Biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú

1.Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, có nhân thân tốt, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này, bị can, bị cáo chỉ được đi khỏi nơi cư trú nếu được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội quản lý họ và sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý vụ án. Nơi cư trú ở đây được hiểu là địa bàn phường, xã, thị trấn hoặc huyện đảo (nơi không có địa giới hành chính cấp xã) hoặc doanh trại quân đội nếu người đó ở doanh trại thuộc sự quản lý của quân đội. Tuy nhiên, việc xác định địa bàn nơi cư trú chỉ mang tính tương đối, trong nhiều trường hợp, bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng vẫn làm việc, phải di chuyển đến nơi làm việc có thể không cùng địa bàn cư trú, đặc biệt với các địa bàn thành phố, việc di chuyển để làm việc giữa các địa bàn cấp quận là phổ biến. Vì vậy, khi áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, cơ quan có thẩm quyền cũng phải linh động trong áp dụng, hướng đến mục đích nhằm bảo đảm bị can, bị cáo không bỏ trốn hoặc phát hiện kịp thời nếu bỏ trốn để truy nã.

Thông thường, trong các vụ án hình sự, sau khi khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra sẽ áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn nhằm bảo đảm thuận lợi cho việc giải quyết vụ án, ngăn chặn hoặc kịp thời phát hiện nếu bị can, bị cáo bỏ trốn. Nếu xác định không có căn cứ hoặc thấy không cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo có thể áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

2. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, Điều 123 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ngoài việc tiếp tục quy định biện pháp này chỉ có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, còn sửa đổi, bổ sung một số quy định sau đây:

– Bị can, bị cáo phải có lý lịch rõ ràng.

– Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:
+ Không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép;

+ Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;

+ Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;

+ Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì bị tạm giam.

Với các quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, minh bạch trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này, hạn chế việc lạm dụng áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam.

3. Về thẩm quyền áp dụng: Ngoài những người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt tạm giam bị can, bị cáo để tạm giam gồm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp (trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành); Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử (Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa), Đồn trưởng Đồn biên phòng có quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Như vậy, trong số các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền khởi tố bị can thì chỉ có Đồn trưởng Đồn biên phòng có thẩm quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Còn đối với các cơ quan còn lại không có thẩm quyền này, khi khởi tố bị can không được áp dụng biện pháp ngăn chặn.

4. Về thời hạn áp dụng: Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.

5. Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải được thông báo cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo phải báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú biết để xử lý theo thẩm quyền.

Thực tế áp dụng thì cơ quan ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú không chỉ thông báo cho các cơ quan nêu trên mà còn thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để ngăn chặn bị can, bị cáo trốn ra nước ngoài.

XEM THÊM