Giải pháp hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng

Muốn hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thì cần phải tăng cường nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

Ảnh minh họa
                               Ảnh minh họa

Quảng Ninh là tỉnh biên giới vùng Đông Bắc của đất nước, là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xã hội ở nhiều lĩnh vực như: xuất nhập khẩu, khai thác khoáng sản, du lịch, kinh tế biển.., thu hút nhiều lao động đến từ các địa phương trong cả nước và du khách trong, ngoài nước. Song bên cạnh đó tội phạm cũng nảy sinh nhiều và có nhiều diễn biến phức tạp, trung bình hàng năm gần 2000 vụ án hình sự. Để làm tốt công tác bảo vệ pháp luật, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế – xã hội, dưới sự chỉ đạo của VKSND tối cao và của Cấp ủy địa phương, những năm qua, Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo 2 cấp làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt, thống nhất trong toàn ngành nhận thức rõ: Muốn hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thì cần phải tăng cường nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Đó cũng chính là việc cần phải thực hiện thật tốt các quyền, nhiệm vụ của Viện kiểm sát được quy định tại các Điều 165, 166 và các điều luật khác của BLTTHS 2015 cũng như các quy định khác của pháp luật kể từ khi có sự kiện phạm tội xảy ra đến khi vụ án được Tòa án xét xử có hiệu lực pháp luật.

Từ nhận thức thống nhất này, trong những năm qua tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp ở tỉnh Quảng Ninh luôn ở mức thấp dưới 1%. Cụ thể trong 3 năm từ năm 2015 đến năm 2017, VKSND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung là 33 vụ/159 bị can trên tổng số 3.836 vụ án/6.597 bị can đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố đều Cơ quan điều tra chấp nhận, đạt tỷ lệ là 33/3.836 vụ = 0,86%.

Toà án hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung là 253 vụ/712 bị can trong tổng số 4.292 vụ/7.606 bị can Viện kiểm sát đã truy tố, trong đó Viện kiểm sát chấp nhận 151 vụ/545 bị can, trong đó số vụ án Tòa án trả có lỗi của Kiểm sát viên là 27/4.292 vụ, chiếm tỷ lệ 0,62% .

Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, trong những năm qua tại tỉnh Quảng Ninh vẫn còn xảy ra án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng do những nguyên nhân sau:

Nguyên nhân khách quan:

Tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp về quy mô và tính chất. Thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm. Các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thường là những vụ án lớn, phức tạp, các chứng cứ tài liệu ban đầu chưa rõ ràng, song trong quá trình điều tra chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án hoặc những nội dung có mâu thuẫn mà chỉ tập trung thu thập các tài liệu buộc tội.

Hệ thống văn bản dưới luật còn nhiều mâu thuẫn, đặc biệt hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến các tội phạm về kinh tế, ma túy, sở hữu, môi trường, tham nhũng và chức vụ .v.v.. dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất, cách hiểu và vận dụng còn nhiều mâu thuẫn giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Năng lực chuyên môn của đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán còn nhiều hạn chế và thiếu sót, do vậy công tác giải quyết án còn chưa thống nhất, đồng bộ. Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chặt chẽ và linh hoạt, trong công tác đánh giá chứng cứ còn thiếu đồng nhất. Bên cạnh đó, số lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán còn thiếu, do vậy gây ra tình trạng quá tải, áp lực công việc cao dẫn đến tình trạng né tránh trách nhiệm cá nhân, do vậy còn tồn tại tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Nhận thức pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Ninh trong một số vụ việc còn chưa đồng nhất. Một số quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành còn bất cập, chưa chi tiết và cụ thể, vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo. Các bộ luật mới có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên công tác hướng dẫn giải thích pháp luật của cơ quan có thẩm quyền chưa được thực hiện kịp thời và đồng bộ dẫn đến việc nhận thức, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh và đường lối xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng không thống nhất, nhất là đối với các vụ án nghiêm trọng và phức tạp.

Nguyên nhân chủ quan:

Năng lực chuyên môn của một số Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán còn nhiều hạn chế và thiếu sót, do vậy công tác giải quyết án còn chưa thống nhất, đồng bộ. Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có lúc, có việc chưa chặt chẽ và linh hoạt, trong công tác đánh giá chứng cứ còn thiếu đồng nhất. Bên cạnh đó, số lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán ở một số đơn vị còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.

Công tác kiểm tra của Lãnh đạo đơn vị chưa thường xuyên, sâu sát. Việc xử lý vi phạm chưa kịp thời và nghiêm túc. Công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có lúc, có nơi còn hạn chế dẫn đến việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tăng.

Từ thực tế thực hiện ở địa phương, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, đảm bảo thực hiện tốt hơn việc nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự nhằm hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian tới, tôi xin đề xuất những giải pháp sau đây:

Thứ nhất: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành trong việc THQCT – KSĐT, KSXXST các vụ án hình sự

Trong công tác quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ, Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp cần quản lý chặt chẽ số liệu, lý do trả hồ sơ để điều tra bổ sung của các Kiểm sát viên. Coi việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một chỉ tiêu để đánh giá năng lực công tác, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng cá nhân trong đơn vị; đồng thời, Viện kiểm sát cấp trên cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp dưới, kịp thời phát hiện thiếu sót, tồn tại trong nhận thức và thực hiện các quy định của pháp luật để có biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát cấp dưới cũng cần tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp trên để giải quyết các vụ án phức tạp, có vướng mắc hoặc quan điểm giải quyết khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tăng cường sự giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và trình độ của Kiểm sát viên. Đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Lãnh đạo các đơn vị phải chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên ở các giai đoạn tố tụng, nhất là kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu nghiệp vụ về kiểm sát việc khởi tố, đề ra yêu cầu điều tra, kiểm sát việc lập hồ sơ, kiểm sát việc kết thúc điều tra, đề xuất truy tố.v.v.. Lãnh đạo các đơn vị phải chỉ đạo xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án, thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với công việc, thận trọng, khách quan khi xem xét ý kiến đề xuất của cán bộ, Kiểm sát viên nhất là những ý kiến có nhiều quan điểm khác nhau. Khi phê duyệt báo cáo đề xuất cần phải chi tiết, cụ thể, làm đúng vai trò trách nhiệm, tránh việc xảy ra sai sót khi đã quyết định truy tố, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Chú trọng công tác bố trí, sử dụng và sắp xếp cán bộ nhằm lựa chọn được những cán bộ, Kiểm sát viên có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải được quan tâm đặc biệt nhằm nâng cao năng lực nhận thức và khả năng vận dụng pháp luật của cán bộ, Kiểm sát viên. Cán bộ, Kiểm sát viên là những người được giao nhiệm vụ thay mặt VKSND thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, vì vậy việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực và trách nhiệm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm sát.

Thứ hai: Tích cực nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ Kiểm sát viên được phân công giải quyết các vụ án hình sự

Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự phải nắm chắc các đạo luật cơ bản; trình tự thủ tục tố tụng đó được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự; thường xuyên nghiên cứu và cập nhật, tích lũy các văn bản quy phạm pháp luật mới về hình sự, các Nghị Quyết, Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan đến công tác nghiệp vụ, Quy chế của ngành để áp dụng vào thực tiễn. Nâng cao ý thức, trách nhiệm hành động vì mục đích chung trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra. Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can của CQĐT. Kiểm sát viên theo dõi, nghiên cứu hồ sơ tài liệu và nắm nội dung vụ việc ngay từ giai đoạn tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác tin báo theo đúng quy định của pháp luật, khắc phục việc bỏ lọt tội phạm và chủ động áp dụng các biện pháp tố tụng tiếp theo.

Kiểm sát viên phải bám sát tiến độ điều tra, chủ động phối hợp với Điều tra viên nghiên cứu hồ sơ, nắm chắc chứng cứ. Phải bám sát tiến độ điều tra, đề ra yêu cầu điều tra nhằm khắc phục kịp thời những thiếu sót về chứng cứ hoặc vi phạm tố tụng; tham gia với Điều tra viên tổng cung bị can để nắm chắc nội dung vụ án và các tình tiết phạm tội của bị can; phối hợp với Cơ quan điều tra tiến hành sơ kết điều tra theo từng giai đoạn để thống nhất thời điểm kết thúc điều tra và định hướng đường lối xử lý vụ án. Đối với các vụ án phức tạp, bị can phản cung, chối tội hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, sau khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên phải thực hiện việc phúc cung đối với từng bị can để bảo đảm việc truy tố có căn cứ và thận trọng.

Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Kiểm sát viên cần chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, dự kiến các tình huống có thể xảy ra. Đối với những vấn đề phức tạp, có quan điểm đánh giá về chứng cứ, về tội danh khác nhau, KSV phải chuẩn bị tốt câu hỏi, tình huống để tranh tụng tại phiên toà, chứng cứ đưa ra tại phiên tòa phải đảm bảo vững chắc và có sức thuyết phục để bảo vệ quan điểm truy tố đúng đắn của Viện kiểm sát. Nâng cao chất lượng bản cáo trạng và hồ sơ truy tố đảm bảo có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với các vụ án phức tạp, khó khăn thì cần thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành, tổ chức họp liên ngành để có phương hướng giải quyết kịp thời và đúng đắn trước khi kết thúc điều tra vụ án. Đối với các vụ án có bị can, bị cáo kêu oan; các vụ án quan điểm giữa CQĐT và VKSND khác nhau về xác định có tội hay không có tội; các vụ án mà quan điểm của Tòa án hay HĐXX cho rằng bị cáo không phạm tội hoặc sẽ tuyên bị cáo không phạm tội, VKSND cấp huyện phải báo cáo ngay cho Phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh để nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Viện chỉ đạo kịp thời. Từ đó hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhất là các trường hợp trả hồ sơ do thiếu chứng cứ, bỏ lọt tội phạm hay do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu nghiệp vụ được nêu trong Chỉ thị 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm; Chỉ thị số 04/CT-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai cũng như các Quy chế nghiệp vụ của ngành. Nắm vững và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của BLTTHS năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của VKS trong giải quyết vụ án hình sự.

Viện kiểm sát chỉ ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nếu có căn cứ pháp luật và thực sự thấy cần thiết đối với việc giải quyết vụ án. Trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải nêu rõ những nội dung cần phải điều tra bổ sung. KSV phải xem xét tính khả thi của yêu cầu điều tra bổ sung và kiểm tra chặt chẽ kết quả thực hiện của Cơ quan điều tra, khắc phục việc trả đi trả lại nhiều lần giữa ba cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ ba: Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng

Trong quá trình giải quyết vụ án, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Trong đó, Kiểm sát viên cần tích cực, chủ động trao đổi với Điều tra viên, Thẩm phán để giải quyết những vấn đề phát sinh cần tháo gỡ ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; tham mưu kịp thời với Lãnh đạo liên ngành kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án nhằm hạn chế và khắc phục triệt để việc trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với những trường hợp không cần thiết hoặc không có căn cứ.

Cần xây dựng tốt mối quan hệ phối hợp giữa 3 ngành, để phối hợp khắc phục thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án. Khi xảy ra tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, lãnh đạo Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án cần tiến hành họp ngay và làm rõ trách nhiệm về những thiếu sót của Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán để cùng rút kinh nghiệm đối với những vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, hướng tới mục đích đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng thời hạn luật định, hạn chế tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đối với những vụ án phức tạp và nghiêm trọng, lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng cần chủ động phối hợp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án, bên cạnh đó tranh thủ sự hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên.

Duy trì việc tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm về chuyên đề án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm bàn bạc, thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm tìm ra giải pháp khắc phục các vướng mắc, thống nhất quan điểm về nhận thức và áp dụng pháp luật. Từ đó giúp cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán thay đổi nhận thức, khắc phục những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại nhằm hạn chế tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Thứ tư: Xây dựng đội ngũ Lãnh đạo, Kiểm sát viên có phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao

Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, đòi hỏi đội ngũ Kiểm sát viên phải có năng lực, trình độ, kinh nghiệm và có tính chuyên nghiệp cao. Vì vậy, đội ngũ Kiểm sát viên làm công tác này phải được lựa chọn, bố trí, sắp xếp công tác ổn định và thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ, đề cao ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao; mặt khác phải có cơ chế khen thưởng, kỷ luật rõ ràng, tạo ra động lực để cán bộ, Kiểm sát viên phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Nâng cao chất lượng công tác Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ của cán bộ, Kiểm sát viên, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án, chịu trách nhiệm trước các quyết định tố tụng, kết quả giải quyết vụ án, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Giao việc tương xứng với năng lực của cán bộ, Kiểm sát viên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Trên đây là các giải pháp nhằm hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Ninh từ năm 2015 đến năm 2017 để các đồng chí nghiên cứu, tổng hợp rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Nguồn: VKSND tỉnh Quảng Ninh 

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *