Biện pháp ngăn chặn là các biện pháp do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị buộc tội nhưng không phụ thuộc vào ý chí của những người này. Điều luật được xây dựng trên cơ sở tiếp tục kế thừa quy định cảu Điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn. Theo đó, khi có một trong bốn căn cứ sau đây thì có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn:
- Để kịp thời ngăn chặn tội phạm; (2) Khi có căn cứ cho rằng người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; (3) Khi có căn cứ cho rằng người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội; (4) khi cần bảo đảm thi hành án.
Khi áp dụng các quy định này cần chú ý:
- Đây chỉ là những quy định chung về căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn; còn căn cứ để áp dụng từng biện pháp ngăn chặn được quy định ở các điều luật về biện pháp ngăn chặn cụ thể. Do đó, vừa phải dựa vào các căn cứ chung, vừa phải dựa vào các căn cứ riêng để áp dụng từng biện pháp ngăn chặn được chính xác, đúng pháp luật, tránh nhận thức sai lầm rằng, đã là người phạm tội thì dứt khoát phải áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với họ và ngược lại, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn (mà nhất là biện pháp tạm giam) thì dứt khoát phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc coi là họ có tội.
- Căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm” là căn cứ rõ ràng và trực tiếp nhất để áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Còn đối với trường hợp: “Người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội” thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải làm rõ các căn cứ chứng tỏ rằng người bị buộc tội có thể thực hiện những hành vi đó. Trong đó phải lưu ý đến tính chất của hành vi phạm tội, những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ và những đặc điểm về nhân thân của người bị buộc tội… cần chú ý vận dụng triệt để quyết định có hay không áp dụng biện pháp ngăn chặn, hoặc lựa chọn biện pháp ngăn chặn nào cho phù hợp. Trong trường hợp bắt tạm giam cũng được áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng cách cho tại ngoại và đặt tiền hoặc gia đình bảo lĩnh cũng được thì cần cân nhắc đến các biện pháp này vì vẫn bảo đảm việc tiến hành điều tra được thuận lợi, khách quan và đúng pháp luật.
- Điều luật đã sửa đổi quy định cơ quan và người có thẩm quyền tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn. Căn cứ vào quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, phạm vi và người có thẩm quyền trong việc áp dụng từng biện pháp ngăn chặn đã được quy định theo hướng mở rộng hơn so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, cụ thể:
- Trong giai đoạn điều tra, thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng các cơ quan Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp (khoản 2 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015); Đồn trưởng Đồn biên phòng có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (khoản 3 Điều 123 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Đối với các biện pháp ngăn chặn như bắt bị can để tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyết định áp dụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát trước khi thi hành (điểm a khoản 1 Điều 113, khoản 4 Điều 121, khoản 3 Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Đối với biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì những người có thẩm quyền được áp dụng, sau đó lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát (khoản 4 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
- Trong giai đoạn truy tố, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cac cấp có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn.
- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án các cấp và Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa mới có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Còn tại phiên tòa, thẩm quyền đó thuộc về Hội đồng xét xử Tòa án các cấp.
Các biện pháp ngăn chặn gồm có: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội