Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Để bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì Thẩm phán và Hội thẩm độc lập chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của hoạt động tố tụng hình sự đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013: “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” và tiếp tục được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cụ thể hóa.

Ảnh Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội
                Ảnh Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

Nguyên tắc này nhằm đảm bảo tính khách quan của các hành vi, quyết định do Thẩm phán, Hội thẩm thực hiện, đề cao trách nhiệm và tính độc lập, tự chủ của họ trong hoạt động xét xử. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm chỉ đánh giá dựa vào chứng cứ khách quan mà không bị lệ thuộc vào sự chỉ đạo, tác động hay sức ép của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khác và phải dựa vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Nguyên tắc này xác định tính độc lập, tự chủ của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử nhưng quy định rõ xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, ngược lại, khi họ chỉ tuân theo pháp luật thì mới độc lập được. Độc lập trong xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm không phải là sự tùy tiện, tự do không có căn cứ, thích làm gì thì làm mà phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục, loại trừ việc lạm quyền, vi phạm pháp luật và vi phạm chính nguyên tắc này.

Độc lập trong xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thể hiện ở hai khía cạnh: mối quan hệ bên trong và mối quan hệ bên ngoài.

Độc lập trong mối quan hệ bên trong gồm: quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm; quan hệ giữa Thẩm phán, Hội thẩm với Tòa án. Với tư cách là thành viên của Hội đồng xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm trước hết phải nghiên cứu kỹ vụ án, phải độc lập trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ, đưa ra quan điểm và biểu quyết về các vấn đề của vụ án, mọi hành vi, quyết định của họ không bị lệ thuộc vào thành viên khác trong Hội đồng xét xử. Hành vi, quyết định của họ cũng không chịu sự chỉ đạo, can thiệp, gây sức ép của lãnh đạo Tòa án. Tòa án cấp trên không được chỉ đạo Tòa án cấp dưới trong việc giải quyết vụ án.

Độc lập trong mối quan hệ bên ngoài là Thẩm phán, Hội thẩm đánh giá chứng cứ một cách khách quan, không lệ thuộc vào kết luận điều tra hoặc bản cáo trạng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mà phải dựa vào kết quả kiểm tra, đánh giá công khai các chứng cứ buộc tội và gỡ tội tại phiên tòa, phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội và các nguyên tắc khác trong tố tụng hình sự; không bị chi phối, tác động của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khi ra quyết định, bản án.

Để bảo đảm thực hiện nguyên tắc này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *