Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm

Chế độ hai cấp xét xử luôn là một nguyên tắc rất cơ bản của tố tụng dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy việc xét xử không chỉ dừng lại ở việc xét xử sơ thẩm và phúc thẩm mà việc xem xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cũng chiếm tỷ lệ khá nhiều trong tổng số các vụ việc dân sự.

Ảnh Luật sư Nguyễn Bích Lan
                               Ảnh Luật sư Nguyễn Bích Lan

Nói như thế cũng không có nghĩa là ở nước ta có nhiều cấp xét xử. Thực tế thì vẫn là chế độ hai cấp xét xử như BLTTDS 2004 đã nêu. BLTTDS 2015 chỉ chỉnh sửa lại, thay thế “thực hiện chế độ hai cấp xét xử” bằng “bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm”. Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm là một nguyên tắc thể hiện bản chất dân chủ, theo đó khẳng định, tố tụng dân sự Việt Nam luôn luôn tạo điều kiện tố tụng cho những người có quyền kháng nghị và kháng cáo trong thời hạn luật định để yêu cầu xét xử lại bản án, quyết định sơ thẩm. Bản án, quyết định sơ thẩm chưa phát sinh hiệu lực pháp luật thì có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo luật định, nhưng đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì phát sinh hiệu lực pháp luật. Bảo đảm chế độ xét xử cấp sơ thẩm, phúc thẩm còn có ý nghĩa là khi một bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có kháng cáo, kháng nghị hợp lệ thì buộc Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa để xem xét, giải quyết. Việc bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm là nhằm: (i) Bảo đảm quyền của đương sự và những người có quyền kháng cáo, kháng nghị khác theo trình tự phúc thẩm; (ii) Bảo đảm tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định đã bị kháng cáo, kháng nghị phải được xem xét theo trình tự phúc thẩm; (iii) Bảo đảm các bản án khong có căn cứ pháp luật và không đúng pháp luật sẽ không được đưa ra thi hành trong thực tế; (iv) Thực hiện việc giám sát của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới; (v) Bảo đảm cơ chế để Tòa án thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…Khác với việc khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, trong thời hạn luật định, đương sự có quyền yêu cầu xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhưng việc kháng nghị hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc có căn cứ để kháng nghị hay không. Trên cơ sở đó thì những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *