Cấp dưỡng nuôi con tính từ thời điểm nào?

Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định về thời điểm chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 114 mà không quy định thời điểm vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi vợ chồng ly hôn là từ lúc nào. Vì vậy, vấn đề đặt ra là khi giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con chung thì Tòa án có ghi thời điểm buộc người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng nuôi con vào quyết định, bản án của Tòa án hay không. Nếu có thì thời điểm cấp dưỡng nuôi con tính từ lúc nào. Vấn đề này hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên thực tiễn có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất: cho rằng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ có quy định về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng nuôi con do vợ chồng thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì pháp luật không có quy định thời điểm vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn từ lúc nào nên Tòa án không cần phải ghi thời điểm vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con vào quyết định, bản án của Tòa án. Cho nên thời điểm cấp dưỡng nuôi con được tính từ ngày vợ hoặc chồng gửi đơn yêu cầu thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự để yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả, cho rằng mặc dù chưa có quy định cụ thể trường hợp vợ chồng ly hôn có tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con thì thời điểm cấp dưỡng nuôi con được tính từ lúc nào, tuy nhiên, Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”. BLTTDS năm 2015 cũng có một số quy định như sau:

Điều 482. Những bản án, quyết định của Tòa án được thi hành

… 2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị: a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công…

 Điều 483. Ghi nhận và giải thích về quyền yêu cầu thi hành án dân sự 

Trường hợp trong bản án, quyết định của Tòa án có quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 482 của Bộ luật này thì trong phần quyết định của bản án, quyết định của Tòa án phải ghi rõ nội dung về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án. 

Khi ra bản án, quyết định, Tòa án phải giải thích rõ cho đương sự biết về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

Điều 485. Thời hạn chuyển giao bản án, quyết định

… 2. Tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại điểm a khoản 2 Điều 482 của Bộ luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định.” 

Căn cứ các quy định trên, theo quan điểm tác giả là khi ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự hoặc ra bản án thì Tòa án cần thiết phải ghi rõ thời điểm cấp dưỡng nuôi con. Thời điểm cấp dưỡng nuôi con tính từ ngày Tòa án lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành hoặc tính từ ngày tuyên án. Cách tính thời điểm như trên sẽ đảm bảo quyền lợi của con hơn là tính từ ngày bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc tính từ ngày gửi đơn yêu cầu thi hành án như quan điểm thứ nhất.

Tác giả rất mong bạn đọc cùng thảo luận trao đổi để nhận thức và áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.

Theo Báo điện tử tạp chí tòa án.

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *