Xác định tư cách đương sự trong vụ án tranh chấp nhà thờ họ

Thực tiễn công tác xét xử trong thời gian gian qua cho thấy, việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản chung của dòng họ là loại vụ án phức tạp. Trong các vụ án tranh chấp liên quan đến tài sản chung của dòng họ không chỉ phức tạp vì số lượng đương sự nhiều, tài liệu, chứng cứ chứng minh sở hữu không rõ ràng mà còn có khó khăn do thiếu quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa
                                                 Ảnh minh họa

Trong các vụ án tranh chấp liên quan đến tài sản chung của dòng họ không chỉ phức tạp vì số lượng đương sự nhiều, tài liệu, chứng cứ chứng minh sở hữu không rõ ràng mà còn có khó khăn do thiếu quy định của pháp luật. Cụ thể là Bộ luật Dân sự (BLDS) và Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định về “tư cách chủ thể”, “đại diện của dòng họ” và “tư cách đương sự của dòng họ” khi tham gia quan hệ dân sự và tham gia tố tụng trong vụ án dân sự; bên cạnh đó, một số quy định khác liên quan đến dòng họ cũng không được quy định một cách cụ thể, rõ ràng.

Vì vậy, thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự về tranh chấp nhà thờ họ, đất có nhà thờ họ (đất tín ngưỡng) trong thời gian qua, việc xác định tư cách đương sự trong vụ án (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) ở các Tòa án, các địa phương chưa có sự thống nhất, còn có các quan điểm khác nhau. Cụ thể như sau:

– Quan điểm thứ nhất cho rằng: Chỉ cần đa số các thành viên dòng họ đó ủy quyền cho một hoặc một số người là đã bảo đảm tư cách của đương sự.

– Quan điểm thứ hai cho rằng: Do quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà thờ họ là tài sản chung của cộng đồng dòng họ nên mọi việc liên quan đến quản lý, sử dụng nhà thờ họ phải thể hiện sự nhất trí chung của cả họ và chỉ có cộng đồng dòng họ mới có quyền đòi người đang quản lý phải trả lại nhà thờ họ nên việc khởi kiện phải thể hiện ý chí chung của cả dòng họ.

– Quan điểm thứ ba cho rằng: Trưởng họ đương nhiên đại diện cho dòng họ.

Về vấn đề quyền khởi kiện và xác định tư cách đương sự đối với các tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản của dòng họ tác giả có một số ý kiến như sau:

Theo các quy định của BLDS 2015 thì trong quan hệ dân sự chỉ có 2 loại chủ thể: (1) cá nhân và (2) pháp nhân. Vì vậy, quan điểm thứ ba cho rằng trưởng họ đương nhiên là đại diện hợp pháp cho dòng họ hay người được trưởng họ ủy quyền tham gia tố tụng là không phù hợp với quy định của BLDS 2015. Tuy nhiên, nếu bắt buộc tất cả những người trong dòng họ ủy quyền cho một hoặc một số người đại diện thì người đại diện mới có tư cách đương sự trong vụ án như quan điểm thứ hai cũng là thiếu tính khả thi, rất khó có thể thực hiện được, bởi vì có những dòng họ rất lớn, có nhiều người sinh sống ở các tỉnh, thành phố khác nhau, thậm chí có cả người đang ở nước ngoài.

Như vậy, quan điểm thứ nhất chỉ cần đa số các thành viên dòng họ đó ủy quyền cho một hoặc một số người là đã bảo đảm tư cách của đương sự dường như là phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta. Tuy nhiên, làm như thế nào để xác định “đa số các thành viên dòng họ” cũng là vấn đề hết sức khó khăn vì rất khó có thể xác định dòng họ đó có bao nhiêu thành viên. Trường hợp tranh chấp giữa dòng họ và chi của dòng họ thì xác định đại diện dòng họ và đại diện chi như thế nào?

Qua nghiên cứu, tác giả thấy Điều 5 BLDS 2015 quy định:

“Điều 5. Áp dụng tập quán

Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.

Như vậy, theo quy định tại Điều 5 BLDS 2015 sẽ có các trường hợp sau:

(1) Trường hợp dòng họ có tập quán, quy ước, gia phả… để xác định ai là trưởng dòng họ tại thời điểm giải quyết tranh chấp và quyền, nghĩa vụ của trưởng dòng họ (trong đó có xác định quyền, nghĩa vụ đại diện cho dòng họ để xác lập các quan hệ dân sự) thì căn cứ tập quán, quy ước, gia phả đó, trưởng dòng họ sẽ đại diện cho dòng họ tham gia tố tụng tụng dân sự;

(2) Trường hợp dòng họ có tập quán, quy ước, gia phả… tại thời điểm giải quyết tranh chấp xác định ai là trưởng dòng họ, trưởng các chi của dòng họ thì trưởng dòng họ là người được trưởng các chi của dòng họ đó ủy quyền tham gia tố tụng sẽ là người đại diện cho dòng họ tham gia tố tụng.

Trường hợp trưởng chi của dòng họ hoặc thành viên của chi có tranh chấp với dòng họ thì không cần phải có ủy quyền của trưởng chi đó.

(3) Trường hợp dòng họ đó không có tập quán, quy ước hay gia phả… để xác định ai là trưởng dòng họ tại thời điểm giải quyết tranh chấp tác giả có quan điểm như sau:

Khoản 3 Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;”.

Khoản 3 Điều 7 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “3. Người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra đối với việc sử dụng đất đã giao, công nhận cho cộng đồng dân cư”.

Điều 160 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “1. Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.

Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Việc xây dựng, mở rộng các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Điều 211 BLDS 2015 quy định: “1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.

Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.”

Theo các quy định nêu trên thì đất có nhà thờ họ là đất tín ngưỡng. Nhà thờ họ và đất tín ngưỡng là tài sản chung của dòng họ. Nhà thờ họ, đất tín ngưỡng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng; tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.

Do đó, trong trường hợp này, theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 68[1] Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì khi có một người hay một số người là thành viên dòng họ khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của dòng họ Tòa án cũng phải thụ lý vụ án để giải quyết, các chủ thể còn lại của dòng họ sẽ được đưa vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trên đây là quan điểm của tác giả, tuy nhiên, vấn đề này rất phức tạp và còn có nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy, tác giả kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn đối với tranh chấp liên quan đến nhà thờ họ, đất của dòng họ để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

[1] Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự

Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.

Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”

Theo Tạp chí điện tử Tòa án

XEM THÊM