Ba bộ phủ nhận trách nhiệm quản lý thẻ nạp tiền trong game bài Rikvip

Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước trả lời tòa rằng việc quản lý không thuộc phạm vi của mình.

Sáng 17/11, HĐXX thông báo trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ có công văn yêu cầu Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Công thương trả lời một số vấn đề, trong đó có nội dung luật sư yêu cầu. Với đề nghị triệu tập ba nhà mạng: Vietel, Vinaphone, MobiFone, HĐXX cho hay, ba nhà mạng có đơn xin xét xử vắng mặt và trả lời bằng văn bản.

Cáo trạng xác định các nhà mạng viễn thông đã nhận lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng từ đường dây đánh bạc này.

Bộ nào quản lý thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông?

Sáng 17/11, VKS công bố các văn bản trả lời của Bộ Thông tin truyền thông, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước trên màn hình lớn. Theo đó, Bộ Thông tin truyền thông nhận là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về viễn thông, trong đó có thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông.

VKS công bố văn bản trả lời trong sáng 17/11.

VKS công bố văn bản trả lời trong sáng 17/11.

Bộ khẳng định thẻ cào game do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng tự phát hành và quản lý nhằm mục đích thanh toán cho các dịch vụ của chính doanh nghiệp này. Việc phát hành thẻ game không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay trong danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

“Cờ bạc bị cấm theo quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, bất kỳ hành vi nào có sử dụng các loại thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông, thẻ game để phục vụ cho mục đích vi phạm pháp luật đều là hành vi bị cấm”, văn bản của Bộ Thông tin Truyền thông nhấn mạnh.

Bộ còn gửi một công văn khác khẳng định: Loại hình game online trong đó có RikVip/Tip.Club không phải là dịch vụ viễn thông. Đây là game chưa được Bộ thẩm định, cấp phép hoạt động, do vậy việc kinh doanh game này là sai quy định.

Theo Bộ Thông tin Truyền thông, việc cho phép sử dụng thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông để thanh toán cho dịch vụ game bài RikVip/Tip.Club thuộc phạm vi của các bộ, ngành khác như Ngân hàng nhà nước, Bộ Công Thương.

Ngay sau đó, VKS công bố văn bản trả lời của Bộ Công thương. Theo đó, Bộ Công Thương lại khẳng định việc cung cấp phạm vi sử dụng, thẩm quyền cấp phép và trách nhiệm quản lý đối với các thẻ cào viễn thông, thẻ game là “lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Thông tin truyền thông”.

Ngân hàng Nhà nước cũng có công văn cho rằng, không có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lý nhà nước với các loại thẻ cào viễn thông, thẻ game mà chỉ quản lý thẻ ngân hàng.

Về thẻ Vcard và các loại thẻ viễn thông, Ngân hàng Nhà nước cho hay, hiện nay Bộ Thông tin truyền thông đã giao cho Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử nghiên cứu biện pháp quản lý việc sử dụng thẻ cào điện thoại, thẻ game cho thanh toán điện tử đối với các nội dung số và game online, nhằm mục đích hạn chế dùng thẻ cào thanh toán các dịch vụ không hợp pháp của Việt Nam. Do đó, cơ quan này đề nghị cơ quan điều tra “tham khảo thêm ý kiến của Bộ Thông tin truyền thông”.

Nhân viên tin tưởng CNC là công ty nghiệp vụ của công an

Trong lúc HĐXX xét hỏi nhóm bị cáo liên quan tới công ty CNC, Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐQT CNC) bị đưa vào phòng cách ly. Tòa dành phần lớn thời gian buổi sáng xét hỏi bị cáo Phạm Tuấn Anh, cựu trưởng phòng kỹ thuật vận hành Trung tâm thanh toán – Công ty CNC.

Nguyễn Văn Dương bị HĐXX cách ly

Theo nhà chức trách, Phạm Tuấn Anh giúp Nguyễn Văn Dương xây dựng, vận hành trái phép cổng thanh toán paygate247 phục vụ cho việc tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.Club; tham gia kết nối, đối soát doanh thu tổ chức đánh bạc.

Tuấn Anh được chia hơn 18 tỷ đồng. Hành vi của Phạm Tuấn Anh bị cho rằng đủ yếu tố cấu thành tội phạm Tổ chức đánh bạc theo điều 249, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Trước bục khai báo, Tuấn Anh khai được mời về CNC làm việc từ tháng 6/2015 với vai trò lập trình viên, tiếp nhận cổng gạch thẻ và vận hành cổng gạch thẻ cho công ty CNC.

