1. Thực tiễn áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cho thấy, nhiều trường hợp người đang bị tố giác, kiến nghị khởi tố hoặc bị can, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài gây khó khăn cho hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, do biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mới chỉ được pháp luật hành chính quy định nên việc áp dụng trong tố tụng hình sự gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều trường hợp không phải là đối tượng bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, nhưng có liên quan đến vụ án vẫn bị cơ quan chức năng đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Cá biệt có trường hợp khi đương sự làm thủ tục xuất cảnh bị ngăn chặn nhưng không có tài liệu chứng minh cơ quan chức năng đề nghị cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh tạm hoãn việc xuất cảnh.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung một điều quy định mới về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng. Biện pháp ngăn chặn này không chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo mà còn áp dụng đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đang trong quá trình cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh. Biện pháp ngăn chặn này chủ yếu hướng tới áp dụng đối với người bị tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, họ chưa bị ràng buộc nhiều về trách nhiệm nên chưa có chế tài ngăn chặn việc họ bỏ trốn. Tuy nhiên, để tránh việc lạm dụng áp dụng biện pháp này đối với người bị tình nghi, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Bị can, bị cáo cũng có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh nếu có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn. Thực tế cho thấy, biện pháp này thường chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo có quốc tịch nước ngoài, đối với bị can, bị cáo là công dân Việt Nam nếu thấy cần thiết, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
2. Về thẩm quyền áp dụng: Những người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
3. Về thời hạn tạm hoãn xuất cảnh: Không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.