Thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cho thấy, trong tố tụng hình sự, tội phạm không chỉ xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân mà còn xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức. Cùng với đó, Bộ luật hình sự quy định xử lý không chỉ đối với các hành vi xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức mà trong một số trường hợp xử lý với cả hành vi đe dọa xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp. Do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chưa quy định đầy đủ nên thực tiễn áp dụng chưa thống nhất. Để khắc phục những vướng mắc, bất cập này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Thiệt hại về thể chất, tinh thần là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; thiệt hại về tài sản là việc tài sản bị chiếm đoạt, mất, hủy hoại hoặc làm hư hỏng; thiệt hại về uy tín là việc mất đi sự tín nhiệm, mến phục của mọi người. Các thiệt hại này phải do hành vi phạm tội trực tiếp gây ra cho bị hại, thiệt hại đó phải có quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội, đây là căn cứ quan trọng để phân biệt bị hại với các đương sự khác trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, cần lưu ý là hậu quả của thiệt hại không phải là yếu tố bắt buộc trong tất cả các trường hợp và cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại chỉ tham gia tố tụng hình sự với tư cách bị hại khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Về quyền của bị hại hoặc người đại diện của họ, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được bổ sung các quyền: được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ; đưa ra chứng cứ; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; được thông báo kết quả giải quyết vụ án; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người định giá tài sản, người dịch thuật; đề nghị hình phạt; đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền lợi cho mình; tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình hoặc của người thân thích của mình khi bị đe dọa; các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Về nghĩa vụ, bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải. Bị hại có nghĩa vụ chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Cùng với quy định trường hợp bị hại chết, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định trong trường hợp bị hại mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại theo quy định. Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định. Quy định theo hướng này bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đồng thời phù hợp với việc bổ sung bị hại là cơ quan, tổ chức.
Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội