Kỳ án cô bán vé số ‘đòi trách nhiệm tình ái’: ‘Đại gia’ kêu oan

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định 01 tháng tạm giam được tính là 30 ngày. Bị cáo bị tạm giam 274 ngày, tức là 9 tháng 4 ngày, nhưng TAND tỉnh An Giang chỉ tính có 8 tháng 27 ngày. Việc tính thiếu 7 ngày bị cáo bị tạm giam sẽ khiến bản án bị hủy?

VKSND Cấp cao đã nhận đơn xem xét giám đốc thẩm của bị cáo Sơn

Như PLVN đã thông tin về việc bị cáo Bùi Văn Sơn (tên thường gọi Út Lượm, SN 1967, ngụ thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang) bị TAND tỉnh An Giang xét xử về hành vi “giao cấu với trẻ em”. Ngày 10/9, sau thời gian nghị án kéo dài, TAND tỉnh An Giang bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Sơn và tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù giam.

Phần quyết định, bản án phúc thẩm nêu: “Thời hạn tù được tính kể từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt nhưng được khấu trừ 8 tháng 27 ngày bị cáo đã bị tạm giam từ ngày 29/05/2015 đến ngày 26/02/2016”.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định “… khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì 1 tháng được tính là 30 ngày”.

Bị cáo Sơn bị tạm giam từ ngày 29/05/2015 đến ngày 26/02/2016, tức là 274 ngày. Tính theo luật định thì bị cáo Sơn đã bị tạm giam 9 tháng 4 ngày. Tuy nhiên, không hiểu tại sao và tính theo quy định nào, TAND tỉnh An Giang lại chỉ tính bị cáo Sơn bị tạm giam 8 tháng 27 ngày, thiếu 7 ngày so với thực tế. Còn nếu tính cứ hết một tháng (không kể tháng có 30 ngày hay 31 ngày) và tháng 2/2016 là tháng nhuận (29 ngày) thì bị cáo Sơn bị giam đúng 9 tháng. Và cách tính của TAND tỉnh An Giang cũng là sai.

Theo luật, trước việc tính sai ngày tạm giam của cả tòa sơ và phúc thẩm ở tỉnh An Giang, bản án bắt buộc phải bị hủy theo trình tự giám đốc thẩm. Luật sư cho rằng: “Bảy ngày chênh lệch giữa thời hạn tạm giam và bản án của TAND tỉnh An Giang khiến bị cáo chấp hành sẽ vượt quá mức án phạt 3 năm tù. Do bản án phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm nên sai sót trên là không thể khắc phục được, cần buộc phải hủy cả bản án sơ và phúc thẩm, trả về xét xử lại”.

Hiện bị cáo Sơn đã gửi đơn xin giám đốc thẩm và đã được VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận hồ sơ. Nội dung đề nghị kháng nghị trong đơn không chỉ là việc tính thiếu ngày tạm giam mà còn nhiều vấn đề khác. Bị cáo Sơn liên tục kêu oan. Tại các phiên xét xử, luật sư cũng chỉ ra nhiều vấn đề sai sót nghiêm trọng, không có chứng cứ trực tiếp chứng minh bị cáo Sơn phạm tội và hồ sơ bị cạo sửa rất nhiều chỗ, có dấu hiệu phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, TAND tỉnh An Giang không xem xét những lập luận của luật sư, lời kêu oan của bị cáo và vẫn tuyên y án sơ thẩm.

Vụ án từng được Báo PLVN nhiều lần phản ánh. Bị cáo Sơn bị cáo buộc giao cấu với Huỳnh Thị Trúc Linh (SN 1996, ngụ xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú) nhiều lần (3 lần). Vụ án kéo dài từ năm 2012 đến nay và đã nhiều lần đưa ra xét xử.

Mặc dù bị hại nói chỉ quan hệ tình dục duy nhất với bị cáo Sơn dẫn đến mang thai, tuy nhiên ba lần giám định ADN, con của Linh có cha đẻ không phải là bị cáo Sơn. Sau đó, trong quá trình xử lý vụ án, phát hiện Nguyễn Văn Bạo (huyện An Phú) có quan hệ tình dục với bị hại. Kết quả giám định ADN cho thấy Bạo là cha đẻ của con Linh. Bạo bị tuyên án 1 năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”.

Bạo giao cấu với bị hại gây ra hậu quả là mang thai nhưng chỉ bị tuyên 1 năm tù. Còn Sơn không thừa nhận hành vi, kêu oan và các cơ quan tố tụng không có chứng cứ trực tiếp, chỉ dựa vào lời khai mâu thuẫn của bị hại và người làm chứng nhưng vẫn bị tuyên án 3 năm tù, nặng hơn Bạo nhiều lần. Sơn cho rằng mình bị oan, bản án được xử không công bằng khách quan.

Theo Báo pháp luật Việt Nam

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *