Trộm phải tiền giả có cấu thành tội trộm cắp tài sản không

KIM THÚY – Sau khi đăng bài viết “Trộm cắp tiền giả, tội gì?” của tác giả Nga Phạm đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử tại link https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu/trom-cap-tien-gia-toi-gi đã có hai bài các tác giả Đỗ Ngọc Bình và Phạm Thành Trung trao đổi… Tôi xin chia sẻ quan điểm của mình về vụ án này, cho rằng đột nhập chỗ ở của người khác, trộm cắp tiền giả không cấu thành tội phạm.

Trộm tiền giả có cấu thành tội trộm cắp tài sản

Mặc dù A đang thực hiện hành vi vận chuyển 01 bọc tiền có tổng số 100 tờ mệnh giá 200.000 đồng được xác định là tiền giả nhưng xét về mặt chủ quan của tội phạm thì về yếu tố lỗi của tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” thì chủ thể phải biết đó là tiền giả – với lỗi cố ý, tức là họ phải nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, do A hoàn toàn không biết nó là tiền giả, trong nhận thức của A cho rằng đây là tiền thật, nên không đủ căn cứ để kết luận A phạm tội “vận chuyển tiền giả” theo quy định tại Điều 207 BLHS 2015.

Đối với quan điểm 3 và cũng là quan điểm của tác giả Nga Phạm, tôi không đồng tình. Bởi lẽ: Khách thể của tội xâm phạm chỗ ở của người khác là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Quyền này được ghi nhận tại Điều 22 Hiến pháp 2013. Đối tượng tác động của tội phạm này là chỗ ở của người khác. Xét về mặt khách quan thì A có hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác quy định tại điểm d khoản 1 Điều 158 BLHS 2015. Mặc dù A có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác nhưng không gây ra hậu quả làm cho người khác bị mất chỗ ở, bị ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của họ và các thành viên trong gia đình họ hoặc gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại.

Về mặt chủ quan, tội xâm phạm chỗ ở của người khác được thực hiện với lỗi cố ý như tác giả Đỗ Ngọc Bình đã phân tích trong bài viết “Trộm cắp tiền giả vẫn là trộm cắp”. Trong khi đó, mục đích của A là chiếm đoạt tài sản. Do đó, có thể khẳng định đối với tình huống nêu trong bài viết thì hành vi của A không cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 BLHS 2015.

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của các tác giả Đỗ Ngọc Bình và Phạm Thành Trung cũng như một số ý kiến của bạn đọc bình luận trên Facebook của Tạp chí Tòa án nhân dân: Hành vi “chiếm đoạt” một cách lén lút của A thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội trộm cắp; lỗi của A là cố ý với mục đích là chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, các tác giả Đỗ Ngọc Bình và Phạm Thành Trung đều có ý kiến cho rằng trong trường hợp này có thể vận dụng tinh thần của hướng dẫn tại điểm 2 mục II Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP  ngày 25 tháng 12 năm 2001về việc Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS năm 1999 đó là: “2. Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm”. Và cho rằng mặc dù, bọc tiền mà A chiếm đoạt là tiền giả nhưng theo ý thức chủ quan của A là chiếm đoạt số tiền thật. Do vậy, có cơ sở cho rằng trường hợp này A phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015. Ý kiến này là không đúng, bởi lẽ: (1) Khách thể của tội trộm cắp tài sản là quyền sở hữu tài sản. Tội trộm cắp tài sản – Với tội danh này, đối tượng tác động của hành vi dứt khoát phải là tài sản.

Tiền giả có phải là tài sản – đối tượng tác động của hành vi trộm cắp hay không? Câu hỏi này đã được tác giả Nga Phạm làm rõ trong bài viết của mình: Theo quy định của BLDS 2015, tiền giả không phải là tài sản. Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển lưu hành tiền giả bị nghiêm cấm. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả quy định tại Điều 207 BLHS 2015. Do đó, quyền sở hữu tiền giả không được pháp luật bảo hộ.

(2) Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP nêu trên hướng dẫn BLHS 1999 và BLHS 1999 đã hết hiệu lực thi hành. Theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì  Thông tư liên tịch này đã hết hiệu lực thi hành do BLHS 1999 đã hết hiệu lực thi hành (Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực).

Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP không còn phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp 2013, BLTTHS 2015, BLHS 2015. Cụ thể: Điều 8 BLHS 2015 quy định như sau:

Điều 8. Khái niệm tội phạm 

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. 

Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.”

Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Quy định nói trên của Hiến pháp 2013 đã được cụ thể hóa bằng quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 13 BLTTHS 2015 như sau:

“Điều 13. Suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”.

Như vậy, tình huống mà tác giả Nga Phạm nêu trong bài viết “Trộm cắp tiền giả, tội gì?”, theo tôi, mặc dù A có hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác và hành vi này là “lén lút” với mục đích chiếm đoạt tài sản nhưng đối chiếu với các quy định của BLDS 2015, các quy định của BLHS 2015, BLTTHS 2015 thì hành vi của A không đủ yếu tố cấu thành tội phạm – A không có tội; hành vi của A chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính.

Theo Tạp chí điện tử Tòa án

XEM THÊM