Bị cáo Trương Quý Dương đổ lỗi cho cấp dưới

Bị cáo Trương Quý Dương gần chục lần khẳng định đã ủy quyền quản lý cho cấp dưới vì thế chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu.

Bị cáo Trương Qúy Dương tại phiên tòa

Sáng nay, trong ngày thứ hai của phiên tòa, Hoàng Công Lương cùng hai người được tại ngoại là Trương Quý Dương (cựu giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc) đến sớm trước gần một tiếng. Lương ngồi một mình, khom người ở hàng ghế đầu tiên, phía sau là hai ông sếp cũ. 

Trong suốt hơn một tiếng bị thẩm vấn, trước gần 20 câu hỏi dồn dập của chủ tọa Nghiêm Hoài Anh, cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình Trương Quý Dương đều khẳng định chỉ có trách nhiệm quản lý chung của người đứng đầu. Với từng lớp trách nhiệm chuyên môn cụ thể, ông đã phân công đầy đủ cho cấp dưới và không nhận được báo cáo hay phản hồi bất thường nào.

Đứng thẳng, hai tay chắp ngay ngắn trước bụng, cựu giám đốc bệnh viện đa khoa Hòa Bình dõng dạc khai đã đưa hệ thống xử lý nước phục vụ máy lọc máu, chạy thận vào kế hoạch sửa chữa từ đầu năm 2017. Quy trình thẩm định đề xuất sửa chữa được thực hiện theo các bước: mời kỹ thuật xem xét đánh giá, qua bộ phận vật tư đề xuất kế hoạch sửa chữa trong quý II năm 2017. Trình tự, thủ tục tiến tới việc ký kết hợp đồng, sửa chữa có kế hoạch do cấp dưới trình lên. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch nhằm củng cố thiết bị tốt hơn, tránh hỏng “chứ thực tế chưa hỏng”. Minh chứng là trước đó một ngày hệ thống vẫn chạy, nước vẫn được cung cấp tốt.

Ông Dương khẳng định hệ thống máy lọc liên quan việc chạy thận được mua bằng kinh phí bệnh viện, không liên kết. Trách nhiệm sửa chữa thuộc về bệnh viện song do không đủ năng lực nên phải thuê phía Thiên Sơn. Ông là người cuối cùng phê duyệt, ký hợp đồng với Thiên Sơn vào chiều 25/5/2017.

Khi trình bày những điều trên tại tòa vào sáng nay, bị cáo Dương nhấn mạnh tới gần chục lần rằng: Tất cả mọi đề xuất chuyên môn, khảo sát, thẩm định là do các bộ phận chuyên môn thuộc cấp dưới thực hiện, chịu trách nhiệm. Ít nhất 5 lần ông khẳng định bộ phận chuyên môn gồm: khoa Hồi sức tích cực, phòng vật tư và phòng tài chính kế toán.

Nhiều lần, chủ tọa truy vấn về việc có giao trách nhiệm quản lý, giám sát cho một cá nhân cụ thể nào không, bị cáo Dương đều nói về nguyên tắc là quyền của mình song đã ủy quyền, phân quyền cho phó giám đốc phụ trách trực tiếp khoa, phòng đó. Trong trường hợp này là phó giám đốc Hoàng Đình Khiếu.

“Thể hiện bằng quyết định nào?”, chủ tọa truy vấn. Bị cáo Dương nói không nhớ cụ thể vì bệnh viện có hơn 1.000 thiết bị. Tuy nhiên với quyết định giao cho khoa thì ông trực tiếp ký, còn giao trực tiếp cho bác sĩ thì phó giám đốc Khiếu ký. 

“Ai tham mưu, soạn thảo hợp đồng? Trước đó bị cáo chỉ đạo những nhiệm vụ gì?”, HĐXX hỏi. Bị cáo Dương đáp: Phòng vật tư song chỉ nắm được đến trưởng phòng.

Trả lời về trách nhiệm giám sát của mình, bị cáo Dương cho hay thực hiện qua nhiều kênh. Thứ nhất, bị cáo trực tiếp kiểm tra, nhiều lần xuống hỏi bác sĩ Lương máy hoạt động thế nào, có trục trặc, có đề xuất gì không. Kênh thứ hai qua phòng ban chuyên môn, các khoa, phòng báo cáo. Bộ phận chuyên môn phát hiện trục trặc có trách nhiệm báo cáo. Kênh thứ ba, lập đoàn thanh, kiểm tra thực tế, định kỳ nắm bắt những bất cập.

Chủ tọa cho rằng bệnh viện quản lý lỏng lẻo, không phân công trách nhiệm cán bộ trực tiếp nên sự cố ngày 28/5 về chất lượng nước dùng lọc thận khiến nhiều 9 bệnh nhân thiệt mạng. “Là giám đốc bị cáo thấy mình có trách nhiệm trong sự cố không?”, người điều hành phiên tòa hỏi. Tuy nhiên, bị cáo Dương không trả lời thẳng mà nói có trách nhiệm gián tiếp với mọi việc xảy ra trong bệnh viện; còn quản lý trực tiếp thuộc về trách nhiệm của cấp dưới.

“Bị cáo thừa nhận trách nhiệm gì với hậu quả ngày 28/5/2017, với tư cách giám đốc bệnh viện, người quản lý?”, chủ tọa hỏi lại.  Ông Dương đáp: Khái niệm trách nhiệm rất rộng, “cứ có việc gì xảy ra thì giám đốc chịu trách nhiệm”. Nhưng việc chuyên môn liên quan nhiều người, nhiều bộ phận. “Ngay từ ngày đầu, bị cáo đã nhận trách nhiệm và bị cách chức, còn lỗi trực tiếp là ở đâu, mong HĐXX làm rõ”, cựu giám đốc Bệnh viện Hòa Bình nói.

Trong khi trả lời thẩm vấn, bị cáo Dương còn xin HĐXX “xét xử có tình” với hai thuộc cấp là Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn. Với tội danh mình bị truy tố, ông Dương trình bày: “Không dám nói là bị oan”.

Trong sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong, ông Dương bị cáo buộc không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên để kiểm tra chất lượng nước, dịch lọc nước trước, trong và sau khi lọc máu. Từ năm 2014 đến 2017, ông không có quyết định giao người phụ trách đơn nguyên này.

Là giám đốc song ông không ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO để nhân viên tuỳ tiện sử dụng. Ông Dương ký các hợp đồng, thanh lý hợp đồng sửa chữa nhưng không sâu sát kiểm tra để gây ra hậu quả làm 9 người chết.Video Player is loading.DừngHiện tại 0:07/Thời lượng 1:33Đã tải: 0%Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngTắt phụ đềToàn màn hìnhQuảng cáo sẽ hiển thị sau 3 giây

Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người tử vong. Nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo. Vụ án sau đó được đưa ra xét xử ba lần trong vòng 6 tháng song đều bị hoãn.

Hoàng Công Lương (bác sĩ), Bùi Mạnh Quốc sau đó bị xét xử về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù.

Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư) cùng Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 12 năm tù.

Theo Báo điện tử Vnexpress

XEM THÊM