Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về bị can tại Điều 49, xác định bị can là người đã bị khởi tố về hình sự. Để bảo đảm xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị can không chỉ là cá nhân mà còn bao gồm cả pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về quyền của bị can, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định theo hướng cụ thể, đầy đủ hơn nhằm bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc của tố tụng hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, góp phần chống oan, sai; trong đó bổ sung các quyền như: được biết lý do mình bị khởi tố, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; đưa ra chứng cứ; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị giám định, định giá tài sản; đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu.
Quyền được biết lý do mình bị khởi tố là việc họ được biết mình bị khởi tố về tội gì, tại sao lại bị khởi tố về tội đó. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo và giải thích về quyền này cho bị can. Quyền này được thực hiện giúp bị can nắm bắt được thông tin để thực hiện quyền bào chữa của mình.
Quyền được trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá, về bản chất là quyền tự bòa chữa của bị can để gỡ tội hoặc giảm nhẹ tội của mình. Sau khi đưa ra các chứng cứ, tài liệu, đồ vật, bị can có quyền trình bày về những chứng cứ, đồ vật, tài liệu mà mình đã đưa ra và khi họ yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá thì các cơ quan này phải thực hiện yêu cầu của họ. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định đây là quyền yêu cầu, không phải là quyền đề nghị của bị can. Thực hiện quyền này một mặt giúp bị can thực hiện quyền tự bào chữa của mình, đồng thời góp phần giúp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được nhanh chóng, chính xác.
Quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu là một trong những quyền mới, quan trọng của bị can để bị can thực hiện tốt quyền bào chữa của mình.
Để thực hiện việc số hóa tài liệu có trong hồ sơ vụ án, bảo đảm thuận lợi cho bị can đọc những tài liệu có liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội và bảo đảm an toàn cho hồ sơ, Quốc hội đã giao chính phủ đầu tư kinh phí để bảo đảm việc sao chép, số hóa tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự, giao Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi bị can có yêu cầu.
Việc mở rộng quyền của bị can có ý nghĩa tích cực, tác động đến công tác điều tra, đòi hỏi người có thẩm quyền tiến hành điều tra phải nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng với yêu cầu.
Về nghĩa vụ của bị can, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung quy định bị can có nghĩa vụ chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo đảm thuận lợi cho hoạt động tố tụng trên thực tế.