Hoạt động thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự

Quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự là quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Như vậy, thu thập chứng cứ là một giai đoạn trong quá trình chứng minh vụ án hình sự, đây là giai đoạn đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu của quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự. Nếu không thu thập được chứng cứ thì không có các giai đoạn tiếp theo là kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Điều đó lý giải tại sao vấn đề thu thập chứng cứ luôn là mối quan tâm hàng đầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong giải quyết vụ án.

Thu thập chứng cứ bao gồm việc phát hiện, thu giữ, ghi nhận và bảo quản chứng cứ. Các chủ thể tiến hành thu thập chứng cứ phải bằng các biện pháp phát hiện nhằm tìm ra những dấu vết, tài liệu, sự vật, hiện tượng… có liên quan đến giải quyết vụ án, tiến hành thu giữ các chứng cứ đã được phát hiện, ghi nhận việc phát hiện, thu giữ chứng cứ bằng biên bản theo đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định, sau đó, tiến hành bảo quản để giữ chứng cứ nguyên vẹn như lúc phát hiện, thu giữ. Xét dưới góc độ thông tin thì thu thập chứng cứ là quá trình thu thập thông tin để làm căn cứ giải quyết vụ án. Thu thập chứng cứ vừa là hoạt động mang tính khoa học, vừa mang tính pháp lý nên quá trình phát hiện, thu giữ, nghi nhận phải tuân thủ nguyên tắc, quy luật nhận thức khách quan, nhưng đồng thời phải tuân thủ trình tự, thủ tục của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Việc thu thập chứng cứ phải bảo đảm các quy định về thẩm quyền, thủ tục thu thập chứng cứ, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thu thập chứng cứ. Để thu thập chứng cứ một cách hiệu quả thì trong khi thu thập chứng cứ phải đồng thời củng cố chứng cứ, đó là những phương pháp, cách thức làm cho chứng cứ thu thập được bảo đảm ba thuộc tính của chứng cứ (tính xác thực, tính liên quan và tính hợp pháp) để có giá trị chứng minh.

So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được mở rộng chủ thể có thẩm quyền thu thập chứng cứ là không chỉ có Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án mà không bao gồm cả người bào chữa, người tham gia tố tụng và bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có thể đưa ra chứng cứ, cụ thể Điều luật quy định:

  • Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể trực tiếp thu thập chứng cứ bằng việc tiến hành các hoạt động mà Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như: Khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, lấy lời khai, hỏi cung… Các hoạt động này hướng tới việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án, trên cơ sở phải tuân thủ về trình tự, thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Để tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, giải quyết vụ án được thuận lợi, cùng với việc trực tiếp áp dụng các biện pháp để thu thập chứng cứ, Bộ luật tố tụng hình sự quy định các cơ quan này có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án. Khi được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có nghĩa vụ phải cung cấp những vấn đề mình biết.
  • Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Đây là những quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người bào chữa thực hiện nhiệm vụ bào chữa của mình. Tuy nhiên, do địa vị pháp lý có sự khác biệt so với người tiến hành tố tụng, người bào chữa không được áp dụng tất cả các biện pháp như cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để thu thập chứng cứ mà chỉ có quyền áp dụng một số biện pháp nhất định. Đó là gặp người mình bào chữa, những người biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến việc bào chữa. Cùng với việc trực tiếp thu thập chứng cứ, người bào chữa còn có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa, việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có chấp thuận đề nghị của người bào chữa hay không không phụ thuộc vào đề nghị của người bào chữa và quan điểm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được đề nghị.

Thực tiễn xét xử cho thấy có trường hợp người bào chữa do nhận thức chưa đầy đủ hoặc thiếu hiểu biết về cách thức thu thập, lập biên bản ghi nhận sự việc, lấy lời khai của người làm chứng, khi cung cấp chứng cứ tại phiên tòa đã bị Hội đồng xét xử không chấp nhận, thậm chí còn kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trách nhiệm hình sự của người bào chữa về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Do đó, cùng với việc Điều luật mở ra không gian rộng lớn cho các thao tác, kỹ năng hành nghề của người bào chữa khi tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, nó cũng đòi hỏi người bào chữa bên cạnh việc tận tâm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người mà mình bào chữa, còn phải tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng thu thập và phép ứng xử khi tiếp xúc, gặp, làm việc với những người biết về vụ án hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan để đạt được mục tiêu thu thập chứng cứ cần thiết phục vụ cho việc bào chữa.

  • Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án. Quy định này ghi nhận quyền của bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào trong việc đưa ra chứng cứ, những vấn đề liên quan để làm sáng tỏ vụ án.

Cùng với việc ở rộng chủ thể có quyền thu thập chứng cứ, cung cấp chứng cứ, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do người bào chữa, người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, theo đó, khi tiếp nhận, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Đây là những quy định mới nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, một mặt gắn trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, đồng thời khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ để đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần tạo nên phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự xã hội và cuộc sống bình an cho nhân dân.

Hoạt động thu thập chứng cứ, tiếp nhận tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát. Để bảo đảm các hoạt động này phải được kiểm sát một cách chặt chẽ, khoản 5 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Các quy định này sẽ bảo đảm các tài liệu, chứng cứ do người bào chữa, người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức, cá nhân cugn cấp đều được xem xét, đánh giá và lưu giữ trong hồ sơ vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

XEM THÊM