Quyền khởi kiện lại vụ án trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Khoản 1, Điều 218 BLTTDS: Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Tác giả đề cập đến một số quan điểm và phân tích một vài khía cạnh pháp lý có liên quan đến quyền khởi kiện lại vụ án và có có nên ghi hay không ghi quyền này trong quyết định đình chỉ vụ án (Phần hậu quả) để trao đổi với các đồng nghiệp, nhằm áp dụng được thống nhất pháp luật.

 

Tại biểu Mẫu số 45-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC), có hướng dẫn: Tuỳ vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) (kể cả về tiền tạm ứng án phí). Tuy nhiên, thực tiễn khi ban hành quyết định đình chỉ vụ án dân sự vẫn còn chưa có nhận thức thống nhất về việc có nên ghi tại phần hậu quả của quyết định về quyền khởi kiện lại vụ án dân sự hay không và cách thức diễn đạt như thế nào.

1. Một số quan điểm về việc ghi hay không ghi quyền khởi kiện của đương sự trong quyết định đình chỉ vụ án dân sự
Quan điểm thứ nhất phải ghi đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án hay không có quyền khởi kiện lại vụ án ngay trong trong phần hậu quả của quyết định đình chỉ vụ án:

Quan điểm này căn cứ phần hướng dẫn của Mẫu số 45-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC): Tuỳ vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của Bộ luật tố tụng dân sự, (kể cả về tiền tạm ứng án phí). Nếu không ghi hậu quả về việc có quyền khởi kiện lại hay không có quyền khởi kiện lại vụ án là thiếu sót.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Không cần phải ghi hậu quả về quyền khởi kiện lại vụ án của đương sự trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Vì không có điều khoản nào của BLTTDS bắt buộc phải ghi. Đương sự có quyền hay không có quyền khởi kiện lại vụ án là tuỳ vào trường trường hợp sau khi có quyết định đình chỉ vụ án và đương sự có khởi kiện lại vụ án. Lúc đó, Toà án sẽ căn cứ vào việc khởi kiện lại của đương sự, căn cứ vào qui định khoản 1 Điều 218 BLTTDS sẽ đánh giá và quyết định đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án hay không. Đây cũng chính là quan điểm của tác giả.

TANDTC chưa có hướng dẫn cụ thể vấn đề này, nhưng Điều 25 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC (NQ số 05/2012/NQ-HĐTP), hướng dẫn về Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định tại khoản 1 Điều 193[1] của BLTTD năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, với nội dung hướng dẫn :… trường hợp đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 192 của BLTTDS thì trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Tòa án phải nêu rõ hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án là các đương sự sẽ không có quyền khởi kiện lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp. Tuy nhiên điểm d, đ khoản 1 Điều 192[2] (Điều luật đình chỉ giải quyết vụ án dân sự) BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 không còn qui định trong Điều 217 BLTTDS năm 2015 (Điều luật tương ứng về chỉ giải quyết vụ án dân sự). Hơn nữa, hướng dẫn tại Điều 25 NQ số 05/2012/NQ-HĐTP là hướng dẫn cho hai trường hợp cụ thể các điểm d, đ của Điều 192 nên các trường hợp đình chỉ khác không bắt buộc phải ghi vào quyết định về đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án hay không và cũng không bắt buộc phải giải thích hậu quả cho đương sự trước khi đình chỉ giải quyết vụ án như hướng dẫn tại Điều 25 NQ số 05/2012/NQ-HĐTP.

2. Có sự bất cập, vướng mắc nếu ghi vào phần hậu quả của quyết định về việc đương sự có quyền khởi kiện lại hay không có quyền khởi kiện lại vụ án.
Thứ nhất: Khó khăn xác định chính xác đương sự nào có quyền khởi kiện lại vụ án, đương sự nào không có quyền khởi kiện lại vụ án.

Theo qui định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu… . Theo khoản 1 Điều 68 BLTTDS đương sự là nguyên đơn, bị đơn, (bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc không), người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (có yêu cầu độc lập) hay chỉ là người có quyền lợi nghĩa đứng về phía nguyên đơn hay bị đơn. Vấn đề đặt ra là nếu ghi đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án hay không có quyền khởi kiện lại vụ án là cụ thể những ai? Chỉ có nguyên đơn hay có cả bị đơn có yêu cầu phản tố, hay có cả người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc không có yêu cầu độc lập.

Một ví dụ: Nguyên đơn bà H khởi kiện yêu cầu ông T trả lại đất với lý do ông T ở trong đất của bà bất hợp pháp. Bị đơn ông T phản tố yêu cầu Toà án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông và bà X là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (Không có yêu cầu độc lập và bà X là mẹ ruột của bà H). Toà án yêu cầu bà H đóng tiền chi phí định giá tài sản, chi phí tố tụng khác nhưng bà H không thực hiện, ông T cũng không thực hiện. Toà án căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 217 đình chỉ vụ án. Vậy, đương sự trong vụ án này gồm có bà H, ông T, bà X nếu ghi vào phần hậu quả của quyết định đình chỉ vụ án thì ai là người không có quyền khởi kiện lại vụ án, ai là người có quyền khởi kiện lại vụ án? Có ghi bà X là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền hay không có quyền khởi kiện lại vụ án hay không?

Thứ hai: Hiểu thế nào là việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn

A,B khởi kiện C, D, E. Sau khi đình chỉ vụ án, A và B chỉ khởi kiện C, D mà không khởi kiện E hoặc chỉ có A khởi kiện của C, D, E. Việc khởi kiện lại vụ án sau có khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn không? Toà án phải thụ lý vụ án hay từ chối thụ lý vụ án. Theo quan điểm cá nhân, bởi lẽ nguyên đơn được hiểu là giải thiết cho rằng quyền và lợi ích mình bị xâm phạm, có thể có nhiều nguyên đơn nhưng chỉ có một nguyên đơn khởi kiện, còn những người khác không khởi kiện đó là quyền của họ, Toà án phải thụ lý vụ án và có trách nhiệm đưa những người còn lại tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có căn cứ). Tình huống này có thể minh chứng là hầu hết các vụ án sẽ có thể khởi kiện lại vụ án và sẽ làm vô hiệu hoá đối qui định tại khoản 1 Điều 218 BLDS bằng cách thêm hay bỏ bớt người khởi kiện, người bị kiện như ví dụ.

Thứ ba: Khó khăn xác định về quan hệ pháp luật có tranh chấp.

Cũng theo qui định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS, ngoài những yếu tố về nguyên đơn, bị đơn, để đánh giá đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án hay không thì phải xem xét đến yếu tố là quan hệ pháp luật có tranh chấp, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về quan hệ pháp luật có tranh chấp thì đương sự sẽ không có quyền khởi kiện lại vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế quan hệ có tranh chấp là do Toà án xác định khi thụ lý vụ án và dựa trên yêu cầu của đương sự. Trong vụ án có thể là có nhiều quan hệ tranh chấp. Trong quyết định đình chỉ vụ án thông tin về số, ngày tháng năm thụ lý vụ án và quan hệ có tranh chấp là đều bắt buộc không thể thiếu sót. Vấn đề đặt ra là không phải Toà án nào khi thụ lý vụ án cũng xác định chính xác quan hệ tranh chấp. Nhưng khi đương sự khởi kiện lại vụ án chỉ thay đổi cách trình bày, cách yêu cầu và đôi khi phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Thẩm phán xử lý đơn thì lúc này quan hệ tranh chấp sẽ được xác định khác và Toà án sẽ phải thụ lý vụ án. Hơn nữa, thực trạng hiện nay khái niệm về tranh chấp còn nhiều vấn đề tranh luận, đơn cử như tranh chấp đất đai hay là tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đât, đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất vv…

Ví dụ: A, B khởi kiện C, D yêu cầu trả tháo dỡ (dỡ dọn) công trình trên đất lấn chiếm và trả lại phần đất lấn chiếm. Có Thẩm phán xác định “Đòi lại sản là quyền sử dụng đất, buộc tháo dỡ công trình trên đất”; có Thẩm phán xác định “Tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất”.

Một ví dụ khác: A khởi kiện B hai quan hệ tranh chấp, vụ án được đình chỉ vì một lý do tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS, nay A khởi kiện một hay nhiều hai hơn hai quan hệ tranh chấp. Các tình huống đưa ra có được coi được xem là việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về quan hệ pháp luật có tranh chấp thì đương sự sẽ không có quyền khởi kiện lại vụ án (hay là có khác thì đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án)?

3. Trao đổi và kiến nghị
Đây cũng là vấn đề tác giả cần trao đổi của tác giả Võ Thị Xuân (TAND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 06/8/2018[3] và tác giả Dương Tấn Thanh[4] (TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 07/8/2018 và tác giả Nguyễn Văn Dũng (TAND Tp Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 11/7/2018.

Như đã phân tích tại mục 2, nếu khi ghi quyền khởi kiện (được quyền khởi kiện hay không được quyền khởi kiện) vào phần hậu quả của quyết định đình chỉ sẽ gặp nhiều vướng mắc. Chỉ cần có sự sơ suất, bất cẩn Toà án vô tình đã cấm đương sự quyền khởi kiện vụ án. Nếu có khiếu nại, kháng nghị thì chỉ còn cách huỷ quyết định đình chỉ đó để phục hồi quyền khởi kiện của đương sự. Đây là điều mà Thẩm phán không bao giờ mong muốn xảy ra với chính mình. Nhưng thực tế, có quan điểm hướng dẫn và yêu cầu Thẩm phán phải ghi quyền khởi kiện lại vụ án ngay trong phần hậu quả của quyết định. Để đối phó, Thẩm phán thường chọn giải pháp an toàn và ghi: Đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án theo qui định của pháp luật, việc ghi như vậy được hiểu: Đương sự không được quyền khởi kiện lại vụ án hay được quyền khởi kiện lại là phụ thuộc vào việc khởi kiện sau đó của đương sự và do Thẩm phán xử lý đơn tại thời điểm đó quyết định. Đây là công việc khả thi của Thẩm phán. Bởi lẽ: Trong quyết định đình chỉ vụ án dân sự chứa đựng các nội dung về nguyên đơn, bị đơn, (bị đơn có yêu cầu phản tố hay không), người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (có yêu cầu độc lập) hay chỉ là người có quyền lợi nghĩa đứng về phía nguyên đơn hay bị đơn; thể hiện rõ quan hệ các bên có tranh chấp (quan hệ được xác định theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và quan hệ theo yêu cầu phản tố nếu có). Với những thông tin này, nếu giả định rằng nguyên đơn tiếp tục khởi kiện lại vụ án tại Toà án thì Toà án phải có trách nhiệm kiểm tra nội dung của vụ án đã bị đình chỉ với nội dung của đơn khởi kiện yêu cầu mới của đương sự. Nếu thông qua kiểm tra, Toà án đánh giá người khởi kiện có quyền khởi kiện lại vụ án hay theo tiêu chí qui định khoản 1, Điều 218 BLTTDS, với nội dung: Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.Nếu không thoả mãn thì Toà án thông báo trả lại đơn khởi kiện.

Tóm lại, để có sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng thống nhất, thiết nghĩ: TAND cần có hướng dẫn, giải đáp về vấn đề này. Và để tránh sự vướng mắc, theo tác giả nên cần hướng dẫn, giải đáp theo hướng không nên ghi vào phần hậu quả của quyết định định đình chỉ vụ án dân sự về việc có được quyền khởi kiện lại vụ án hay không có quyền khởi kiện lại vụ án. Đồng thời kiến nghị TANDTC, có hướng dẫn giải thích đối với khoản 1 Điều 218 BLTTDS năm 2015.

ThS. TRƯƠNG THANH HÒA (TAND huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)

[1] Điều luật này qui định hậu quả của việc đình chỉ vụ án dân sự và Điều 218 BLTTDS năm 2015 cũng qui định về vấn đề hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, tuy nhiên không phải giống hoàn toàn mà có sự khác nhau.

[2]Điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 192 của BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011, cụ thể là: d) Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án; đ) Các đương sự đã tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án;

[3]Xem tại https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/nguyen-don-khong-nop-chi-phi-to-tung-khac-co-duoc-khoi-kien-lai

[4] Toàn bộ nội dung bài viết là quan điểm của tác giả để trao đổi với đồng nghiệp Dương Tấn Thanh, nhưng khi xem bài viết của đồng nghiệp về: 10 trường hợp đương sự có quyền nộp lại đơn khởi kiện của đồng nghiệp, đăng ngày 14/3/2018 tại trang điện tử Kiểm sát online thì nhận thấy trường hợp thứ 6: Tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ án với lý do người khởi kiện không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định, tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản. (Điều 151 BLTTDS năm 2015) như vậy chính ngay tác giả đã mâu thuẫn với chính mình về quyền khởi kiện lại vụ án của đương sự. Xem tại:http://kiemsat.vn/10-truong-hop-duong-su-co-quyen-nop-lai-don-khoi-kien-49235.html

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *