Những việc cần làm ngay sau khi bắt người

Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Với quy định này có thể hiểu, điều luật chỉ áp dụng đối với các trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, vì chỉ đối với các đối tượng này mới tiến hành lấy lời khai và quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, điều luật không áp dụng đối với bắt bị can, bị cáo để tạm giam vì đối với đối tượng này phải tiến hành hỏi cung và tạm giam.

Sau khi giữ người, bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan này, việc lấy lời khai ngay trước hết nhằm xác định đúng người bị giữ, bị bắt theo lệnh, quyết định, đồng thời việc kịp thời lấy lời khai sẽ giúp sớm có định hướng điều tra đúng, kịp thời thu thập chứng cứ, tài liệu.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người, bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, quy định này đã giảm thời hạn từ 24 giờ xuống còn 12 giờ. Quy định này nhằm bảo đảm trong thời gian sớm nhất, cơ quan có thẩm quyền phải quyết định biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với người bị bắt nhằm bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền công dân. Với quy định này đòi hỏi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải hết sức khẩn trương trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu sau khi giữ người, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt.

Điều luật được bổ sung quy định nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bắt người đang bị truy nã, đó là nếu đã hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan ra quyết định truy nã vẫn chưa đến nhận thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt gia hạn tạm giữ và gửi ngay quyết định gia hạn tạm giữ kèm theo tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn; trường hợp người bị bắt có nhiều quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt chuyển giao người bị bắt cho vơ quan đã ra quyết định truy nã nơi gần nhất. Việc bổ sung quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để mỗi cơ quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phải thực hiện những việc làm cụ thể trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người bị bắt trong trường hợp truy nã, bảo đảm việc tạm giữ, tạm giam người bị truy nã đúng pháp luật.

Điều luật quy định những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt nêu trên không loại trừ việc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải giải thích cho họ lý do bị giữ, bị bắt; giải thích và lập biên bản về việc thông báo các quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, trong đó có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Đây có thể coi là “những việc cần làm ngay” khi giữ, bắt người có dấu hiệu thực hiện hành vi phạm tội, bảo đảm và tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật.

XEM THÊM