâm XNK chưa chuyển trả hết cho Vinacafe Quy Nhơn là do ông Nguyễn Công Hoàng đã dùng 21 tỷ đồng để trả nợ hộ Tổng công ty, giúp Tổng công ty thoát khỏi nợ xấu tại các ngân hàng, tạo điều kiện cho Tổng công ty có thể tiếp tục bảo lãnh vay vốn, giúp ổn định kinh doanh. Ngoài ra hồ sơ vụ án cho thấy, Vinacafe Đà Lạt (thời điểm 2010 cũng là đơn vị hạch toán phụ thuộc và hiện nay là doanh nghiệp mà Tổng Công ty có cổ phần chi phối) hiện còn nợ Trung tâm gần 17 tỷ đồng. Cam kết, kế hoạch trả nợ giữa Vinacafe Đà Lạt – Trung tâm XNK – Vinacafe Quy Nhơn đã được Tổng Công ty phê duyệt. Hiện nay Vinacafe Đà Lạt vẫn hoạt động kinh doanh bình thường và khoản nợ trên vẫn đang được tiếp tục thanh toán. Điều này có nghĩa dòng tiền của Nhà nước vẫn đang vận hành phục vụ các hoạt động sản xuất của Tổng Công ty, thậm chí tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty qua giai đoạn khủng hoảng chứ không hề thất thoát như Cáo trạng quy buộc.