Đeo kính đen và khẩu trang, cựu bộ trưởng Đinh La Thăng được đưa từ trại tạm giam ở Củ Chi đến toà sớm hơn một tiếng diễn ra phiên xét xử, sáng 14/12.
6h45, 6 xe bít bùng đưa ông Đinh La Thăng, 60 tuổi, và 19 bị cáo đến TAND TP HCM. Cựu bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) ngồi ở cabin xe đầu tiên.
Nguyên thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường; cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (49 tuổi, nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) ngồi ở xe tiếp theo. Vẻ mặt cả hai khá đăm chiêu.
An ninh phiên tòa được thắt chặt. Chỉ những người được triệu tập vào phòng xử án.
Phiên toà do Phó chánh toà Hình sự TAND TP HCM Huỳnh Văn Trực làm chủ toạ. HĐXX dự kiến làm việc cả thứ bảy, chủ nhật và đưa ra phán quyết ngày 25/12.
Trong đó, ông Thăng; Trường; Nguyễn Chí Thành (quyền vụ trưởng Tài chính, Bộ GTVT) và 4 người khác bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015, khung hình phạt 10-20 năm tù.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ và 12 người khác bị xét xử các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Có 6 luật sư bào chữa cho ông Thăng, gồm: Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Hồng Hà, Ngô Minh Hưng, Hoàng Văn Hướng, Hoàng Văn Doãn, Nguyễn Văn Tuý. Bảo vệ ông Trường là luật sư Nguyễn Đình Hưng, Chu Thị Trang Vân.
8h25, phiên tòa khai mạc muộn hơn dự kiến. Ông Thăng và các bị cáo được dẫn vào phòng xử án. Cựu bộ trưởng GTVT có ít phút trao đổi riêng với luật sư.
Là người đầu tiên bị thẩm tra lý lịch, ông Thăng giọng rành rọt, cho biết văn hóa 10/10, nghề đầu tiên khi ra trường là kế toán, sau đó chuyển sang các cấp quản lý. Bị cáo tự nhận có 2 tiền án tương ứng với 2 lần xét xử trước đây. Tuy nhiên, chủ tọa giải thích, hành vi phạm tội trong vụ án này xảy ra trước những lần xét xử đó nên không xem là tiền án, mà được liệt kê vào phần nhân thân.
Còn bị cáo Đinh Ngọc Hệ khẳng định không có tên khác. Tên Út “Trọc” ở các bản án trước là không đúng.
Dự án cao tốc TP HCM – Trung Lương là dự án cao tốc đầu tiên tại miền Nam, được Thủ tướng phê duyệt năm 2004, chủ đầu tư là Bộ GTVT với số vốn gần 10.000 tỷ đồng. Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Công ty Cửu Long, Bộ GTVT) quản lý. Năm 2010, tuyến cao tốc hoạt động nhưng hai năm sau mới chính thức thu phí.
Cáo trạng dài 94 trang thể hiện, tháng 2/2012, ông Thăng với vai trò Bộ trưởng GTVT đã chỉ đạo Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long) “tạo điều kiện” cho Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ (đang kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua được quyền thu phí.
Kết quả điều tra xác định, Hệ đã nhiều lần nhờ ông Thăng tác động Dương Tuấn Minh. Do các công ty không có khả năng tài chính, kinh doanh thua lỗ, nên Hệ chỉ đạo cấp dưới làm báo cáo tài chính khống thành có lãi để làm hồ sơ đấu giá, trúng thầu. Quá trình thu phí, ông này chỉ đạo Công ty Yên Khánh mua phần mềm khác thay thế phần mềm thu phí của Bộ GTVT để che giấu doanh thu, chiếm đoạt tiền thu phí của nhà nước.
Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Thăng đã “phớt lờ” các quy định về quản lý tài sản nhà nước và chuyển giao quyền thu phí. Sai phạm của cựu bộ trưởng và các cấp dưới đã giúp Hệ chiếm đoạt 725 tỷ đồng.
Ngoài vụ án này, Đinh Ngọc Hệ đang phải thi hành 30 năm tù (mức cao nhất của hình phạt có thời hạn) cho hai bản án của Tòa án quân sự Trung ương và Tòa án Quân chủng Hải quân Bộ Quốc phòng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Thăng cũng đang mang án 30 năm tù, nhưng về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng.
Theo vnexpress