Nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự

Chứng cứ được phản ánh thông qua những nguồn nhất định gọi là nguồn chứng cứ. Tổng kết thi hành quy định về nguồn chứng cứ của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cho thấy, các quy định này chưa bao gồm các nguồn chứng cứ được thu thập, sử dụng trên thực tế. Vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Theo đó, chứng cứ được thu thập, xác định bằng các nguồn:

  • Vật chứng: Là những vật phản ánh những thông tin, tình tiết có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Vật chứng bao gồm vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm và tiền bạc, vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội. Ví dụ: con dao dùng để đâm bị hại, chiếc áo của bị hại có lỗ thủng do bị dao đâm…
  • Lời khai, lời trình bày của người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án: Lời khai, lời trình bày trong các vụ án hình sự là nguồn chứng cứ hết sức quan trọng. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành lấy lời khai theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình lấy lời khai, các cơ quan này phải sử dụng kỹ năng nghiệp vụ trong việc hỏi để có được những thông tin cần thiết thông quan lời khai; Hội đồng xét xử sẽ đánh giá, thẩm định lại những lời khai đó một lần nữa tại phiên tòa công khai trước khi đưa ra kết luận.

Dạng nguồn chứng cứ là lời khai, lời trình bày có sự khác biệt so với vật chứng. Nếu vật chứng là một vật cụ thể mang tính vật chất, phản ánh khách quan những thông tin về vụ án nên không thể có vật khác thay thế nó, còn sự hình thành lời khai từ tư duy, ý thức con người là quá trình rất phức tạp, nó bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Chính vì vậy, tính khách quan của lời khai không được bảo đảm như vật chứng, đặc biệt trong trường hợp người khai báo có mối liên quan đến vụ án hoặc hành vi mà họ đã chứng kiến. Ví dụ: việc khai báo của nhân chứng về hành vi phạm tội mà họ do con họ gây ra dễ bị sai lệch theo hướng giảm nhẹ tính chất, mức độ của hành vi hoặc ngược lại; kể cả trong trường hợp nhân chứng khai báo về hành vi phạm tội không có mối liên hệ nào với họ, nhưng nếu họ có ác cảm với hành vi đó cũng dễ làm sai lệch theo hướng khai tăng tính chất, mức độ hành vi… Tuy nhiên, do đây là nguồn chứng cứ hết sức quan trọng trong việc giải quyết vụ án nên khi tiến hành lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải thông báo, giải thích rõ về trách nhiệm khai báo đúng sự thật, biết đến đâu khai đến đó, khai chính xác những gì mình thấy, mình biết, không được suy diễn và nếu khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

  • Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dưới góc độ khoa học điều tra hình sự, loại chứng cứ này có thể được gọi là chứng cứ điện tử. Tương tự như đối với vật chứng, các đối tượng phạm tội sử dụng phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, đường truyền và các nguồn điện tử khác như là công cụ, phương tiện sẽ để lại những dấu vết dưới dạng dữ liệu điện tử bị lưu giữ, thậm chí, đối tượng phạm tội cố tình xóa bỏ nhưng vẫn có thể hồi phục được. Nội dung thông tin được phản ánh trong dữ liệu điện tử hoàn toàn có giá trị chứng minh tội phạm. Thông qua biện pháp khoa học – kỹ thuật có thể thu thập được thông tin trên các dữ liệu điện tử để sử dụng làm chứng cứ chứng minh tội phạm. Trong thời đại hiện nay, khi mà công nghệ thông tin ngày càng phát triển, ứng dụng trong mọi mặt của đời sống xã hội, đi đôi với nó là sự phát triển của tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, các thông tin liên quan đến tội phạm được cất giữ ở dạng dữ liệu điện tử. Theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm phù hợp với tình hình mới.
  • Kết luận giám định, định giá tài sản là một nguồn chứng cứ quan trọng mà xem xét nó dựa trên kiến thức chuyên môn, khoa học kỹ thuật hay giá trị thực tế trên thị trường… làm căn cứ để làm rõ sự thật khách quan của vụ án hình sự. Xuất phát từ kiến thức của mỗi con người nói chung, của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nói riêng đều có giới hạn nhất định, do đó những vấn đề về chuyên môn, lĩnh vực chuyên ngành phải được thực hiện và cho ý kiến cá nhân, cơ quan giám định, định giá. Kết luận giám định là những thông tin mang tính khoa học, chỉ dựa trên cơ sở khoa học, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người, còn kết luận định giá tài sản chỉ dựa trên giá trị thực tế của tài sản đang được thị trường chấp nhận phù hợp với các quy định pháp luật vào thời điểm định giá. Do có tầm quan trọng như vậy nên đòi hỏi cá nhân, tổ chức giám định, định giá tài sản phải có kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao. Trường hợp gian dối vì động cơ cá nhân dẫn đến làm sai lệch kết quả giám định hoặc định giá có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là việc ghi nhận lại bằng văn bản hoạt động của cơ quan có thẩm quyền thực hiện trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Biên bản ở đây có thể là biên bản lấy lời khai, hỏi cung bị can, giữ người, bắt người, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, phiên tòa… Mọi hoạt động tố tụng hình sự chỉ được coi là hợp pháp khi nó được ghi nhận trong biên bản. Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án không chỉ là nguồn chứng cứ quan trọng mà còn là căn cứ để kiểm tra việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng. Chính vì vậy, thông tin trong biên bản phải đầy đủ, chính xác về nội dung cũng như hình thức theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, phải được những người tham gia lập biên bản thông qua, ký tê (hoặc điểm chỉ) vào biên bản.
  • Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác là nguồn chứng cứ được bổ sung trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 vì thực tiễn cho thấy, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong tố tụng hình sự, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác cũng góp phần cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự. Việc bổ sung nguồn chứng cứ này sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác làm chứng cứ. Kết quả của hoạt động ủy thác tư pháp, hợp tác quốc tế nếu đáp ứng các thuộc tính của chứng cứ sẽ được coi là chứng cứ, có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự.
  • Bên cạnh việc quy định các nguồn chứng cứ trên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tiếp tục quy định nguồn chứng cứ là các tài liệu, đồ vật khác, vì với sự phát triển của khoa học, công nghệ như hiện nay, không thể dự liệu các nguồn chứng cứ trên thực tế trong thời gian tới. Quy định theo hướng này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc hướng dẫn khi phát sinh những nguồn chứng cứ mới trên thực tế.

Khoản 2 Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nhấn mạnh tính hợp pháp của chứng cứ, yêu cầu người thu thập chứng cứ phải tuân thủ các quy định của pháp luật, chứng cứ được thu thập cho dù là có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự. Ví dụ: Việc thi hành lệnh khám xét nhưng không có người chứng kiến theo quy định thì tài liệu, đồ vật thu được trong quá trình khám xét không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để chứng minh trong giải quyết vụ án.

Quy định này của Điều luật đòi hỏi các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chỉ chú tâm đến mục tiêu, yêu cầu rất cao của việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, mà cần nâng cao nhận thức về việc bảo đảm tính hợp pháp trong thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ, không thể chấp nhận tình trạng nôn nóng đi tìm chứng cứ buộc tội, cẩu thả trong việc thu giữ, niêm phong vật chứng…, dẫn đến khi chứng cứ được thẩm tra công khai tại phiên tòa thì không đủ căn cứ quy buộc trách nhiệm hình sự do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra thu thập chứng cứ.

XEM THÊM