Lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự là một nguồn chứng cứ. Nguyên đơn dân sự có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, còn bị đơn dân sự có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Xuất phát từ mục đích tham gia tố tụng của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự nên họ thường tập trung vào các tình tiết liên quan đến thiệt hại do tội phạm gây ra và việc bồi thường thiệt hại có liên quan đến họ.
Việc lấy lời khai người bị hại được quy định và có ý nghĩa tương tự như người làm chứng. Tuy nhiên, xuất phát từ vị thế của bị hại (là người bị xâm hại nên họ dễ bị hoảng loạn mà không nhớ được chính xác các tình tiết; họ muốn giữ bí mật một số tình tiết liên quan đến bí mật đời tư như ví dụ khi bị xâm hại về nhân phẩm như bị hiếp dâm… ) nên họ không có nghĩa vụ khai báo trung thực tất cả những tình tiết mà họ biết về vụ án như đối với người làm chứng. Do đó, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khi xem xét giá trị lời khai của người bị hại cần có cách tiếp cận và góc nhìn rộng hơn, trong đó cần quan tâm đến nguyên nhân, bối cảnh, tình trạng sức khỏe, tinh thần và trạng thái tâm lý của người bị hại khi xảy ra sự việc và khi tiến hành khai báo.
Tuy nhiên, có một số vấn đề phát sinh từ thực tiến tố tụng hình sự là việc lấy lời khai này được tiến hành sau khi cơ quan có thẩm quyền xác định chính xác tư cách pháp lý của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hay chỉ khi ra đến Tòa án mới xác định? Nhiều vụ án phức tạp trong lính vực quản lý kinh tế và chức vụ đã xảy ra tranh cãi trong việc xác định nguyên đơn dân sự do trong quá trình điều tra, truy tố họ không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; thậm chí, có những vụ án có tới 3 nguyên đơn dân sự cùng một lúc đòi một khoản bồi thường thiệt hại, hoặc đến khi bản án được Hội đồng xét xử tuyên mới xác định nguyên đơn dân sự là ai. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần quan tâm đánh giá và xác định chính xác, đúng đắn mối quan hệ và tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án, khi đã xác định tư cách nguyên đơn dân sự thì về thủ tục họ phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thể hiện trong hồ sơ vụ án. Ngay trước khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra, rà soát tư cách tham gia tố tụng của các đương sự, đặc biệt là thủ tục phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì mới xác định được tư cách của nguyên đơn dân sự, tránh việc phát sinh các ý kiến khác nhau tại phiên tòa giữa bên buộc tội và bên gỡ tội như một số vụ án thời gian qua.
Khi khai báo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự phải giải thích được tại sao họ biết các tình tiết đã khai báo. Nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó thì không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày.
Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội