Vụ tai nạn giao thông tại Hoài Đức, Hà Nội: Không xác định được điểm va chạm trên đường, làm sao quy kết bị cáo “lấn làn”?

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết, 1 người bị thương vào rạng sáng 25/10/2016 tại quốc lộ 32 (địa phận xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội), TAND huyện Hoài Đức đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hùng Vương (SN 1984, trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội) 42 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Trong khi đó, bị cáo liên tục kêu oan và cho rằng, lỗi đi lấn làn thuộc về người điều khiển xe mô tô đi hướng ngược chiều (bị thương sau vụ tai nạn) chứ không phải của mình.
Vụ tai nạn giao thông tại Hoài Đức, Hà Nội: Không xác định được điểm va chạm trên đường,  làm sao quy kết bị cáo “lấn làn”?

Hiện trường vụ tai nạn. ảnh: autopro.com.vn

Theo bản án sơ thẩm, vào khoảng 0h15 phút ngày 25/10/2016, bị cáo Vương điều khiển xe ô tô taxi (BKS 30A-398.63) lưu thông trên quốc lộ 32 theo hướng Hà Nội đi Sơn Tây. Khi đi đến km 18 + 900 quốc lộ 32 thuộc địa phận thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng, Vương phát hiện phía trước đầu xe của bị cáo cách khoảng 20m có 1 xe mô tô đi ngược chiều (do anh Vũ Hải điều khiển chở chị Nguyễn Thị Hường) lấn sang làn đường bên trái (theo hướng mô tô). Thấy vậy, Vương đánh lái sang trái theo hướng đi của mình nhưng lúc đó, anh Hải cũng đánh lái sang phải theo hướng đi của mình. Khi phần đầu xe ô tô của Hải vượt qua vạch kẻ sơn trắng đứt quãng (chia 2 làn đường), lấn sang làn đường của xe đi ngược chiều thì đâm vào phần đầu xe mô tô của  anh Hải. Hậu quả vụ tai nạn làm chị Hường bị tử vong, anh Hải bị tổn hại 74% sức khỏe và 2 phương tiện bị hư hỏng”.

Đáng nói, trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức đã tiến hành trưng cầu giám định để xác định điểm va chạm trên mặt đường giữa hai xe. Tuy nhiên, Viện Khoa học hình sự (Bộ công an) đã trả lời rõ: “Căn cứ vào hồ sơ vụ tai nạn giao thông gửi giám định, không xác định được vị trí va chạm giữa xe ô tô với xe mô tô trên mặt đường”.

Luật sư (LS) Lê Đình Việt (Cty Luật TNHH Minh Tín, bào chữa cho bị cáo Vương) cho rằng, việc chứng minh tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng nhưng rõ ràng, với với kết luận trên thì không thể khẳng định bị cáo Vương đã “lấn làn”, gây tai nạn trong vụ án này.

Theo LS Việt thì việc các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) cấp sơ thẩm căn cứ vào vị trí xe ô tô sau tai nạn để kết luận bị cáo đã lấn làn là không phù hợp, thiếu khách quan và có dấu hiệu oan sai. Bởi theo hướng bị đẩy đi sau tai nạn và quán tính di chuyển của xe taxi (cần phản ứng đạp phanh của lái xe nên xe không thể dừng ngay tức khắc được) thì xe taxi sẽ có xu hướng dịch chuyển sang bên làn đường bên kia. Vì vậy, khi xảy ra va chạm ở phần đường bên này nhưng sau đó, xe taxi tiếp tục bị dịch chuyển theo quán tính sang làn xe bên kia thì cũng là điều phù hợp với diễn biến khách quan.

Trong khi đó, bị cáo Vương cũng luôn kêu oan và khẳng định, nhận thấy tình huống nguy hiểm khi có phương tiện ngược chiều lấn làn, bị cáo đã đánh lái sang trái để tránh va chạm. Khi bánh trái xe ô tô qua vạch phân làn giữa đường được khoảng 30cm thì đã bị mô tô của anh Hải đâm mạnh vào phần đầu bên phải của xe taxi.

LS Việt cho rằng, với lời khai trên, cộng với dấu vết tại hiện trường (dấu vết xe mô tô cày trên đường; vết máu và xe mô tô đều ở phần đường của xe taxi), vị trí va chạm trên xe (bên trái xe ô tô), độ rộng của xe ô tô (1,2m)… thì có thể thấy, bản thân bị hại Hải cũng đã lấn làn của xe ngược chiều.  Tức là rất có thể, sau khi đánh lái qua bên trái và chưa chạy được về đúng làn đường của mình thì anh Hải đã đâm xe mô tô vào đầu xe taxi. Như vậy, các cơ quan THTT cấp sơ thẩm đã không làm rõ lỗi của bị hại Hải trong vụ án này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có dấu hiệu sót người, lọt tội cũng như có dấu hiệu oan sai, “dồn” tội bị cáo Vương.

Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, các cơ quan THTT đã biết rất rõ việc anh Hải điều khiển xe mô tô không có Giấy phép lái xe, lái xe không đội mũ bảo hiểm… nhưng đều không đề cập đến lỗi của anh này. Việc anh Hải tự ý lấy xe của anh Vũ Văn Quảng mang đi sử dụng (không được sự đồng ý của anh Quảng) và tháo Biển kiểm soát (cất vào trong cốp xe), không thể nhớ và khai gì về diễn biến từ khoảng 22 giờ ngày 24/10/2016 đến khi xảy ra tai nạn, có dấu hiệu sử dụng rượu bia… là những điều mờ ám, cần phải làm rõ trong vụ án này.

Theo Báo pháp luật Việt Nam

XEM THÊM

One thought on “Vụ tai nạn giao thông tại Hoài Đức, Hà Nội: Không xác định được điểm va chạm trên đường, làm sao quy kết bị cáo “lấn làn”?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *