Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định việc thay đổi người tiến hành tố tụng có thể do người tiến hành tố tụng tự mình từ chối tiến hành tố tụng hoặc khi có đề nghị thay đổi của những người có quyền do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định.
So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được mở rộng chủ thể có quyền đề nghi thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Nếu có lý do được Bộ luật tố tụng hình sự quy định phải từ chối tiến hành tố tụng mà Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án không tự mình từ chối tiến hành tố tụng thì Kiểm sát viên; người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ; người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền đề nghị thay đổi. Đây là một trong những quyền tố tụng quan trọng nhằm bảo đảm cho tố tụng hình sự dược tiến hành một cách khách quan, vô tư.
Trong số những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định Kiểm sát viên là người có quyền thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Quy định này phù hợp với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự. Kiểm sát viên phải kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 theo quyền hạn của mình để ngăn chặn, loại trừ việc vi phạm. Theo đó, khi phát hiện căn cứ cho rằng việc tiến hành tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể làm họ không vô tư trong khi làm nhiệm vụ, Kiểm sát viên có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Trong số những người tham gia tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ; người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đây là những người có quyền lợi liên quan trực tiếp đến vụ án (hoặc là người bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho họ), những người tham gia tố tụng khác như người làm chứng, người chứng kiến, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật… không có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.