Việc xác định lỗi của chủ thể trong vi phạm pháp luật (VPPL) là một yêu cầu bắt buộc trong mọi trường hợp vì không có lỗi thì không có vi phạm. Tuy nhiên, việc xác định lỗi từ trước đến nay mới chủ yếu là xác định ở chủ thể vi phạm là cá nhân, việc xác định lỗi của chủ thể là pháp nhân chưa thực sự được quan tâm. Về mặt lý luận, cơ sở của việc xác định lỗi của pháp nhân chưa được giải quyết thấu đáo. Thời gian gần đây, vấn đề tội phạm hóa đối với pháp nhân thương mại đã được đặt ra trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Bài viết cung cấp thêm một số vấn đề lý luận xung quanh việc xác định lỗi của pháp nhân trong VPPL nói chung và đặc biệt là trong các tội phạm được đề cập trong BLHS.
Trong hầu hết các công trình nghiên cứu, các văn bản pháp luật hay trong giáo trình giảng dạy luật ở bậc đại học… lỗi đều được xác định là thái độ hoặc trạng thái tâm lý tiêu cực của chủ thể đối với hành vi và hậu quả của nó. Có thể thấy hàng loạt các ví dụ về khái niệm này. Chẳng hạn: “Lỗi phản ánh thái độ tâm lý bên trong của chủ thể đối với hành vi trái pháp luật và hậu quả của hành vi đó”[1] hay “Lỗi là trạng thái tâm lý của cá nhân trong khi thực hiện hành vi vi phạm”[2] hoặc “Lỗi là trạng thái tâm lý của người thực hiện hành vi trái pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội”[3]; cũng có khi trực tiếp đồng nhất lỗi trong tội phạm với lỗi nói chung là: “…thái độ tâm lý của người phạm tội với hành vi phạm tội mà người đó thực hiện và đối với hậu quả của hành vi đó”[4].
Nói chung, theo những cách hiểu trên đây, lỗi được hiểu là hoạt động tâm lý bên trong của các chủ thể VPPL. Nó thuộc mặt chủ quan của VPPL[5]. Đây là một khái niệm phức tạp. Thứ nhất, lỗi là hoạt động tâm lý bên trong của chủ thể và vì vậy nó không thể cân, đong, đo, đếm được, do đó nó là một khái niệm rất trừu tượng và khó khái quát. Thứ hai, các khái niệm trên hầu như mới nói tới lỗi với tư cách là hoạt động tâm lý của cá nhân (hoặc con người cụ thể) chứ chưa nói tới loại chủ thể là tổ chức, trong đó có pháp nhân. Thực ra, nếu nói lỗi là hoạt động tâm lý bên trong của con người thì liệu có thể nói pháp nhân có lỗi được hay không? Hoạt động của pháp nhân là loại hoạt động phức tạp do sự phối hợp của nhiều người, trong khi đó, mỗi cá nhân là một thực thể độc lập, có nhân cách, suy nghĩ, tình cảm và nhu cầu khác nhau. Ngay cả trong một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì cũng phải có cơ cấu tổ chức để hoạt động vì một thành viên ở đây chỉ được xác định là thành viên sáng lập. Trên thực tế, sự quyết định của pháp nhân là quyết định của tập thể, trong đó mỗi cá nhân có một phần trách nhiệm gắn với những lợi ích mà họ có thể có được do những quyết định ấy. Họ là những người thực hiện các hoạt động của pháp nhân sau khi đã tham gia vào pháp nhân và đã thực hiện sự uỷ quyền (thuê, giao công việc…). Trong trường hợp những quyết định của pháp nhân được ban hành bởi những người đại diện cho pháp nhân vượt thẩm quyền mà pháp nhân đã uỷ quyền thì cá nhân này sẽ phải là người chịu trách nhiệm về phần vượt quá đó. Thực chất năng lực trách nhiệm pháp lý của chủ thể là pháp nhân được xác định là khả năng gánh chịu hậu quả pháp lý từ hoạt động của pháp nhân. Nhưng điều đó không có nghĩa là trách nhiệm được chia đều cho các chủ thể tham gia vào pháp nhân. Chính vì vậy, cần có sự phân hoá trách nhiệm cho cá nhân khi tham gia hoạt động của pháp nhân. Tất nhiên, phải có cơ chế cho việc phân hoá này. Ví dụ trong trường hợp bồi thường thiệt hại do một thành viên hoặc nhóm thành viên trong pháp nhân gây ra khi hoạt động nhân danh pháp nhân, người ta không thể đòi bồi thường đối với từng cá nhân, mà tổ chức phải đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thay, sau đó pháp nhân có quyền yêu cầu các cá nhân phải bồi hoàn ngược lại cho mình. Mặt khác, các pháp nhân do con người thành lập ra nhưng bản thân pháp nhân cũng là một chủ thể có tư cách riêng, độc lập với những người đã thành lập ra nó. Từ những lý do trên mà chúng ta buộc phải xem lại hoặc là khái niệm lỗi hoặc là phải xác định tư cách của chủ thể là cá nhân hay pháp nhân trong VPPL, nếu không thì không thể có khái niệm VPPL nói chung cho cả cá nhân và cho cả tổ chức (là pháp nhân). Mâu thuẫn này đã xảy ra trong thực tế. Nếu như luật hình sự khẳng định tội phạm chỉ có thể là các cá nhân thì vấn đề sẽ trở nên đơn giản[6], nhưng không phải chỉ có pháp luật hình sự điều chỉnh các quan hệ xã hội mà có rất nhiều ngành luật tham gia điều chỉnh và vì vậy, cũng không chỉ có khái niệm tội phạm mà còn có nhiều khái niệm VPPL khác tùy theo sự quy định của từng ngành luật hoặc tùy từng quan niệm. Chẳng hạn, có quan điểm khẳng định rằng: “… lỗi chỉ là trạng thái tâm lý của cá nhân trong khi thực hiện hành vi vi phạm nên không đặt ra vấn đề lỗi với tổ chức vi phạm hành chính. Khi xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, chỉ cần xác định tổ chức đó có hành vi trái pháp luật hành chính và hành vi đó theo quy định của pháp luật bị xử phạt bằng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là đủ”[7].
Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là lỗi có phải luôn luôn là dấu hiệu bắt buộc trong tất cả các VPPL hay không, hoặc là phải xem xét lại khái niệm lỗi? Như ta đã xem xét ở trên, lỗi là trạng thái (hay thái độ) tâm lý của chủ thể đối với hành vi và hậu quả của hành vi. Trong khi đó, hoạt động của một pháp nhân nhất định phải có sự kết hợp của nhiều người, mỗi người lại có hoạt động tâm lý riêng, có cách đánh giá khác nhau về tính hợp pháp của hành vi, về hậu quả của hành vi đó. Nói cách khác, mỗi cá nhân sẽ có một trạng thái tâm lý độc lập. Nếu muốn xác định lỗi cho chủ thể là pháp nhân thì phải xem lỗi của từng cá nhân ở trong pháp nhân và thực tế thì không có lỗi chung của pháp nhân được. Đây là cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm cuối cùng cho chủ thể vi phạm.
Chính vì mỗi con người là một thực thể độc lập trong một tập thể nhưng lại được phân công trách nhiệm cụ thể với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo sự phân công hay uỷ quyền của tập thể, của pháp nhân, do vậy, những người hoạt động nhân danh pháp nhân và vì lợi ích của pháp nhân có lỗi thì đương nhiên lỗi đó sẽ bị coi là lỗi của pháp nhân và chính pháp nhân phải chịu trách nhiệm về lỗi đó. Sự liên quan của các cá nhân trong pháp nhân chính là do sự uỷ quyền này. Thực ra, lỗi của pháp nhân ở đây được xét một cách “kéo dài” từ thời điểm mà pháp nhân phân công hay uỷ quyền cho các cá nhân chịu trách nhiệm[8]. Tại thời điểm các cá nhân nhận được trách nhiệm thì chính cá nhân đã được tự do ý chí, họ có quyền nhận hay không nhận trách nhiệm đó. Theo sự uỷ quyền thì cá nhân, người nhận được sự uỷ quyền gần như đương nhiên phải có một lợi ích gì ở đó. Mặt khác, nếu cá nhân, người được uỷ quyền có hành vi thực hiện một cách trái pháp luật nhưng trong phạm vi được uỷ quyền thì hành vi của cá nhân đó chính là hành vi của pháp nhân. Trong trường hợp đó, pháp nhân đã có sự lựa chọn, được “tự do ý chí” và có khả năng “kiểm soát” hành vi của người mà mình đã uỷ quyền tại thời điểm uỷ quyền. Nếu xác định như vậy thì rất có thể xảy ra truờng hợp bán hoặc cho thuê tư cách pháp nhân như đã từng xảy ra ở hàng loạt doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong thời gian gần đây. Đó là, sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã ra đời mà không hoạt động hoặc tham gia vào các hoạt động mua đi bán lại hoá đơn hàng hoá để kiếm lợi bất chính. Việc cho thuê doanh nghiệp gắn liền với những lợi ích của chính người cho thuê và người cho thuê phải chịu trách nhiệm về việc cho thuê doanh nghiệp của chính mình cũng như cả sự vi phạm của người đi thuê. Việc xác định như vậy sẽ có ý nghĩa rất lớn trong quản lý và đặc biệt là chế độ hậu kiểm trong quản lý kinh tế ở các pháp nhân thương mại. Chính vì vậy, tính có lỗi của tổ chức ở đây được xác định do tổ chức hoàn toàn có thể biết trước và điều khiển hành vi cũng như hậu quả của hành vi do người mà mình đã trao trách nhiệm thực hiện.
Việc xác định lỗi ở đây đã không còn trực tiếp là việc xác định lỗi trong trường hợp cụ thể xảy ra khi diễn ra hoạt động trái pháp luật của cá nhân nữa và không chỉ còn là trạng thái tâm lý nữa. Trong trường hợp này, quan điểm cho rằng trong VPPL của pháp nhân thì không cần xác định lỗi (chứ không phải là không có lỗi) được coi là hợp lý, vì rằng trong những trường hợp đó, pháp nhân đương nhiên bị coi là có lỗi.
Bên cạnh đó, hành vi vi phạm được thấy trong pháp nhân có thể tồn tại dưới một dạng khác. Đó là trường hợp cá nhân người được pháp nhân uỷ quyền đã nhân danh pháp nhân thực hiện hành vi VPPL nhưng hành vi đó lại nằm ngoài hoặc vượt quá phạm vi được uỷ quyền bởi pháp nhân. Trong trường hợp này, pháp nhân đã không xác định trước được hành vi có thể xảy ra ở người được uỷ quyền lúc tiến hành uỷ quyền cho người đó. Khi đó, phải xác định hai trường hợp:
– Pháp nhân có biết và có thể kiểm soát được hành vi của cá nhân người được uỷ quyền;
– Pháp nhân không biết và cũng không thể kiểm soát được hành vi của người được uỷ quyền.
Trong trường hợp thứ nhất, pháp nhân vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm cùng với cá nhân vi phạm, vì nếu không có danh nghĩa của pháp nhân thì cá nhân đó không thể thực hiện được hành vi vi phạm. Trong điều kiện đó, pháp nhân có thể chấm dứt sự uỷ quyền hoặc ngăn chặn người đã lợi dụng danh nghĩa của mình để thực hiện hành vi vi phạm. Khi đó, pháp nhân vẫn có sự tự do ý chí và được lựa chọn một trong hai cách xử sự đã nêu trên. Nói cách khác, pháp nhân vẫn bị xác định là chủ thể có lỗi trong trường hợp này. Tính có lỗi của pháp nhân ở đây được xác định do pháp nhân hoàn toàn có thể biết trước và điều khiển hành vi cũng như hậu quả của hành vi do người mà mình đã trao trách nhiệm thực hiện.
