Trách nhiệm thông báo cho người bào chữa

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai, hỏi cung người được bào chữa (khoản 2 Điều 58) nhưng thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung bị can do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng  quyết định. Do đó, nếu không được thông báo trước về thời gian, địa điểm hỏi cung thì người bào chữa không thể thực hiện được quyền này do không chủ động trong việc chuẩn bị và sắp xếp để có mặt khi lấy lời khai, hỏi cung. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chung chỉ quy định người bào chữa có quyền đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian, địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can, không quy định báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, không quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thông báo, thời điểm thông báo cho người bào chữa về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung nên thực tế áp dụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, gây cản trở cho người bào chữa có mặt khi lấy lời khai, hỏi cung người được bào chữa, hoặc trong nhiều trường hợp, thời điểm thông báo quá gần với thời điểm lấy lời khai, hỏi cung nên mặc dù nhận được thông báo nhưng người bào chữa không kịp có mặt.

Để bảo đảm thực hiện quyền của người bào chữa khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, hỏi cung người được bào chữa và các hoạt động tố tụng khác theo quy định, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 dành một điều (Điều 79) quy định về trách nhiệm thông báo cho người bào chữa, trong đó quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng dự liệu trong trường hợp mặc dù đã được thông báo nhưng người bào chữa vẫn không có mặt sẽ gây khó khăn cho hoạt động tố tụng, vì vậy, khoản 2 Điều 79 Bộ luật này quy định trong trường hợp người bào chữa đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành, trừ trường hợp:

  • Người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử.
  • Trường hợp bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; bị cáo là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa thì phiên tòa vẫn được xét xử.

Vấn đề đặt ra là thời hạn “thông báo trước” của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là bao lâu? Trong trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể tham khảo cách thức đã được quy định tại Điều 7 Thông tư số 70/2011/TT-BCA, có điều chỉnh cho phù hợp với tinh thần Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau: Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký bào chữa, Điều tra viên phải giao các quyết định tố tụng liên quan đến người được bào chữa cho người bào chữa và thông báo cách thức liên lạc của Cơ quan điều tra, Điều tra viên với họ khi cần thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can. Điều tra viên phải thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can cho người bào chữa trước 12 (mười hai) giờ, trường hợp người bào chữa ở xa có thể thông báo trước 24 (hai mươi bốn) giờ. Trường hợp không thể trì hoãn được việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can thì Điều tra viên tiến hành lấy lời khai, hỏi cung và sau đó phải thông báo cho người bào chữa biết. Khi người bào chữa đề nghị, Điều tra viên phải xác nhận thời gian làm việc thực tế của người bào chữa tham gia tố tụng trong quá trình điều tra vụ án.

XEM THÊM