Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp để ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép và bắt chước mẫu mã sản phẩm giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường. Quy định đối với việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bao gồm:
I- Tài liệu tối thiểu cần có khi đăng ký kiểu dáng công nghiệp (KDCN):
1- Tờ khai đăng ký KDCN;
2- Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ KDCN (05 bộ);
3- Bản mô tả KDCN;
4- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
II- Yêu cầu đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
1- Mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
2- Mọi tài liệu của đơn đều phải được làm bằng tiếng Việt. Đối với các tài liệu được làm bằng ngôn ngữ khác theo quy định thì phải được dịch ra tiếng Việt;
3- Mọi tài liệu của đơn đều phải được trình bày theo chiều dọc (riêng hình vẽ, sơ đồ và bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang) trên một mặt giấy khổ A4 (210mm x 297mm), trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn;
4- Đối với tài liệu cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải sử dụng các mẫu đó và điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu vào những chỗ thích hợp;
5- Mỗi loại tài liệu nếu bao gồm nhiều trang thì mỗi trang phải ghi số thứ tự trang đó bằng chữ số Ả-rập;
6- Tài liệu phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ,một cách rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xoá, không sửa chữa; trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì người nộp đơn có thể sửa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của người nộp đơn;
7-Thuật ngữ dùng trong đơn phải là thuật ngữ phổ thông (không dùng tiếng địa phương, từ hiếm, từ tự tạo). Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam;
8- Đơn có thể kèm theo tài liệu bổ trợ là vật mang dữ liệu điện tử của một phần hoặc toàn bộ nội dung tài liệu đơn.
III- Điều kiện để được bảo hộ Kiểu Dáng Công Nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
– Có tính mới (trên phạm vi thế giới), nghĩa là chưa từng được bộc lộ công khai ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, dưới hình thức công bố hoặc sử dụng.
– Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
+ Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;
+ Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học; + Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
– Có tính sáng tạo, nghĩa là kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
– Có khả năng áp dụng công nghiệp, nghĩa là có khả năng dùng làm mẫu để chế tạo lặp đi lặp lại hàng loạt sản phẩm có kiểu dáng giống hệt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
IV- Cơ sở pháp lý
1- Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009;
2- Nghị định 103/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
3- Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành;
4- Thông tư 05/2013/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 103/2006/NĐ-CP về Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp được sửa đổi theo Thông tư13/2010/TT-BKHCN và 18/2011/TT-BKHCN do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.