Trong trường hợp thứ hai, người được uỷ quyền thực hiện hành vi ngoài phạm vi uỷ quyền mà pháp nhân không thể biết và cũng không thể kiểm soát, thì có thể khẳng định pháp nhân không có lỗi. Căn cứ để kết luận như vậy là dựa vào khả năng được tự do ý chí của pháp nhân trong trường hợp này đã không còn ý nghĩa, người thực hiện hành vi đã nằm ngoài sự kiểm soát của pháp nhân. Khi đó, cá nhân người thực hiện hành vi chính là chủ thể có lỗi, là người phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chính mình.
Trong các trường hợp pháp nhân là người có lỗi thì người đại diện cho pháp nhân sẽ thay mặt pháp nhân nhận trách nhiệm của người “có trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi và hậu quả của hành vi”.
Vấn đề nữa cần phân biệt là lỗi của pháp nhân là lỗi cố ý hay vô ý. Việc phân biệt này có ý nghĩa rất lớn đối với khả năng phải chịu trách nhiệm về hậu quả do hành vi vi phạm gây ra vì nó được coi là “thước đo trách nhiệm pháp lý”. Như đã phân tích ở trên, lỗi được xem xét một cách “kéo dài” nên lỗi được phân biệt chủ yếu dựa vào thái độ của các chủ thể khi uỷ quyền và khi được uỷ quyền. Đối với pháp nhân thương mại, mục đích thành lập và hoạt động đương nhiên được xác định là lợi nhuận. Do vậy, việc ủy quyền trong các hoạt động phải xác định được mục đích của sự ủy quyền cụ thể là gì, có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không. Đó là căn cứ để xác định lỗi cố ý hay vô ý. Đối với pháp nhân, không cần phải xác định cụ thể lỗi cố ý trực tiếp hay gián tiếp, vô ý do quá tự tin hay do cẩu thả như đối với cá nhân.
Cũng cần phải chú ý là việc xử lý VPPL, nhất là tội phạm đối với các pháp nhân thương mại có liên quan trực tiếp đến lợi ích của người lao động. Hiện chưa có cơ chế để bảo vệ người lao động trong các doanh nghiệp là pháp nhân thương mại khi bị buộc chấm dứt hoạt động, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm cho người lao động như đã xảy ra trong thời gian gần đây. Vì vậy, ngay cả khi xử lý trách nhiệm hình sự với pháp nhân thì vẫn cần cá biệt hóa trách nhiệm hình sự đối với một số chủ thể có liên quan nếu có đủ dấu hiệu và thỏa mãn cấu thành tội phạm độc lập, trong đó có những cá nhân đã thành lập ra các pháp nhân dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi các pháp nhân này phạm tội để có thể khắc phục triệt để những hậu quả của vi phạm do pháp nhân gây ra./.
Bùi Xuân Phái, TS.GV Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]Trường Đại học Luật Hà Nội, (2016), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, Hà Nội, tr. 426.
[2] Trường Đại học Luật Hà Nội, (2012), Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 320.
[3] Chủ biên PGS,TS Trần Ngọc Đường, (1998), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.373.
[4] Nguyễn Duy Lãm, (1996), Sổ tay Thuật ngữ pháp lý thông dụng, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 212.
[5] Trường Đại học Luật Hà Nội, (2016), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, Hà Nội, tr. 426-427.
[6] Hiện nay, BLHS số100/2015/QH13 ngày 27/11/ 2015 đã quy định tội phạm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, Bộ luật này đang trong quá trình chỉnh sửa, nên việc áp dụng sẽ được thực hiện theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực của BLHS năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
[7] Trường Đại học Luật Hà Nội, (2012), Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.320.
[8] Xem thêm Bùi Xuân Phái (2002), VPPL – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 20.