Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về cấp Giấy chứng nhận người bào chữa được hiểu như một dạng cáp giấy phép cho người bào chữa và qua thực tiễn thi hành cho thấy, quy định về thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa gây khó khăn đối với hoạt động tha gia tố tụng hình sự của luật sư, ảnh hưởng đến quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã thay bằng quy định đăng ký bào chữa để đơn giản hóa thủ tục, tránh trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng chậm trễ trong việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, ảnh hưởng đến quyền được bào chữa trong tố tụng hình sự. Việc bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa là cơ hội nâng cao vị thế, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong đời sống và trong hoạt động tố tụng, gia tăng phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của luật sư trong quá trình tham gia các vụ án hình sự.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa.
Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ:
- Đối với trường hợp người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội có giấy yêu cầu luật sư bào chữa thì khi đăng ký bào chữa, luật sư phải xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bảo sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;
- Đối với trường hợp người đại diện của người bị buộc tội bào chữa cho người bị buộc tội thì khi đăng ký bào chữa phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;
- Đối với trường hợp người được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình thì khi đăng ký bào chữa phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;
- Đối với trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý thì Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý khi đăng ký bào chữa phải xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.
Trường hợp chỉ định người bào chữa đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định mà mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ:
- Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề cá nhân;
- Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;
- Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Khi luật sư, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý đến để đăng ký bào chữa, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bảo đảm cho họ thực hiện quyền bào chữa của mình. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa theo quy định tại khoản 5 Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Vấn đề đặt ra là làm sao để “văn bản thông báo người bào chữa” không phải là một dạng biến tướng của hình thức thủ tục hành chính khác, có thể gây khó khăn cho việc tham gia tố tụng của người bào chữa. Tinh thần của điều luật nêu trên khác về bản chất so với quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (khoản 4 Điều 58) khi dành cho cơ quan tiến hành tố tụng quyền xét cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa. Quy định mới về thủ tục đăng ký trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã chuyển hóa thành nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, trong vòng 24 giờ phải gửi văn bản thông báo cho người bào chữa và cơ sở giam giữ để người bào chữa thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Về việc tiếp nhận thủ tục và ra văn bản thông báo đăng ký bào chữa, do diện người bào chữa khá rộng, việc bắt buộc chứng thực sao y bản chính các giấy tờ liên quan xác định tư cách người bào chữa chỉ áp dụng đối với trường hợp gửi thủ tục đăng ký bào chữa qua đường bưu điện. Còn các trường hợp khác người bào chữa đến trực tiếp Cơ quan điều tra thì chỉ cần mang theo bản chính Thẻ luật sư, Thẻ trợ giúp viên pháp lý, giấy tờ cá nhân và bản photo kèm theo để đối chiếu là được chấp nhận. Điều này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đề ra.
Sổ đăng ký bào chữa có ý nghĩa như sổ “công văn đến”, trong đó ghi nhận thời gian, cập nhật tên tuổi, các giấy tờ liên quan và chữ ký xác nhận của người bào chữa trong Sổ đăng ký bào chữa. Nếu thủ tục đăng ký bào chữa gửi qua bưu điện thì thời gian được tính theo dấu bưu điện tại nơi nhận và cũng được vào Sổ đăng ký bào chữa. Sau khi tiếp nhận, cán bộ trực ban phải chuyển đến Điều tra viên hoặc Thủ trưởng Cơ quan điều tra để chuẩn bị ngay văn bản thông báo đăng ký bào chữa gửi đến Nhà tạm giữ, Trại tạm giam nơi đang giam giữ người bị buộc tội do thời hạn xem xét đăng ký chỉ trong vòng 24 giờ.
Như nội dung điều luật đã nêu rõ, văn bản thông báo đăng ký bào chữa về bản chất là trách nhiệm mà cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện, nên một trong những việc quan trọng là trong thời hạn quy định, văn bản thông báo này phải được gửi đến người bào chữa và cơ sở giam giữ để tạo điều kiện cho người bào chữa tiếp xúc, gặp mặt, làm việc với người bị buộc tội. Đặc biệt, do văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng nên không được buộc người bào chữa phải nộp bản chính khi đến cơ sở giam giữ làm việc. Để thuận lợi trong quá trình tham gia tố tụng, người bào chữa khi đến gặp, làm việc với người bị tạm giữ, tạm giam nên chuẩn bị bản photo văn bản thông báo đăng ký bào chữa và Thẻ luật sư để cơ sở giam giữ lưu.
Để bảo đảm việc bào chữa theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp:
- Những người không được bào chữa theo quy định tại khoản 4 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó; người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Người bị buộc tội thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa từ chối người bào chữa. Đây là trường hợp bị can, bị cáo phạm tội mà Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa nhưng họ hoặc đại diện, người thân thích của họ từ chối người bào chữa.
Khi người bào chữa đã làm thủ tục đăng ký bào chữa và được cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản thông báo người bào chữa thì văn bản này có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp:
- Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa;
- Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội (người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi) từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa và thông báo cho người bào chữa, cơ sở giam giữ khi thuộc một trong các trường hợp:
- Khi phát hiện người bào chữa thuộc trường hợp không được bào chữa quy định khoản 4 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó; người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
- Người bào chữa vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa. Vấn đề là xác định thế nào là “vi phạm pháp luật”? Đây là một khái niệm mà nội hàm của nó khá rộng, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Trong quá trình tham gia tố tụng, hành vi của người bào chữa được soi xét nhiều chiều, bị chi phối, điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau, từ Luật luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cho đến các văn bản dưới luật. Đó là chưa kể “vi phạm pháp luật” ở đây còn có thể được hiểu là vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý về mặt hình sự hoặc vi phạm pháp luật chỉ ở mức xử lý về mặt hành chính. Vì thế, nội hàm của khái niệm “vi phạm pháp luật” trong quá trình tham gia tố tụng hình sự của người bào chữa cần được giới hạn trong việc thực thi các nghĩa vụ cảu người bào chữa được quy định tại khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 hoặc vi phạm các điều cấm đối với hoạt động hành nghề luật sư được quy định tại Điều 9 Luật luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012. Khoản 3 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định người bào chữa nếu vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của luật.