Khi vào làm ở CNC, bị cáo được cho biết đây là “công ty nghiệp vụ của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”. Địa chỉ 10 Hồ Giám nơi Tuấn Anh làm việc là một trong những trụ sở của Tổng cục Cảnh sát. “CNC cũng hay giao lưu với Bộ Công an nên bị cáo càng tin tưởng”.

Bị cáo Phạm Tuấn Anh.

Bị cáo Phạm Tuấn Anh.

Tuấn Anh khai, được sếp Dương nói công ty đang “nghiên cứu về tội phạm mạng”, và được cấp phép làm game thử nghiệm. Điều này còn được Dương công bố trong một lần đi teambuilding. Dương quán triệt các nhân viên phải giữ bí mật.

“Bị cáo hiểu thế nào về game Rikvip?”, chủ tọa hỏi. Tuấn Anh giải thích: Lúc đầu vào làm kỹ thuật, bị cáo chơi game không nhiều, nhưng sau đó thấy quảng cáo liên tục ở nhiều nơi nên biết đó là game đánh bạc. Tuy nhiên, Tuấn Anh nghĩ “CNC công ty của ngành công an nên tin tưởng không có chuyện vi phạm pháp luật”.

Tuấn Anh nói đồng ý với cáo trạng truy tố, không thấy oan sai.

Trước câu hỏi của luật sư: Bị cáo đánh giá việc các nhà mạng đã quản lý thẻ cào chặt chẽ đã chưa? Tuấn Anh đáp: “Nếu chặt chẽ thì giờ bị cáo đã không ngồi ở đây”.

Cựu tổng giám đốc CNC khai chúc tết C50 với 600 triệu đồng

Là bị cáo trả lời thẩm vấn cuối cùng trong buổi sáng, Lưu Thị Hồng (cựu tổng giám đốc công ty CNC) khai làm ở CNC từ cuối năm 2011, sau gần 5 năm làm việc ở VTC, là bạn bè với Dương.

Theo cáo trạng, thực hiện sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương, bà Hồng ký các hợp đồng hợp tác phát hành game bài Rikvip, thuê tên miền, đăng ký dịch vụ tin nhắn thương hiệu và tham gia ký đối soát doanh thu tổ chức đánh bạc trong 4 tháng. Bà không được ăn chia, hưởng lợi nguồn thu do đánh bạc mà có.

Trong thời gian được Tổng cục trưởng Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho Công ty CNC tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng game bài Rikvip/Tip.Club, theo chỉ đạo của Dương, bà Hồng đưa 600 triệu đồng đi chúc Tết tại C50. Cụ thể, năm 2015 là 100 triệu, năm  2016 là 500 triệu.

Ở vụ án này, bà Hồng bị truy tố tội Tổ chức đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức.

Bị cáo Hồng khai trong sáng 17/11.

Bị cáo Hồng khai trong sáng 17/11.

Trả lời chủ tọa, bà Hồng khai ban đầu không góp vốn vào CNC, sau đó góp 700 tỷ đồng theo lộ trình. Có những lúc CNC cần có tiền, bị cáo nộp vào để công ty chi trả.

Bà Hồng khai ký hợp đồng với VTC Online về dịch vụ game bài trực tuyến trên cơ sở chỉ đạo của Dương chứ bà khi đó không quản lý hoạt động kinh doanh game nên không soạn thảo hợp đồng, không tham gia.

“Khi ký, bị cáo có đọc nội dung hợp đồng không?”, chủ tọa hỏi. Bà Hồng khai khi Nguyễn Quốc Tuấn đưa hợp đồng có nói về nội dung nhưng do nhận thức hạn chế về game bài, lại tin tưởng hoàn toàn nhân viên, chủ tịch công ty nên bà ký.

Với việc đối soát sản lượng của đường dây đánh bạc, bà Hồng khai tin tưởng nhân viên dưới quyền, tin tưởng Dương, tin tưởng Nam “vì thời điểm đó Nam là người xuất sắc”.

Bị cáo Lưu Thị Hồng

Trước lời khai của bà Hồng, luật sư bào chữa cho cựu cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa đặt câu hỏi: “CNC tự nguyện chúc tết C50 hay bị ép buộc?”. Bà Hồng khẳng định “không ai ép buộc”.

11h, phiên làm việc buổi sáng tạm dừng. Chủ tọa cho hay luật sư của ông Vĩnh, Hóa có đơn đề nghị cho thân chủ hàng ngày vào phòng y tế uống thuốc, đo huyết áp. HĐXX đáp ứng đề nghị này.

Theo Báo điện tử Vnexpress

XEM THÊM