Bắt bị can, bị cáo để tạm giam được hiểu là bắt người đã bị khởi tố bị can hoặc người đã có quyết định của Tòa án đưa ra xét xử để tạm giam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, ngăn chặn việc họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn hoặc thay đổi, tiêu hủy chứng cứ. Biện pháp này chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo khi có căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ. Đối với người phạm tội nhưng chưa có quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì không được áp dụng biện pháp này.
Điều luật không quy định về căn cứ áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Tuy nhiên, xét từ mục đích của biện pháp này là để tạm giam bị can, bị cáo để phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố và xét xử, nên khi có căn cứ để tạm giam đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
Điều luật quy định thẩm quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam theo hướng thu hẹp về thẩm quyền ra quyết định bắt bị cáo để tạm giam so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, cụ thể là bỏ quy định Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền này (khoản 1 Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003); theo đó, những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
Về hình thức, nội dung văn bản, lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt người phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Về thi hành, người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.