Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về cơ quan, người tiến hành tố tụng tương ứng với các giai đoạn tố tụng khác nhau. Các cơ quan này có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng nhưng có quan hệ chặt chẽ, thống nhất với nhau, cùng thực hiện chung nhiệm vụ của tố tụng hình sự. Đó là bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội… Các cơ quan này hoạt động trên nguyên tắc có sự phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau, thể hiện trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
-
Về cơ quan tiến hành tố tụng:
Cơ quan tiến hành tố tụng gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
- Hệ thống cơ quan điều tra gồm:
- Cơ quan điều tra của Công an nhân dân gồm: Cơ quan an ninh điều tra (được tổ chức ở hai cấp: cấp bộ, cấp tỉnh), Cơ quan Cảnh sát điều tra (được tổ chức ở ba cấp: cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện);
- Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân gồm: Cơ quan An ninh điều tra (được tổ chức ở hai cấp: cấp bộ, cấp quân khu và tương đương), Cơ quan điều tra hình sự (được tổ chức ở ba cấp: cấp bộ, cấp quân khu và tương đương, cấp khu vực);
- Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
- Hệ thống Viện kiểm sát bao gồm:
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
- Viện kiểm sát quân sự các cấp.
So vơi Bộ luật tố tụng hình sự 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung Viện kiểm sát nhân dân cấp cao trong hệ thống Viện kiểm sát, với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp cao.
- Hệ thống Tòa án gồm:
- Tòa án nhân dân tối cao.
- Tòa án nhân dân cấp cao.
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
- Tòa án quân sự.
So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung Tòa án nhân dân cấp cao trong hệ thống Tòa án, có chức năng xét xử đối với các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp cao.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định người tiến hành tố tụng gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cho thấy, ở Cơ quan điều tra, để được bổ nhiệm Điều tra viên phải có thời gian làm công tác pháp luật nhất định (4 năm) và có khả năng làm công tác điều tra hình sự. Vì vậy, cần bố trí cán bộ giúp việc cho Điều tra viên ở Cơ quan điều tra để họ có quá trình tiếp xúc, thực hiện các yêu cầu công việc trong quá trình điều tra để học việc nhằm tạo nguồn bổ nhiệm Điều tra viên, đặc biệt là đối với một số hoạt động điều tra đơn giản như lấy lý lịch bị can, chụp ảnh bị can, lập danh bản, chỉ bản, lập hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, hồ sơ vụ án… không cần thiết phải do Điều tra viên thực hiện. Thực tiễn đã cho thấy, Cán bộ điều tra ở các cơ quan điều tra đã có những đóng góp quan trọng, giúp Điều tra viên giải quyết các vụ án được nhanh chóng, thuận lợi. Tương tự, như với Kiểm tra viên ở Viện kiểm sát là người giúp Kiểm sát viên thực hiện một số hoạt động tố tụng và Thẩm tra viên ở Tòa giúp Thẩm phán thực hiện một số hoạt động tố tụng. Để bảo đảm phù hợp với hoạt động tố tụng hình sự, khoản 2 Điều 34 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung ngời tiến hành tố tụng gồm: Cán bộ điều tra, kiểm tra viên, Thẩm tra viên; theo đó, người tiến hành tố tụng gồm:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra. Điều tra viên gồm có các ngạch: Điều tra viên cao cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên sơ cấp. Đối với cán bộ điều tra cần lưu ý phân biệt giữa Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra là một chức danh tố tụng, có tiêu chuẩn, được bổ nhiệm theo quy định với cán bộ điều tra thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoạt động kiêm nhiệm, được phân công giúp Thủ trưởng cơ quan tiến hành một số hoạt động và chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ điều tra cho đến khi kết thúc nhiệm vụ.
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên. Kiểm sát viên gồm có các ngạch: Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp. Kiểm tra viên gồm có các ngạch: Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên.
- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên. Thẩm phán gồm có các ngạch: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán cáo cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp. Thư ký Tòa án gồm có các ngạch: Thư ký viên cao cấp, Thư ký viên chính, Thư ký viên. Thẩm tra viên có các ngạch: Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên.