Đương sự là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến vụ án. Việc tham gia tố tụng dân sự của họ là nhằm bảo vệ trực tiếp các quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy vậy, ngoài đương sự thì việc tham gia tố tụng dân sự của những người tham gia tố tụng khác có ý nghĩa rất lớn. Nó vừa thể hiện tính chất dân chủ trong tố tụng, tính chất bình đẳng trong tố tụng dân sự và mục tiêu cuối cùng là giúp Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. BLTTDS 2015 quy định về việc tham gia tố tụng của những người tha gia tố tụng khác ngoài đương sự trong chương VI, mục 2 (từ Điều 75 đến Điều 90).
Theo quy định của BLTTDS 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 75); người làm chứng (Điều 77); người giám định (Điều 79); người phiên dịch (Điều 81); người đại diện (Điều 85). Tương tự thì các cơ quan, tổ chức cũng có thể cử người đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân viên hoặc người mà pháp luật quy định cần có người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Để tăng cường vai trò của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết tranh chấp và phát huy, mở rộng dân chủ trong tố tụng dân sự, BLTTDS 2015 vẫn giữ nguyên nguyên tắc việc tham gia tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân là một nguyên tắc cơ bản. Thực hiện tốt nguyên tắc này trong thực tế sẽ giúp cho hoạt động tố tụng dân sự được tiến hành kịp thời, dân chủ, công khai, khách quan, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự và những người có liên quan trong tố tụng dân sự.
Để bảo đảm cho nguyên tắc này được thực hiện nghiêm chỉnh, BLTTDS 2015 có quy định tại Điều 494 về xử lý hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án, theo đó, người có hành vi đe dọa, hành hung hoặc lợi dụng sự lệ thuộc nhằm cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đến phiên tòa, phiên họp theo triệu tập của Tòa án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.