Điểm mới về công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự được quy định từ Điều 469 đến Điều 483 Chương XXXIII BLTTHS năm 2015. Theo đó, VKSND có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo từ khi Cơ quan điều tra tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến khi có bản án, quyết định của Tòa án.

Ảnh Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội
                                Ảnh Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

Về giải quyết khiếu nại
Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, cán bộ điều tra, Phó Thủ trường và Thủ trưởng Cơ quan điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định tại Điều 475 BLTTHS năm 2015 do được gộp từ Điều 329 và Điều 332 BLTTHS năm 2003.

Trước đây, theo Điều 332 BLTTHS năm 2003 thì: “Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp…”.

Khoản 2 Điều 475 BLTTHS năm 2015 quy định: “Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt tạm giữ do cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của cấp trưởng thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát phải xem xét giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát là quyết định có hiệu lực pháp luật…”. Đây là điểm mới cần chú ý bởi lẽ người có thẩm quyền và cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với khiếu nại lần đầu của người khiếu nại đều có sự thay đổi so với quy định của BLTTHS năm 2003.

Về nguyên tắc phải xác định chỉ người đứng đầu cơ quan hoặc đơn vị mới có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, theo quy định tại các khoản 1,2,3 Điều 36 BLTTHS năm 2015 thì trong trường hợp được phân công tiến hành tố tụng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng không được giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hành vi, quyết định của chính mình.

Về đối tượng bị khiếu nại: Theo quy dịnh tại Điều 475, 476, 477 BLTTHS năm 2015 bổ sung thêm đối tượng bị khiếu nại ngoài Điều tra viên, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng Cơ quan điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện kiểm sát; Thẩm phán, Phó Chánh án và Chánh án Tòa án như BLTTHS năm 2003, còn có cán bộ điều tra; Kiểm tra viên và Thẩm tra viên.

Khiếu nại đối với cáo trạng hoặc quyết định truy tố: Việc khiếu nại đối với cáo trạng hoặc quyết định truy tố được giải quyết theo chương XXXV về khiếu nại, tố cáo trong BLTTHS năm 2003. Nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 469 BLTTHS năm 2015 quy định: “Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này”. Như vậy, theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì việc giải quyết khiếu nại cáo trạng và quyết định truy tố không được giải quyết theo quy định tại Chương XXXIII về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự mà giải quyết theo quy định của các chương tương ứng nêu trên. Khi nhận được loại đơn khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố thì chuyển đơn đến bộ phận hoặc đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra để xem xét.

Thời hạn để người khiếu nại, khiếu nại quyết định hoặc hành vi của người tiến hành tố tụng; Cơ quan có thẩm quyền giải quyết, theo BLTTHS năm 2015 cũng có sự thay đổi: Đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng, Thủ trưởng cơ quan điều tra; Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện kiểm sát; Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án và Chánh án Tòa án, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng VKS cùng cấp, Chánh án tòa án giải quyết thì trong thời hạn 03 ngày (trước đây là 7 ngày) kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp theo.

Đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát; quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án được quy định tại các Điều 474, 475, 476, 477 BLTTHS năm 2015 là “quyết định có hiệu lực pháp luật” mà không gọi là “quyết định giải quyết cuối cùng” như BLTTHS năm 2003.

Về giải quyết tố cáo
Thời hạn giải quyết tố cáo theo BLTTHS năm 2015 được rút ngắn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo (BLTTHS năm 2003 quy định là không quá 60 ngày) và đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày (BLTTHS năm 2003 là không quá 90 ngày).

Quy định về người có quyền tố cáo tại Điều 478 BLTTHS năm 2015 được mở rộng hơn về chủ thể đó là: “Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” thay vì quy định với chủ thể người có quyền tố cáo là “công dân” như trước đây. Việc quy định như vậy vừa phù hợp với Điều 3 của Luật Tố cáo năm 2011, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết đối với tố cáo của một số chủ thể đặc biệt, ví dụ như người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam …

Việc giải quyết tố cáo trong tố tụng hình sự được thể hiện bằng “Quyết định giải quyết tố cáo”, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 479, điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 480 BLTTHS 2015 mà không gọi là “Kết luận tố cáo” như trước đây.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
Tại khoản 1 Điều 483 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới (bỏ một số chủ thể được kiểm sát như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển…).

Đối với các quy định khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn như: Yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định giải quyết khiếu nại, ra văn bản giải quyết tố cáo theo quy định. Yêu cầu các cơ quan này tự kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình và cấp dưới; thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát… được quy định như BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát cấp dưới. VKSND tối cao thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát các cấp.

Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

XEM THÊM