Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã đã được quy định tại Điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Để bảo đảm và phân biệt rõ ràng, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tách nội dung này thành hai điều riêng biệt quy định về bắt người phạm tội quả tang (Điều 111) và bắt người đang bị truy nã (Điều 112).
Bắt người phạm tội quả tang là trường hợp bắt người khi người này đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Điều luật quy định ba trường hợp được bắt người phạm tội quả tang gồm:
Trường hợp thứ nhất: Người đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện, tức là hành vi phạm tội đã bắt đầu thực hiện, nhưng chưa kết thúc trên thực tế nên cần phải bắt ngay để ngăn chặn, không để tội phạm tiếp tục được thực hiện.
Trường hợp thứ hai: Người phạm tội vừa thực hiện hành vi phạm tội xong thì bị phát hiện, tức là hành vi phạm tội vừa kết thúc thì bị phát hiện. Người phạm tội vẫn đang ở khu vực hiện trường nơi thực hiện tội phạm, có thể đang hoặc chưa kịp xóa dấu vết tội phạm, cất giấu công cụ, phương tiện phạm tội… thì bị phát hiện. Trong trường hợp này những người phát hiện ra người phạm tội có quyền tiến hành bắt quả tang.
Trường hợp thứ ba: Người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện hành vi tội phạm thì bị phát hiện và bỏ chạy. Người phạm tội đang thực hiện hành vi tội phạm hoặc vừa thực hiện xong thì bị phát hiện nên bỏ chạy và bị đuổi bắt. Hành vi bỏ chạy của người phạm tội và việc đuổi bắt diễn ra liền sau hành vi phạm tội, thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang khi việc đuổi bắt phải liên tục.
Trong trường hợp phạm tội quả tang thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt, tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của người bị bắt, tránh việc họ bị xâm hại, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định phải giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này không được giữ người bị bắt mà phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền, trường hợp vì lý do không giải ngay được người bị bắt thì phải báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an trong việc phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã để tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng này thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bởi vì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là Công an cấp cơ sở, lực lượng thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, nhận được rất nhiều nguồn tin tố giác của nhân dân về tội phạm nói chung, người đang có hành vi phạm tội quả tang nói riêng. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này khi bắt giữ người phạm tội quả tang, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an khi phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Với quy định này, những tài liệu được Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an thu thập được trong quá trình bắt giữ người có thể được coi là chứng cứ trong vụ án hình sự.
Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội