Th.s TRẦN THANH BÀI ( TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội) – Sau khi đọc và nghiên cứu nội dung bài viết “Hoàng Văn D có được áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”? của tác giả Dương Tấn Thanh trên Tạp chí điện tử TAND ngày 6/9/2018, cá nhân tôi cho rằng phải nhập hồ sơ hai vụ trộm cắp để giải quyết.
Với nội dung của vụ án Hoàng Văn D thực hiện các hành vi phạm tội: Ngày 12/4/2018, Hoàng Văn D, sinh năm 1999 và Nguyễn Văn K, sinh năm 2006 thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá 2.500.000 đồng trên địa bàn huyện X nhưng không bị phát hiện. Ngày 27/4/2018, Hoàng Văn D và Nguyễn Văn K tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá 10.000.000 đồng trên địa bàn huyện Y (giáp huyện X) thì bị phát hiện.
Theo tinh thần của điểm 1, mục III, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 thì: “Trong trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội cùng loại (đều là trộm cắp tài sản; đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản…) nhưng tài sản bị xâm phạm là tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản của công dân, thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện như sau:
Nếu tất cả các hành vi phạm tội này đều được thực hiện từ ngày 1-7-2000 trở đi, thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo quy định của BLHS.
Ví dụ: Ngày 5-7-2000, A trộm cắp tài sản của B trị giá 10 triệu đồng.
Ngày 15-8-2000, A trộm cắp tài sản của Sở X trị giá 20 triệu đồng. Trong trường hợp này nếu căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 30 triệu đồng, thì A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 138 BLHS. Nếu tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là từ 50 triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng hoặc tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt vẫn là 30 triệu đồng, nhưng có một trong các tình tiết khác định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 138 BLHS…”.
Như vậy, mặc dù điểm 1 mục III Thông tư 02 là hướng dẫn áp dụng những trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội sở hữu cùng loại nhưng tài sản chiếm đoạt là tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản công dân thì thực hiện việc cộng tổng giá trị tài sản chiếm đoạt để làm căn cứ định khung hình phạt. Nhưng hiện nay theo BLHS hiện hành thì không phân biệt tài sản chiếm đoạt là tài sản công dân hay tài sản xã hội chủ nghĩa, nếu chiếm đoạt tài sản của người khác (cá nhân, cơ quan, tổ chức) thì đều bị xử lý hình sự như nhau.
Trở lại vụ án trên, thì Cơ quan điều tra huyện X và Cơ quan điều tra huyện Y phải nhập vụ án vì: Về thời gian Hoàng Văn D, hai lần thực hiện hành vi là kế tiếp nhau (cách nhau 15 ngày) với cùng một loại hành vi trộm cắp. Cả hai lần Hoàng Văn D trộm cắp tài sản với tổng giá trị là 12.500.000 đồng. Vì vậy, hành vi của Hoàng Văn D đã cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 (tài sản chiếm đoạt trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng).
Theo điểm 4 mục I, Công văn số 01/2017/GĐ- TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC và theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì Hoàng Văn D đủ điều kiện để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Trong vụ án này, do Cơ quan điều tra huyện X và Y không nhập vụ án nên dẫn đến hai Tòa án đã xét xử Hoàng Văn D thực hiện hai hành vi phạm tội cùng loại. Mặt khác, Hoàng Văn D thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện Y (ngày 27/4/2018) xẩy ra sau hành vi trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện X (ngày 12/4/2018), nhưng Tòa án nhân dân huyện Y lại xét xử trước (ngày 13/7/2018 TAND huyện Y đã tuyên phạt Hoàng Văn D 9 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản); đến ngày 20/8/2018 TAND huyện X đưa vụ án ra xét xử đối với Hoàng Văn D với hành vi phạm tội mà D thực hiện ngày 12/4/2018 và trước ngày 12/4/2018, D không thực hiện hành vi phạm tội nào khác thì D được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 như hướng dẫn tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC và Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi. Rất mong nhận được ý kiến phản hồi của đồng nghiệp và quý bạn đọc./.