Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự

Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự là một trong những hoạt động kiểm sát hoạt động tư pháp và là một nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Ảnh Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội
                   Ảnh Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

Trước đây, theo quy định của các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động thì Viện kiểm sát (Kiểm sát viên) tham gia vào hầu hết các vụ việc dân sự. Tuy nhiên, sau khi BLTTDS 2004 được ban hành và có hiệu lực thi hành thì sự tham gia của Viện kiểm sát trong các vụ án dân sự đã thu hẹp lại. Quan điểm này xuất phát từ sự tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên đương sự trong tố tụng dân sự. Theo quy định của Điều 21 BLTTDS 2004 thì Viện kiểm sát chỉ tham gia phiên tòa đối với những vụ án dân sự do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, tham gia các phiên họp giải quyết các việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án, các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án. Trong thời gian thi hành BLTTDS 2004 cho thấy, quy định của BLTTDS 2004 về sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tạo điều kiện cho Viện kiểm sát thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình theo Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Thực tế cho thấy, điều kiện để những người tham gia tố tụng tự chứng minh nhằm bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong tố tụng dân sự là rất khó khăn, do trình độ của người dân nói chung, sự am hiểu pháp luật nói riêng còn hạn chế, không phải ai cũng có điều kiện về kinh tế để mời luật sư. Như vậy, qua hơn 6 năm thi hành BLDS 2004, nhu cầu sửa đổi điều luật về việc quy định Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự là rất cần thiết. Chính vì vậy, BLTTDS sear đổi năm 2011 đã sửa đổi, bổ sung Điều 21 BLTTDS 2004 theo hướng mở rộng phạm vi trách nhiệm tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự của Viện kiểm sát. Điều 21 BLTTDS 2015 trên cơ sở kế thừa nhưng đã có những sửa đổi, bổ sung cần thiết.

Trước hết, Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật. Đây là quy định mang tính chất chung nhằm bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự bằng cách thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Viện kiểm sát có trách nhiệm phải tham gia phiên tòa, phiên sơ thẩm trong các trường hợp sau:

  • Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự;
  • Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau:
  • Phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ. Như vậy, bất cứ vụ án dân sự nào mà Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ thì Viện kiểm sát có trách nhiệm tham gia phiên tòa, không phụ thuộc vào việc đương sự có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Tòa án hay không.
  • Những phiên tòa mà đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng. Việc quy định Viện kiểm sát bắt buộc phải tham gia vào những phiên tòa này là để bảo vệ tài sản công, lợi ích công cộng. Sự tham gia của Viện kiểm sát trong những trường hợp này có vai trò như là “luật sư của nhà nước”, “luật sư công” để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, bảo vệ tài sản công và lợi ích công cộng đang là đối tượng tranh chấp trong vụ án.
  • Những vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất, nhà ở. Những vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất thường phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc tham gia của Viện kiểm sát trong trường hợp này sẽ giúp cho Tòa án giải quyết vụ án được nhanh chóng, thuận lợi, bảo vệ kịp thời được công lý, quyền con người, quyền công dân, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
  • Những vụ án mà đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của BLTTDS 2015 (Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng). So với quy định tại Điều 21 của BLTTDS 2004, sửa đổi năm 2011 thì quy định này có bổ sung, làm rõ thêm khái niệm “người có nhược điểm về thể chất, tâm thần”, hay nói cụ thể hơn và đúng hơn là thay thế khái niệm “người có nhược điểm về thể chất, tâm thần” bằng “người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.
  • Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Đây là những thủ tục tố tụng khó khăn, phức tạp so với thủ tục sơ thẩm, vì vậy BLTTDS 2015 lần này, cũng giống như BLTTDS sửa đổi năm 2011 quy định Viện kiểm sát bắt buộc phải tham gia. Theo BLTTDS 2004 thì Viện kiểm sát chỉ tham gia phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự trong ba trường hợp: (i) Viện kiểm sát đã tham gia phiên tòa sơ thẩm; (ii) Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; và (iii) Đương sự khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Tòa án cấp phúc thẩm.

Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *